Từ vụ nữ học sinh 13 tuổi bị thầy giáo xâm hại nhiều lần: Cần kỹ năng gì để thoát những "yêu râu xanh"?

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 05/06/2023 06:14 AM (GMT+7)
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ với PV Dân Việt về những kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ sau loạt bài nữ học sinh 13 tuổi bị thầy giáo xâm hại nhiều lần gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Mới đây, Dân Việt đăng tải loạt bài thầy giáo dụ dỗ, ép nữ sinh là trẻ em mới tuổi 13 quan hệ tình dục nhiều lần tại một trường THCS ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đang được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ những kỹ năng cần thiết giúp các bạn trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ thoát khỏi việc có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Báo động tình trạng gia tăng trẻ bị xâm hại tình dục học đường 

Thưa ông, vấn nạn xâm hại học đường không phải là mới nhưng thời gian qua liên tục xuất hiện, trong đó lứa tuổi trẻ nhỏ bị xâm hại có xu hướng gia tăng. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó cũng phải kể đến một số yếu tố. Nhiều người chưa ý thức, ngại nói về vấn đề này với trẻ, nói với trẻ muộn dẫn đến trẻ không có kỹ năng. Khi đã phát hiện một số dấu hiệu nguy cơ, chúng ta lại không hành động đủ và hành động kịp thời vì sợ bị kỳ thị, quy trình thủ tục rắc rối, gây thêm tổn thương cho trẻ và các bên. Bản thân người lớn cũng được giáo dục trong một nền văn hóa luôn né tránh nói về những vấn đề "nhạy cảm" này nên không biết nói thế nào. 

Từ vụ nữ học sinh 13 tuổi bị thầy giáo xâm hại nhiều lần: Cần kỹ năng gì để thoát những "yêu râu xanh" - Ảnh 1.

Nữ sinh nằm ẩn mình trong phòng cả ngày sau khi bị thầy giáo tán tỉnh, gạ gẫm quan hệ tình dục mới bước sang tuổi 13. Ảnh: Nhóm PV

Tuy nhiên cần nhớ rằng, thảo luận cởi mở về xâm hại tình dục trẻ em sẽ giúp mỗi cá nhân, cũng như cộng đồng, bảo vệ trẻ em tốt hơn. Và trên thực tế, trước những lời tố giác xâm hại tình dục của trẻ vẫn có đến khoảng 30% khi nghe tin không tin vào sự việc và thường bỏ qua, không có hành động đích đáng để xử lý tiếp.

Ngoài ra, chúng ta đang thiếu nhiều giáo viên, có thể việc tuyển giáo viên đôi lúc chỉ tập trung vào các yếu tố bằng cấp học vấn nhưng không chú ý đến các yếu tố phẩm chất. 

Ở các quốc gia khác, việc kiểm tra lý lịch tư pháp của những người được tuyển vào nghề giáo viên, tư vấn tâm lý, y tá, điều dưỡng... và những nghề làm việc với trẻ em là bắt buộc, để đảm bảo không có các nguy cơ vi phạm đạo đức và pháp luật nào xảy ra. Chúng ta không có. 

Ở các quốc gia khác, họ cũng thường xuyên tiến hành sàng lọc các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần của giáo viên để đảm bảo  đội ngũ này có một sức khỏe tâm lý cân bằng, hạn chế mức thấp nhất những hành vi bạo lực hoặc xâm hại trẻ do ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe tâm thần người giáo viên. Hiện chúng ta cũng không làm công tác này trong các trường.

Theo ông, trách nhiệm của gia đình, nhà trường thế nào?

Tôi cảm thấy giáo dục gia đình và nhà trường cần phải giúp các em trở thành một con người tự tin và biết tự định hướng. Nếu có những phẩm chất này, các em sẽ tự tin nói không trong những tình huống nguy cơ, biết sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ và hành động dứt khoát để biểu lộ thái độ với hành vi không lành mạnh.

Từ vụ nữ học sinh 13 tuổi bị thầy giáo xâm hại nhiều lần: Cần kỹ năng gì để thoát những "yêu râu xanh" - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Các em cũng cần phải biết nhận định đánh giá tình hình để dự báo trước tình huống nguy hiểm và cách thoát khỏi chúng, từ việc nói lảng nói tránh, trì hoãn, tìm cách chạy đến những nơi có người lớn.

Còn cha mẹ khi biết con mình bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần ngay lập tức thiết lập một môi trường an toàn cho con; đánh giá để loại trừ tất cả các mối nguy tiềm năng có thể ảnh hưởng đến con. Cha mẹ cũng cần học cách tự chăm sóc mình để vượt qua cú sốc khi nhận tin để đảm bảo khả năng chăm sóc hỗ trợ con trong thời gian này.

Trong một môi trường an toàn và quan tâm, cha mẹ bắt đầu trao đổi với trẻ theo cách thể hiện mình tin tưởng con; những điều con làm khi tiết lộ là rất dũng cảm; là rất giá trị vì có thể giúp được nhiều người khác. Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ tự động viên mình bằng những câu nói như mọi người đều quan tâm và tin tưởng mình; Mình sẽ vượt qua được chuyện này; Mọi chuyện có thể rất khó chấp nhận lúc đầu nhưng về sau sẽ dễ dàng hơn.

Nhà trường có thể được xem là ngôi nhà thứ 2 của trẻ em. Khi trẻ tham gia học tập tại trường lớp, nhà trường, thầy cô và nhân viên nhà trường đều có trách nhiệm giữ an toàn cho các em, bảo vệ các em khỏi nguy cơ bị tổn thương, trong đó có xâm hại tình dục. 

Nhà trường có nghĩa vụ tạo ra và duy trì một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, có khả năng nhận diện và giúp đỡ những em học sinh đang có nguy cơ hoặc đang gặp phải nguy hiểm. Đồng thời, nhà trường cũng có trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho thầy cô và nhân viên về việc bảo vệ các em học sinh.

Từ vụ nữ học sinh 13 tuổi bị thầy giáo xâm hại nhiều lần: Cần kỹ năng gì để thoát những "yêu râu xanh" - Ảnh 3.

Nhân viên trực Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) thường xuyên tiếp nhận thông tin trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục. Ảnh: Gia Khiêm

Nguy cơ các em học sinh bị xâm hại ngay tại trường học vẫn tồn tại, như các vụ việc học sinh bị xâm hại bởi giáo viên, nhân viên nhà trường hoặc thậm chí là các bạn học cùng trường, tại một số tỉnh thành trên cả nước. Điều này cho thấy việc giáo dục từ phía nhà trường về sức khoẻ giới tính và các biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân chưa thực sự có hiệu quả và rất cần sự điều chỉnh thích hợp. 

Ngoài ra, khi thông tin chính thống về giáo dục sức khoẻ giới tính có thể bị lạm dụng, nếu để các em học sinh tự tìm hiểu qua những nguồn thông tin khác, thì việc nhà trường chủ động giảng dạy về những kiến thức này sẽ giúp các em học sinh củng cố thêm niềm tin vào trường lớp, duy trì trường lớp trở thành một môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.

Những kỹ năng thoát "yêu râu xanh" với trẻ

Mọi người vẫn thường nghĩ ở trên ghế nhà trường là nơi an toàn nhất nhưng có không ít trường hợp chính nữ sinh bị thầy gạ tình, thậm chí còn như kiểu công khai lên mạng xã hội. Ông nghĩ sao về việc này?

Liên quan đến nhận thức niềm tin rằng ở nhà trường là an toàn, chúng ta phải nhận thức được rằng ở đâu cũng có nguy cơ, chỉ là ở chỗ nào, với ai thì nguy cơ cao hơn và ở trong môi trường nào thì nguy cơ thấp hơn mà thôi.

Về vấn đề xâm hại tình dục, chúng ta cần phải dựa trên các bằng chứng thực tế để điều chỉnh lại nhận thức của mình. Cần nhớ rằng các nghiên cứu thống kê cho thấy có khoảng 20% trẻ gái và 8% trẻ trai bị xâm hại tình dục trước sinh nhật tuổi 18. 84% các vụ thực hiện xâm hại trẻ dưới 12 tuổi xảy ra trong một ngôi nhà.

Từ vụ nữ học sinh 13 tuổi bị thầy giáo xâm hại nhiều lần: Cần kỹ năng gì để thoát những "yêu râu xanh" - Ảnh 4.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám điều trị cho nữ sinh. Ảnh: Nhóm PV

Những kẻ mắc chứng ấu dâm (pedophilia) trung bình gạ gẫm và xâm hại khoảng 148 trẻ cho đến khi bị bắt. 73% nạn nhân không kể về tội ác trong 1 năm; 45% tiếp tục giữ kín trong vòng 5 năm; 10% không bao giờ kể. 81% nạn nhân bị xâm hại tình dục khi còn trẻ phải nhập viện tâm thần điều trị trong cuộc đời.

Và thủ phạm là ai? Có lẽ quý vị cũng sẽ giật mình vì 1/3 thủ phạm là vị thành niên, 85% nạn nhân biết thủ phạm. Nhiều gia đình còn thân thiết và yêu quý thủ phạm. Có thể là người thân trong gia đình, bố, chú, anh họ, ông ngoại, thậm chí thầy giáo, cô giáo… 

Như thế, bố mẹ cần ý thức là về cơ bản thủ phạm là người quen biết thậm chí còn thân thiết với gia đình. Thủ đoạn của kẻ xâm hại dùng nhiều cách khác nhau để tiếp cận và xâm hại trẻ.

Thường dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ với trẻ (đôi khi là cả với các thành viên trong gia đình trẻ). Thủ đoạn của chúng thường đi từ: Nhắm đối tượng: tức thủ phạm xác định đối tượng trẻ em chúng muốn xâm hại. Thứ 2, xây dựng niềm tin: Thủ phạm xây dựng niềm tin ở trẻ bằng cách chia sẻ sở thích, tặng quà và kết bạn. Thứ 3, Tạo bí mật: Thủ phạm tạo ra những bí mật riêng với trẻ để chắc chắn trẻ sẽ không nói với người khác về việc bị xâm hại.

Thứ 4: Hành động leo thang: Thủ phạm tiến tới việc giới tính hóa mối quan hệ với trẻ. Cuối cùng, thực hiện xâm hại: Thủ phạm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục trẻ.

Việc tấn công bất ngờ và xâm hại trên đường là cực kỳ hiếm. Nhưng với sự phổ biến của internet, thủ phạm bây giờ có nhiều cách thức để xâm hại tình dục trẻ em. Chúng có thể từ nơi khác đến, qua con đường du lịch. Đến mua chuộc bằng tiền. Kẻ xâm hại có thể chi tiền cho ai đó để giúp tìm kiếm trẻ em nhằm mục đích xâm hại. Và hiện tại nhiều kẻ xâm hại không làm việc một mình. Chúng liên lạc qua mạng xã hội thậm chí không cần biết mặt nhau.

Internet chứa rất nhiều tranh ảnh xấu, tạp chí người lớn, phim khiêu dâm ấu dâm. Trẻ có thể tình cờ xem hoặc bạn bè cho xem hoặc chủ định tìm kiếm để xem. Hoặc trẻ có thể bị kẻ xâm hại hoặc một trẻ lớn hơn cho xem. Thủ phạm thường cho xem để kích thích tò mò, bình thường hóa tội ác; bắt chước những hành vi ấu dâm trên phim.

Phải dạy trẻ từ nhỏ: nói cho bố mẹ biết ai cho xem thứ đó; chúng không có lỗi khi bị cho xem; và việc xem là không phù hợp – cần tư vấn ngay nhà tâm lý.

Trong những trường hợp khi bị thầy giáo hoặc ai đó "gạ tình" thì các bé gái nên có kỹ năng phòng vệ xâm hại tình dục ra sao? 

Có lẽ kỹ năng ứng phó với xâm hại tình dục, những hành vi thiếu đứng đắn của người lớn như giáo viên trong vụ việc này là ngay từ nhỏ gia đình cần xây dựng được mối quan hệ tin tưởng cởi mở với trẻ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mà không bị phán xét. Hãy để cho các em cảm thấy được lắng nghe. Thậm chí có thể chủ động cam kết giữ bí mật và đứng về phía bảo vệ các em.

Bên cạnh đó, cần dạy trẻ cách bảo vệ bản thân từ cách gọi tên chính xác các bộ phận cơ thể. Hiểu về vùng riêng tư và nhận biết thế nào là hành vi đụng chạm đúng đắn.

Cách nhận biết cảm xúc và nói ra dự cảm xấu hoặc những bí mật buồn. Cách giữ không gian cá nhân qua quy tắc 5 ngón tay (Ngón cái ôm hôn dành cho ông bà bố mẹ anh chị em ruột; Ngón trỏ nắm tay dành cho bạn bè, thầy cô, họ hàng; Ngón giữa bắt tay dành do những người quen; Ngón nhẫn vẫy tay dành cho người lạ và Ngón út xua tay, không tiếp xúc dành cho người lạ mà bé cảm thấy bất an hoặc có những cử chỉ thân mật quá mức). 

Khi gặp những tình huống bất an, con biết ứng xử theo quy tắc: Cự tuyệt (nói không) – Tránh xa  - Nói ra (chia sẻ với 5 người mà mình yêu thương, tin tưởng nhất). 

Cùng đọc và chia sẻ với con về những câu chuyện giới tính phù hợp và cùng con tập dượt xử lý các tình huống có thể xảy ra. Ví dụ như "Con sẽ nói làm gì nếu con không thích nụ hôn tạm biệt của chú hàng xóm?" hay "Con sẽ làm gì nếu có người cứ muốn xem vùng kín của con?"

Bản thân đứa trẻ cần được học kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người tin cậy. Cần thực hành việc nói ra những cảm xúc tiêu cực, gây xấu hổ trong môi trường gia đình và coi nó như một việc bình thường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem