Từ vụ tài xế taxi tử vong ở hồ Tây: Trường hợp nào được xem là phòng vệ chính đáng?

Quang Trung Thứ năm, ngày 07/03/2024 21:06 PM (GMT+7)
Công an quận Tây Hồ đã bắt giữ Trần Duy Quang vì có hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, liên quan vụ tài xế taxi tử vong ở hồ Tây. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Bắt giữ đối tượng đánh tài xế taxi dẫn đến tử vong ở hồ Tây

Ngày 6/3, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội), đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ đối tượng Trần Duy Quang (SN 2003, trú Cán Khê, Như Thanh, Thanh Hoá) để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Từ vụ tài xế taxi tử vong ở hồ Tây: Trường hợp nào được xem là phòng vệ chính đáng?- Ảnh 1.

Trần Duy Quang tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Hà Nội

Theo điều tra, 16h ngày 4/3, tại khu vực đường kè hồ Tây, phường Nhật Tân, xuất phát từ việc anh L.X.T, điều khiển xe ô tô taxi va chạm với xe máy do Quang điều khiển, chở bạn gái phía sau, làm xe máy của Quang bị loạng choạng, giữa anh T. và Quang xảy ra tranh cãi.

Anh T. mở cốp xe lấy ra một vật tày (dài khoảng 40cm), đuổi đánh Quang, Quang giơ tay lên đỡ và đấm thẳng vào mặt rồi cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu anh T. Khi được người dân can ngăn, 2 bên lên xe rời đi.

Sau đó, anh T. về nhà nằm nghỉ. Đến 20h30 cùng ngày, thấy sức khỏe anh T. diễn biến xấu, gia đình đưa anh đi cấp cứu nhưng anh đã tử vong tại bệnh viện, vào chiều ngày 5/3.

Khi nào được xem là phòng vệ chính đáng?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với kết quả xác minh như trên, cơ quan điều tra đang cho rằng đối tượng Quang đã có hành vi cố ý gây ra thương tích đối với nạn nhân và hậu quả nạn nhân đã tử vong.

Hành vi của đối tượng là xâm phạm đến sức khỏe của người khác dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nên không phải chịu trách nhiệm về hậu quả nạn nhân tử vong nhưng phải chịu trách nhiệm về những thương tích do hành vi của mình gây ra.

Chính vì vậy, cơ quan điều tra đã khởi tố đối tượng về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự chứ không xử lý về tội giết người.

Theo ông Cường, một điều đáng chú ý trong vụ án này là sau khi hai bên "cự cãi", nạn nhân đã sử dụng hung khí là một vật tày dài 40cm để tấn công bị can trước, sau đó bị can mới đánh lại bằng mũ bảo hiểm.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi này có phải là phòng vệ chính đáng hoặc cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không để loại trừ hoặc giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do hành vi gây thương tích đã xảy ra.

Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều được quyền thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng là "chống trả lại một cách cần thiết" đối với hành vi của người khác đang tấn công gây thiệt hại đến mình hoặc người khác.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trước khi nạn nhân sử dụng vật tày để đánh đối tượng, hai bên đã có những hành vi như thế nào, ý chí của các bên thể hiện thông qua hành vi khách quan là gì, có nhằm mục đích gây thương tích cho nhau hay không?

Trong trường hợp hành vi trước đó lời qua tiếng lại chưa chứng minh được là hai bên có mục đích gây thương tích cho nhau và sau đó nạn nhân đã sử dụng gậy để tấn công bị can thì bị can được phép chống trả lại một cách cần thiết thì được coi là phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp phòng vệ chính đáng, hành vi không được coi là tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu kết quả điều tra cho thấy trước khi nạn nhân dùng gậy tấn công đối tượng, đối tượng đã có mục đích gây thương tích cho nạn nhân (xông vào đánh nhau nhưng được mọi người can ngăn) hoặc khi nạn nhân dùng gậy đánh đối tượng, đối tượng cũng dùng tay và mũ bảo hiểm đánh lại, mục đích là để gây thương tích cho nạn nhân.

Hoặc đối tượng dùng vũ lực không phải với mục đích để triệt tiêu vũ lực của nạn nhân, khiến nạn nhân không gây ra thiệt hại cho đối tượng mà hành vi của đối tượng cũng nhằm mục đích gây thương tích cho nạn nhân và hậu quả nạn nhân đã tử vong thì việc khởi tố về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ.

"Xác định vụ việc là đánh nhau hay bị đánh rồi phòng vệ phụ thuộc vào tương quan lực lượng, phụ thuộc vào vũ khí, hung khí mà các bên sử dụng, phụ thuộc vào vị trí tấn công, cường độ tấn công, mức độ thiệt hại và thái độ sau khi sự việc xảy ra của các bên. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý" – ông Cường nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem