Từ số 4 Duy Tân lịch sử đến Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM

Bùi Phụ Thứ bảy, ngày 05/09/2020 16:05 PM (GMT+7)
Tác phẩm âm nhạc “Trả lại em yêu” nhạc sĩ Phạm Duy viết mở đầu: “Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát…”. Bài hát đi sâu vào lòng nhiều thế hệ sinh viên khắp mọi miền đất nước. Đường Duy Tân hiện nay ra sao, còn thơ mộng như bài tình ca?
Bình luận 0


Từ số 4 Duy Tân lịch sử đến NVH Thanh Niên TP HCM - Ảnh 1.

Nhà Văn hóa Thanh niên xuân về đông du khách. Ảnh Bùi Phụ.

Con đường xưa vẫn cây dài bóng mát

Con đường "Duy Tân cây dài bóng mát" ngày xưa nay là đường Phạm Ngọc Thạch (từ Hồ Con Rùa đến sau lưng Nhà thờ Đức Bà, TP.HCM). Còn "khung trời đại học" bởi gần nơi này có nhiều trường nổi tiếng như Đại học Luật (nay là Đại học Kinh tế), Đại học Kiến trúc, Đại học Văn khoa nay là Đại học KHXHNV TP.HCM... Trải qua biết bao thăng trầm thay đổi, hàng cây cổ thụ hai bên đường hiện nay vẫn cho bóng mát như ngày nào như bài tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy.

Nhiều anh chị lớn tuổi và từng là sinh viên ở Sài Gòn lúc bấy giờ cho biết, xung quanh Hồ Con Rùa (giữa đường Phạm Ngọc Thạch) là nơi hẹn hò yêu đương của nhiều thế hệ sinh viên của các trường đại học. Vì thế mỗi lần ngang đây, những ký ức cũ tràn về khiến ai cũng nhớ một "khung trời đại học"…

Đến nay con đường này vẫn là nơi hẹn hò của nhiều đôi trẻ đang yêu. "Tăng đô" nét lãng mạn cho những đôi tình nhân bởi đầu đường (bên hông Nhà thờ Đức Bà) có công viên với rừng cây cổ thụ 100 tuổi rất thơ mộng (trước Dinh Thống Nhất). Nếu những chiều cuối tuần, bạn cùng người yêu tay trong tay dẫn nhau đi bộ quanh khu này sẽ cảm nhận được nhịp đập thổn thức của con tim…

Hiện nay con đường Phạm Ngọc Thạch cũng là nơi "xuống đường" tuyệt vời nhất mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng hoặc những sự kiện vui mừng của đất nước và TP.HCM. Hàng chục nghìn thanh niên trên tay cờ đỏ sao vàng nhuộm đỏ cả tuyến phố rồi lan tỏa khắp nơi reo mừng "Đất nước trọn niềm vui".

Trở lại số 4 Duy Tân, trong những năm 1963 - 1975, là trung tâm đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh do Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định trực tiếp lãnh đạo. Nơi đây xuất phát các phong trào đòi hòa bình, thống nhất đất nước, chống đôn quân bắt lính và cũng là nơi diễn ra những đêm không ngủ, hát cho dân tôi nghe, đốt lửa căm thù của tuổi trẻ Sài Gòn lúc bấy giờ… Những phong trào này có tiếng vang rất lớn, lan tỏa khắp nơi và được sự ủng hộ của nhiều thành phần, nhiều giới trong xã hội, từ tăng ni Phật tử, nhiều vị dân biểu đối lập, đến Phó Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ...

Trưa 30/4/1975 lịch sử, các mũi tiến công và năm cánh quân khởi nghĩa ở nội thành của Thành Đoàn đã vào tiếp quản số 4 Duy Tân. Những cánh quân này là các chiến sĩ của phong trào, những người con yêu của thành phố, vừa từ nhà tù, rừng sâu, từ những nơi trú ẩn bí mật hội tụ về mừng chiến thắng.

Tháng 9/1975, Thành Ðoàn quyết định chọn số 4 Duy Tân làm CLB Thanh niên. Sau đó được nâng lên thành NVH Thanh Niên, nơi diễn ra các hoạt động Ðoàn, hoạt động văn hóa thể thao, khoa học kỹ thuật, công tác xã hội phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí cho thanh niên.

Ngày 26/3/1985, ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đến dự và cắt băng khánh thành bia truyền thống tại đây với nội dung "4 Duy Tân - Trung tâm đấu tranh công khai của tuổi trẻ thành phố thời đánh Mỹ".

Từ số 4 Duy Tân lịch sử đến NVH Thanh Niên TP HCM - Ảnh 2.

Khu cảnh vui xuân trước Nhà văn hóa Thanh niên. Ảnh Nguyễn Hằng.

Điểm hẹn lý tưởng của thanh niên

Ông Nguyễn Xuân Minh, nguyên Giám đốc NVH Thanh Niên (1999- 2006) cựu TBT Báo Sài Gòn Tiếp thị (bộ cũ) cho biết, dù đã về hưu hơn chục năm qua nhưng không bao giờ ông quên quãng đời gắn bó với NVH. Nhất là những ngày trước và sau Quốc khánh 2/9 (ngày 4/9/1975 thành lập NVH Thanh niên) khi chứng kiến không khí nhộn nhịp của hàng nghìn thanh niên khắp nơi về mừng Tết Độc lập. 

"Chính nơi đây đã nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn người trẻ bao thế hệ khắp mọi miền đất nước đến đây gắn bó với khoảng 30 CLB, đội, nhóm. Từ ngôi nhà chung này, nhiều bạn trẻ đã khẳng định vị trí của mình bằng tài năng trên mọi lĩnh vực xã hội, như nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên điện ảnh… Qua 45 năm hoạt động, nhiều bạn trẻ trở thành nhà quản lý doanh nghiệp giỏi, nhà văn, nhà báo, bác sĩ, thầy cô giáo… Tôi rất tự hào vì có nhiều năm liền gắn với lịch sử NVH Thanh niên…", ông Minh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV, sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn NVH Thanh niên làm nơi trao đổi âm nhạc với các bạn trẻ suốt nhiều năm liền. Những buổi nói chuyện của Trịnh Công Sơn thu hút hàng nghìn thanh niên đến nghe.

Hiện nay, những mỗi khi xuân về, những dịp lễ vui của đất nước, nơi đây tái hiện cảnh Phố Ông Đồ, Hội Xuân…

Bạn Trần Huỳnh Hữu Danh, hiện là sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, bạn vừa hoàn thành khóa học nghệ thuật giao tiếp ở NVH. Nhờ đó, bạn đã cảm nhận được cảm xúc của mọi người, biết làm chủ lời nói của bản thân, biết kết hợp cách giao tiếp ngôn ngữ khi giao tiếp với người khác.

Còn bạn Phạm Văn Nguyên (34 tuổi), Chủ nhiệm CLB thư pháp, đã gắn bó hơn 15 năm và xem đây như ngôi nhà thứ 2. Nguyên cũng như các thành viên trong CLB rất vui khi được tới đây giao lưu, gặp gỡ, làm quen nhiều bạn ở độ tuổi khác nhau, được học tập kinh nghiệm của các anh chị đi trước và được tiếp lửa cho các bạn trẻ. "Chính từ ngôi nhà chung rất đỗi tự hào này, tôi đã được ươm mầm tài năng, được chắp cánh những ước mơ để trở thành những công dân có ích cho TP mang tên Bác…", Nguyên nói.

Bà Huỳnh Thị Quỳnh Hoa, Phó giám đốc NVH Thanh niên cho biết, 45 năm qua, nơi đây đã thu hút hàng chục triệu lượt thanh niên đến tham gia hoạt động, học tập, vui chơi, giải trí. Hoạt động đào tạo là một trong những thế mạnh của NVH với nội dung đa dạng, từ kỹ năng đến năng khiếu. Trong đó chú trọng đến kỹ năng ứng dụng nghệ thuật, kỹ năng thực hành xã hội, các bộ môn văn hóa nghệ thuật…

Từ số 4 Duy Tân lịch sử đến NVH Thanh Niên TP HCM - Ảnh 3.

Trước Nhà văn hóa Thanh niên.

Tại số 4 Duy Tân, năm 1963, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn được thành lập. Qua nhiều người đảm nhiệm, đến năm 1969, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch. Sau 1975, ông làm TBT đầu tiên của Báo Thanh Niên.

Những anh chị tên tuổi khác tham gia lãnh đạo hội như anh Võ Như Lanh (sau 1975 làm TBT Báo Tuổi Trẻ, TBT Thời báo Kinh tế Sài Gòn), anh Lê Văn Nuôi (thời ấy là Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn, sau 1975 làm Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP.HCM).

Hiện có NVH khoảng 30 CLB, đội nhóm, thu hút hàng ngàn hội viên sinh hoạt, nổi bật như CLB Tiếng Anh, Ca sĩ trẻ, Người dẫn chương trình, Lý luận trẻ, Tuổi trẻ về nguồn, Thư pháp, Thời trang, Đờn ca tài tử… Cơ sở vật chất vừa nâng cấp rất tốt, sẽ mở rộng đố tượng tuyển sinh khác nhau thay vì trước đây chỉ tập trung thanh niên, học sinh. NVH luôn nỗ lực đổi mới nội dung, đa dạng các phương thức hoạt động để trở thành điểm hấp dẫn, không thể thiếu của thanh niên thành phố…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem