Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh 2k4 “mắc kẹt” giữa chọn ngành hot hay vì đam mê

Thu Thủy Thứ tư, ngày 27/04/2022 17:00 PM (GMT+7)
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, các thí sinh 2k4 (sinh năm 2004) sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2022 đầy cam go. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, có học sinh cho biết vẫn chưa định hướng được chọn trường như thế nào cho phù hợp.
Bình luận 0

"Mắc kẹt" giữa những lựa chọn

Đỗ Thị Tùng Lâm, hiện đang học lớp 12 tại một trường THPT ở TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cho biết, năm nay, em đánh cược tất cả các nguyện vọng vào ngành Y ở các trường đại học ở phía Bắc. Sở dĩ, Lâm đăng ký tất cả các nguyện vọng đều là ngành Y vì đây là ngành mà bố mẹ em đang làm việc. Lâm thừa nhận đây là ngành mình theo định hướng của gia đình chứ không hoàn toàn thích, tuy học đều các môn ở tổ hợp xét tuyển đại học nhưng học lực của em cũng ở mức khá.

"Bố mẹ định hướng nghề nghiệp cho em, và nói rằng đây là ngành sẽ không bao giờ thất nghiệp, đầu ra sau khi tốt nghiệp bố mẹ cũng đã "nhắm" được vì cùng làm trong ngành", Lâm cho hay.

Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh 2k4 “mắc kẹt” giữa chọn ngành hot hay vì đam mê - Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội năm 2021. Ảnh: Phạm Hưng

Nữ sinh 2k4 có chút bối rối khi nói về lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay vì "không thể làm khác". "Thật sự em thấy con gái theo ngành Y khá vất vả, hơn nữa, em lại có đam mê và chút lợi thế với tiếng Anh nên muốn theo ngành Ngôn ngữ Anh. Em cũng có chứng chỉ ngoại ngữ và được 6.5 IELTs", Lâm chia sẻ.

"Em khá run, tất cả các nguyện vọng em đều đăng ký là ngành Y. Em đang băn khoăn giữa việc đăng ký nguyện vọng đầu tiên vào ngành Y đa khoa của Đại học Y Thái Bình hoặc Y khoa của Đại học Y dược – Đại học Quốc gia Hà Nội", Lâm nói thêm.

Còn Nguyễn Minh Hương đang theo học tại Trường THPT Long Châu Sa, tỉnh Phú Thọ lại "mắc kẹt" giữa việc chọn ngành đang "hot" hay là đam mê.

"Ngành digital marketing (tiếp thị số - PV) hiện nay rất hot, em khá thích ngành này và cũng đã đọc, tìm hiểu thấy đây sẽ là ngành đón đầu xu hướng mà các GenZ chú ý để đưa vào list nguyện vọng xét tuyển năm nay. Thay vì marketing theo truyền thống, digital marketing sẽ chiếm ưu thế", nữ sinh hào hứng nói.

Tuy nhiên, Hương cho biết, em khá băn khoăn vì chỉ tìm hiểu được bề nổi của ngành học thông qua các phương tiện truyền thông cũng như lời giới thiệu của các trường chứ bản thân thì không thực sự hiểu ngành đang trở thành mốt này, cũng chưa được ai định hướng.

Còn hơn hai tháng nữa để "chốt" nguyện vọng, Hương lại thiên về ngành mình đã biết và tìm hiểu kỹ hơn, được tư vấn nhiều hơn là ngành báo chí. Nữ sinh cho biết học tốt các môn tổ hợp xã hội, dự định xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Chọn ngành "hot" hay chạy theo đam mê?

Chia sẻ thêm về vấn đề nên chạy theo ngành "hot" hay theo đuổi đam mê, TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội nhấn mạnh: "Các thí sinh cần tự khám phá, tìm hiểu sở thích của mình trước rồi xem xét yếu tố năng lực xem bản thân có phù hợp với ngành đó không, chứ đừng nên chọn ngành "hot" nếu bản thân mình cảm thấy không yêu thích nó. Nếu em thực sự đam mê với nghề, em vẫn có thể tự kiếm được cơ hội việc làm cho riêng mình kể cả đó không phải là ngành hot".

Theo TS Phương, hiện nay, một số ngành "hot" tại Đại học Hà Nội có thể kể đến là các ngành ngôn ngữ (Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh,…), Marketing, Truyền thông đa phương tiện, đây đều là những ngành có cơ hội việc làm tốt.

Trước câu hỏi "Thí sinh nên chọn ngành hot hay ngành phù hợp với bản thân?" trong chương trình tư vấn "Chọn chuẩn trường, Đi chuẩn đường", TS. Lê Việt Thủy – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra lời khuyên: "Các em xem từ số liệu điểm chuẩn có thể thấy những ngành có điểm chuẩn cao chính là những ngành "hot" được đa số các thí sinh lựa chọn. Nếu các em thực sự chưa có định hướng rõ ràng về ngành nghề tương lai thì có thể chọn ngành hot. Hiện tại, có nhiều kênh tư vấn tuyển sinh hay các trắc nghiệm tính cách giúp các em dễ dàng tìm hiểu ngành nghề phù hợp với mình. Tuy nhiên việc dự đoán được công việc đi theo mình lâu dài không phải chuyện dễ".

TS Thủy cho hay, tại Đại học Kinh tế Quốc dân, các thí sinh không cần quá đặt nặng vấn đề chọn ngành. Nếu các em chưa thể đậu vào ngành mong muốn tại trường thì có thể lựa chọn học song bằng khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

PGS. Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thì cho rằng: "Ngành học nào cũng chứa đựng tiềm năng riêng. Thay vì cứ chạy theo ngành "hot", trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, các em nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng. Tôi cho rằng, ưu tiên số 1 khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích của bản thân, sau đó là sự cân nhắc, tính toán về năng lực".

PGS Hải cũng nhắc nhở các thí sinh trước khi chọn ngành nghề cần tìm hiểu xem học phí của chương trình đào tạo có phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình hay không, từ đó đưa ra các quyết định xem mình nên chọn ngành học nào cho phù hợp nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem