Tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2014: Đề thi khối A, A1 sẽ ít biến động

Tùng Anh Thứ năm, ngày 03/07/2014 07:19 AM (GMT+7)
Ngày mai 4.7, gần 600.000 thí sinh các khối A, A1 và V sẽ bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi ĐH -  CĐ năm 2014. Nhiều thí sinh đang rất hồi hộp, lo lắng trước những đổi mới về cách thức ra đề của kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ GDĐT cho biết riêng đề thi khối A, A1 sẽ ít biến động.
Bình luận 0

Đề thi sẽ khó hơn?

Đây là năm thứ 2 Trần Văn Toàn (Hải Hậu, Nam Định) dự thi vào Trường ĐH Xây dựng (khối A), năm trước Toàn chỉ thiếu 1 điểm là đỗ nhưng không xét nguyện vọng sang trường khác mà quyết tâm thi lại. Toàn lo lắng: “Nghe nói đề thi các khối năm nay có nhiều thay đổi, đặc biệt là các khối xã hội. Năm nay em tự ôn thi ở nhà và lên mạng cập nhật thông tin nên cũng hơi lo lắng, không biết đề khối A sẽ như thế nào”. Toàn cũng cho biết, thời điểm hiện tại em cũng không còn tập trung luyện các dạng bài nữa mà chủ yếu hệ thống lại phần lý thuyết cơ bản của các môn.

Cô Nguyễn Thị Tâm – giáo viên Hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) thì cho rằng, đề thi năm nay có thể sẽ không khác nhiều so với năm trước. “Theo cấu trúc được Bộ GDĐT đưa ra thì môn Hóa sẽ vẫn có 60 câu hỏi, trắc nghiệm trong 90 phút. Nếu có thay đổi thì có thể đề sẽ khó hơn. Do năm trước phổ điểm môn Hóa từ 7 – 8 học sinh được khá nhiều nên năm nay có thể Bộ GDĐT sẽ tăng độ khó để giúp phân loại học sinh được rõ hơn” – cô Tâm nhận định.

Cũng theo cô Tâm, đối với đề thi ĐH như mọi năm, học sinh lực học khá đến giỏi mới có thể đạt mức điểm khá, còn học sinh trung bình, trung bình khá thì rất khó vượt qua điểm 6. Cô Tâm lưu ý thí sinh khi làm bài thi môn Hóa: “Kiến thức đề thi chắc chắn sẽ có cả trong chương trình của 3 năm lớp 10, 11, 12 nên học sinh chỉ học chương trình lớp 12 là không đủ. Đề bài dài thì thí sinh nên đọc luôn phần hỏi trước để biết họ yêu cầu gì rồi quay lại đọc phần đề để tiết kiệm thời gian; nếu gặp bài lạ, bài khó, cần tính toán nhiều thì để làm sau khi bài đã gần trọn vẹn; không nên nháp nhiều sẽ mất thời gian. Nhiều bạn nháp rất cẩn thận, khi quay ra điền kết quả thì đã… hết giờ” – cô Tâm nói.

Thầy Nguyễn Đức Kiên – giáo viên Toán tại một trường THPT ở TP. Thanh Hóa thì cho biết, khi bắt tay vào ôn luyện cho học sinh, bản thân giáo viên cũng khá hoang mang vì sợ cấu trúc đề sẽ thay đổi. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ thì chắc đề năm nay không khác nhiều so với mọi năm. “Đề thi khối A sẽ khó hơn nhiều so với đề khối D, B và khó hơn rất rất nhiều so với đề thi tốt nghiệp… Nếu so sánh với đề thi tốt nghiệp thì em nào dễ dàng làm được 10 điểm môn Toán tốt nghiệp sẽ có hy vọng đạt điểm 8 – 9 đề thi ĐH” – thầy Kiên nói.

Không đánh đố!

Nói về đề thi năm nay, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng – Bộ GDĐT cho biết, nguyên tắc của việc ra đề thi là không ra đề quá khó, quá phức tạp, không ra đề đánh đố.

Cũng theo ông Nghĩa, đề thi năm nay sẽ bám sát chương trình THPT theo từng bộ môn. Sẽ có những câu được ra để kiểm tra bao quát cả chương trình trung học, có những câu chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Kiến thức sẽ được đảm bảo cân đối giữa các phần trong chương trình học và đúng với các quy định về điều chỉnh môn học. Đề thi cũng đảm bảo thống nhất các ký hiệu, thuật ngữ hiện hành.


Đảm bảo công tác an toàn bí mật đề thi

Theo thông tin từ một cán bộ của Bộ GDĐT, để đảm bảo bí mật của việc ra đề thi, bảo mật đề thi, việc biên soạn đề thi được tổ chức tại một địa điểm biệt lập, quy trình nghiêm ngặt.

Toàn bộ đề thi chính thức và đề thi dự bị, đáp án và thang điểm khi chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật” do trưởng ban đề thi cất giữ theo chế độ bảo mật. Trưởng ban đề thi trực tiếp chỉ đạo việc đánh máy vi tính, in, đóng gói bằng 3 lớp phong bì đủ tối và bền có kích cỡ từ nhỏ đến lớn, có nhãn niêm phong, bảo quản, phân phối đề thi theo quy trình bảo mật.

Quá trình chuyển giao đề thi cho Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ, tới các cơ sở được giao nhiệm vụ in, sao đề thi; quá trình in, sao, đóng gói đề thi, chuyển giao tới các điểm thi đều có sự giám sát chặt chẽ 24/24 của lực lượng công an và an ninh.
Quốc Hải

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga thì khẳng định: “Đề thi sẽ không bắt thí sinh phải nhớ nhiều chi tiết một cách máy móc mà tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống”.

Việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn không chỉ xuất hiện trong đề thi các môn khối xã hội mà ngay trong đề thi môn Hóa, Lý tốt nghiệp vừa qua cũng đã có nhiều câu hỏi vận dụng kiểu này.

Ví dụ như trong đề Hóa có câu: Dùng gì để xử lý chất thải có tính axit, hay câu để bảo vệ ống thép (dẫn nước, dẫn dầu, dẫn khí đốt) bằng phương pháp điện hóa người ta thường gắn vào mặt ngoài của ống thép những kim loại gì?... Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cũng cho rằng, tất cả những đổi mới Bộ áp dụng năm nay đều sẽ tạo điều kiện cho các em làm bài tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem