Lộ diện 10 địa phương có kinh tế số trong GDP cao hơn cả nước

O.L Thứ tư, ngày 10/01/2024 16:10 PM (GMT+7)
Nhận định của Tổng cục Thống kê cho thấy, xu hướng số hoá các ngành ở các địa phương ngày càng được đẩy mạnh, thể hiện ở tỷ trọng số hoá của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương.
Bình luận 0

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có xu hưởng giảm

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là: Năm 2020 là 12,66%; 2021 là 12,87%; 2022 là 12,63% và ước tính 2023 là 12,33%.

So sánh kết quả của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số ở Việt Nam tương ứng với tỷ trọng kinh tế số của Thái Lan trong GDP năm 2020-2021 (Thái Lan năm 2021 là 12,66% và 2022 là12,1%), nhưng thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Malaysia với 23,1% vào năm 2021 và Sigapore với 17,3% vào năm 2022.

Tuy vậy, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của Việt Nam trong các năm 2021-2022 lại cao hơn Mỹ với 10,3% GDP vào năm 2021 và Australia với 6,3% trong giai đoạn này. Đại diện Tổng cục Thống kê giải thích, sở dĩ có sự khác nhau là bởi các quốc gia xác định phạm vi để đo lường nền kinh tế số là khác nhau.

Lộ diện 10 địa phương có kinh tế số trong GDP cao hơn cả nước- Ảnh 1.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là: Năm 2020 là 12,66%; 2021 là 12,87%; 2022 là 12,63% và ước tính 2023 là 12,33%.

Cũng theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần, từ 12,87% vào năm 2021 xuống còn 12,63% vào năm 2022 và dự kiến năm 2023 còn 12,33%. Điều này cũng cùng xu hướng với Thái Lan với tỷ lệ 12,66% vào năm 2021 và 12,1% vào năm 2022.

Đặc biệt, với tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2023 là 12,3%, tương ứng với quy mô nền kinh tế số hiện nay là 1.200 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 thì quy mô nền kinh tế số năm 2024 phải tăng thêm hơn 30% và năm 2025 phải tăng thêm hơn 50%, điều này thực sự khó khăn và đầy thách thức.

Top 10 địa phương có kinh tế số trong GDP cao hơn cả nước

Các ngành kinh tế số lõi bao gồm 7 ngành cấp 2: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; cbản phần mềm; Viễn thông: Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; Cổng thông tin; sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi; và sửa chữa máy tính và thiết bị liên lạc

Một số ngành có hoạt động số hóa thấp và gần như không thực hiện số hóa như hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung; sản xuất sản phẩm thuốc lá; Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác… (chiếm khoảng 0,002% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số).

Hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, một số tỉnh, thành phố có hoạt động kinh tế số lõi phát triển như Thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… 

Lộ diện 10 địa phương có kinh tế số trong GDP cao hơn cả nước- Ảnh 2.

Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế của mỗi địa phương nên tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP ở các tỉnh/thành phố là khác nhau. Năm 2023, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng trên 20%; 8 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10-20%; 48 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 5-10% và chỉ có 2 tỉnh, thành phố có tỷ trọng này dưới 5%.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê có 10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP cao nhất năm 2023 gồm: Tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, TP Hải Phòng, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, TP.HCM, TP Đà Nẵng, Hà Nam, Phú Thọ,

Nhận định của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xu hướng số hoá các ngành ở các địa phương ngày càng được đẩy mạnh, thể hiện ở tỷ trọng số hoá của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý điều hành, góp phàn quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem