Uber không thể trốn nộp 66 tỷ đồng tiền thuế?

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ tư, ngày 27/09/2017 06:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Uber hay bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào đã kinh doanh là phải nộp thuế và không thể trốn 66 tỷ đồng mà cơ quan thuế đang truy thu được.
Bình luận 0

img

PGS.TS. Định Trọng Thịnh khẳng định Uber không thể trốn nộp 66 tỷ đồng tiền thuế 

Thưa ông, có quan điểm cho rằng, ở Hà Lan là “thiên đường thuế” nên Uber hoạt động ở Việt Nam nhưng lại có trụ sở ở Hà Lan để trốn thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 - Về nguyên tắc, đã đăng ký kinh doanh, có doanh thu và có lợi ích kinh tế đều phải nộp thuế cho chính quyền. Do Uber Hà Lan không có trụ sở tại Việt Nam, vì thế, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Uber Hà Lan phải có người đại diện hợp pháp tại Việt Nam đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý, giải quyết các vấn đề phát sinh khi kinh doanh tại Việt Nam. Uber BV Hà Lan ủy quyền cho Uber Việt Nam. Từ đó, Uber Việt Nam là người đại diện Uber BV Hà Lan đứng ra trực tiếp thu thuế và nộp thuế cho chính quyền Việt Nam. Như vậy, Uber Hà Lan là người chịu trách nhiệm chính và người chịu trách nhiệm này đã ủy quyền cho Uber Việt Nam.

Xét về nguyên tắc chung, tất cả các quốc gia trên thế giới, khi có thu nhập phát sinh tại nước nào thì chính quyền nước đó được đánh thuế đầu tiên. Sau đó, chủ thể kinh doanh mới được hưởng cơ chế không đánh thuế tại nước thứ 2. Đây là điều được quy định trong Các hiệp định tránh đánh thuế trùng. Do đó, Uber ở Việt Nam, phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì cơ quan chức năng của Việt Nam có quyền yêu cầu đóng thuế đầu tiên. Như vậy, Uber Việt Nam phải có nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan chức năng tại Việt Nam khi có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Luật pháp quốc tế có quy định rõ ràng rồi, không chối cãi được. Không thể nói là đăng ký kinh doanh ở Hà Lan, nộp thuế ở Hà Lan rồi thì không phải nộp ở Việt Nam được. Khoản thu của Uber chuyển từ Việt Nam về sẽ được cơ quan thuế ở Hà Lan tính toán, thu nộp sau khi trừ các nghĩa vụ và thuế nộp tại Việt Nam.

img

Uber không đăng ký kinh doanh và kê khai thuế khi vào Việt Nam năm 2014 là vi phạm quy định của Việt Nam (Ảnh: IT)

Thực tế cho thấy, Uber Việt Nam thành lập vào tháng 8.2014 nhưng khi đó Uber không kê khai và nộp thuế tại Việt Nam. Đến tháng 10.2016, Uber B.V Hà Lan mới đăng ký kê khai thuế tại Việt Nam thì liệu cơ quan thuế có truy thu thuế được không thưa ông?

 - Việc Uber hoạt động ở Việt Nam 2014, tới 2016 Uber mới đăng ký kinh doanh và được cấp mã số thuế tức là Uber đã vi phạm các quy định của Việt Nam. Bởi về nguyên tắc, ở bất cứ quốc gia nào khi hoạt động kinh doanh cũng phải có động thái đăng ký kinh doanh.Thậm chí, một số nước chặt chẽ hơn còn phải xin phép trước khi kinh doanh. Còn Uber tới Việt Nam hoạt động từ 2014 mà không đăng ký kinh doanh, không có mã số thuế thì đó là vi phạm các quy định của Việt Nam và phải chịu các chế tài có liên quan tới khoảng thời gian kinh doanh này tại Việt Nam.

Thực tế, Uber và cơ quan thuế của Việt Nam đã có sự “thỏa thuận” về mức nộp thuế từ năm 2016. Nhưng cơ quan thuế hoàn toàn có quyền truy thu khoản thuế mà Uber đã kinh doanh ở thời điểm trước đó, từ năm 2014 tới 2016. Bởi về nguyên tắc, kinh doanh ngày nào phải nộp thuế ngày đó, không thể trốn được. Tôi ví dụ, Mỹ áp dụng thuế bán phá giá đối với cá tra của Việt Nam là họ căn cứ trên phán quyết của tòa án, nhưng số tiền thuế truy thu là cho cả giai đoạn 4  đến 5 năm trước đó, khi doanh nghiệp bán hàng và bị coi là bán phá giá.

Mức thuế mà Bộ Tài chính đưa ra cho Uber hiện nay theo ông có phải cao hơn so với các doanh nghiệp khác?

- Đầu tiên, phải khẳng định lĩnh vực kinh doanh của Uber là một lĩnh vực rất đặc thù và còn mới mẻ đối với Việt Nam. Mức thuế Bộ Tài chính đưa ra cho Uber để thỏa thuận như là “thuế khoán”.

Trong đó thuế giá trị gia tăng được xác định giữa Tổng cục thuế với Uber là 3% trên tổng doanh thu. Theo tôi, mức thuế này cũng là hợp lý, vì thuế giá trị gia tăng bình quân hiện nay là 10% giá trị tăng thêm. Như vậy, rõ ràng thuế suất 3% trên doanh thu là không cao, và cơ quan thuế cũng đã thống nhất với Uber rồi.

Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu là 2%, điều này Uber cũng đã nhất trí. Còn lại, thuế thu nhập cá nhân là phải có thuế với cá nhân có thu nhập cao, mức này trung bình hiện nay không phải là 1,5% mà theo quy định thì cứ có thu nhập từ 5- 10 triệu/tháng phải đóng thuế thu nhập 5%; từ 10 triệu -20 triệu/tháng là 10%,… nên mức 1,5% trên doanh thu cũng là một mức thuế chỉ tính riêng cho Uber. Như vậy, rõ ràng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân 1,5% là mức thuế không thuộc quy định nào và phía Uber đã thống nhất với cơ quan chức năng Việt Nam.

“Đáng ra Uber và Grab phải đăng ký kinh doanh và đề xuất cách tính thuế ngay từ khi kinh doanh tại Việt Nam. Ví dụ ở Mỹ, nhiều ngành khi kinh doanh chỉ cần đăng ký và cứ cho kinh doanh nhưng nếu trốn thuế thì họ xử phạt rất nặng”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Có quan điểm cho rằng, không phải Uber đóng thuế mà là người lái taxi đóng, trong khi người lái taxi lại chủ yếu là người nghèo, thu nhập mỗi ngày thường là chưa tới 2 triệu đồng thì không phải đóng thuế thu nhập nhưng vẫn phải nộp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Như tôi đã nói ở trên, Uber là lĩnh vực kinh doanh rất đặc thù. Trong khi Uber Hà Lan trước đó không có người pháp nhân ở Việt Nam nên buộc phải cử Uber Việt Nam làm đại diện để xử lý các vấn đề pháp lý và nộp thuế cho cơ quan thuế.

Thực tế, Uber đang có quá nhiều người tham gia hoạt động nhưng không đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý sở tại. Ví dụ, đối với các nước lái xe phải đăng ký kinh doanh với cơ quan sở tại và phải tự nộp thuế. Nhưng ở Việt Nam, lái xe không phải đăng ký chở khách và cũng có hàng nghìn lái xe chở khách cho Uber, nộp phí dịch vụ cho Uber, nên chỉ có Uber mới biết được bao nhiêu người tham gia, bao nhiêu người chở khách, thu nhập bao nhiêu.

img

      Chính vì thế, cơ quan chức năng đã áp mức  thuế khoán và Uber Việt Nam phải đứng ra chịu trách nhiệm nộp thuế cho Uber Hà Lan và cho tài xế taxi (ảnh IT)

Chính vì thế, cơ quan chức năng đã áp mức  thuế khoán và Uber Việt Nam phải đứng ra chịu trách nhiệm, vừa thay mặt cho Uber Hà Lan để thực hiện trách nhiệm với chính phủ Việt Nam; đồng thời cũng là đơn vị nắm được số tài xế sử dụng dịch vụ, chở khách đi bao xa và nộp phí cho Uber và chịu trách nhiệm nộp thuế thay cho những tài xế. Thực tế, cơ quan thuế không thể yêu cầu từng lái xe nộp thuế sau mỗi lần chở khách được. Do đó, Uber phải chịu trách nhiệm thay cho tài xế, Uber nộp hộ cho tài xế.

 Còn nói “tài xế nghèo lại là người nộp thuế” thì không đúng, vì mức thuế tài xế nộp cũng là mức thuế khoán đã rất hợp lý. Bất kỳ ai đã kinh doanh đều phải nộp thuế, dù giàu hay nghèo! Thậm chí, khi đi Uber còn có rất nhiều người có xe sang vẫn chạy Uber. Rõ ràng không phải là người nghèo. Cứ đúng theo nguyên tắc, đã kinh doanh thì phải nộp thuế.

Theo ông, cơ quan chức năng có truy thu được 66 tỷ đồng tiền thuế của Uber không?

- Tôi cho rằng, cơ quan thuế của Việt Nam hoàn toàn có thể thu được. Cũng giống như Mỹ họ thu thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa, cơ quan có thẩm quyền sẽ giữ lại một khoản của doanh nghiệp Việt Nam, bắt buộc khi nào đóng xong tiền thuế, hoàn thành hết nghĩa vụ với cơ quan chức năng sở tại thì họ mới trả phần còn lại cho doanh nghiệp Việt Nam. Cũng tương tự, ở Việt Nam khoản giữ lại của Uber không phải 66 tỷ mà phải hàng trăm tỷ buộc Uber phải đóng thuế thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì mới được chuyển tiền về Hà Lan. Quan trọng hơn là Uber còn tiếp tục làm ăn khi đang có lãi ở Việt Nam chứ không thể kinh doanh kiểu “chộp giật”, trốn 66 tỷ tiền thuế rồi về nước luôn. Mà cũng không thể trốn được!

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo nội dung quyết định của Cục thuế TP. HCM thì số tiền hơn 66 tỷ đồng gồm số thuế của tài xế mà Uber B.V phải nộp thay hơn 40 tỷ đồng, thuế nhà thầu của Uber B.V hơn 10 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp và tiền phạt vi phạm hành chính. Số tiền thuế truy thu này là tính cho thời gian hoạt động từ 2014 đến 10/2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem