Ukraine có thể cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến trên không?

Tuấn Anh (Theo CNN) Thứ sáu, ngày 18/03/2022 18:06 PM (GMT+7)
Trong tất cả những điều bất ngờ mà Tổng thống Vladimir Putin gặp phải kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào Ukraine, có lẽ điều lớn nhất là Nga vẫn chưa giành được ưu thế trên không.
Bình luận 0
Ukraine có thể cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến trên không? - Ảnh 1.

Một máy bay phản lực quân sự của Ukraine. Lực lượng không quân của nước này nhỏ hơn và kém hiện đại hơn nhiều so với Nga nhưng nó vẫn đang hoạt động. Ảnh AFP

Về lý thuyết, với sức mạnh quân sự của Nga như đã từng được biết đến, không quân Nga đáng lẽ  có thể nhanh chóng kiểm soát bầu trời. Bước vào cuộc xung đột với một lực lượng hùng hậu, từ 1.391 máy bay của Nga so với 132 của Ukraine – sau đó được bổ sung thêm 948 trực thăng - vẫn chưa mang lại cho lực lượng Nga sự áp đảo trên không- yếu tố cần thiết để loại bỏ sự kháng cự của Ukraine.

Ngân sách quốc phòng tổng thể của Nga là 45,8 tỷ USD, gần gấp 10 lần so với Ukraine.

Các chuyên gia quân sự đều tin rằng những diễn biến trong những ngày qua cho thấy sự kết hợp và chuẩn bị không tốt của Moscow. Trong khi đó, Ukraine lại sử dụng thông minh các nguồn lực dựa trên thông tin tình báo và các nguồn viện trợ vũ khí từ đồng minh và phương Tây.

Tướng Riho Terras, một cựu chỉ huy của Lực lượng Phòng vệ Estonia nhận định: "Theo những gì tôi hiểu, dựa trên các thông tin tình báo trước các cuộc tấn công, Ukraine đã di chuyển máy bay khỏi các sân bay trước khi người Nga tiêu diệt chúng".

 Sophy Antrobus, cộng sự nghiên cứu tại Viện Hàng không và Vũ trụ Freeman và là cựu sĩ quan trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, đồng ý rằng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Ukraine dường như đã thực hiện những bước đi thông minh mà hiện đang mang lại hiệu quả.

"Họ đã thông minh ở chỗ họ không triển khai tất cả các nguồn lực có thể hạ gục máy bay Nga. Điều này có thể khiến Nga rơi vào cảm giác sai lầm và Ukraine đã có thể tiếp tục bảo vệ trên không trong khi quân tiếp viện từ các đồng minh đến",  chuyên gia Sophy Antrobus nói.

Những lực lượng tiếp viện đó bao gồm các hệ thống phòng không S-300, tên lửa Stingers và Javelin đã được Ukraine sử dụng cho đến nay. Sự hiện diện của các hệ thống tên lửa như vậy đánh dấu một bước nâng cấp mạnh mẽ của Ukraine.

Mike McCaul, thành viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói với CNN rằng, các máy bay S-300 do Nga sản xuất có khả năng "bay ở độ cao" cao hơn so với tên lửa Stinger mà Mỹ cũng đã gửi tới Ukraine.

"S-300 là hệ thống phòng không tầm cao - giống như tổ hợp tên lửa - phòng không Patriot của chúng tôi. Việc chúng ở trong nước và nhiều hơn nữa sẽ rất hiệu quả." Mặc dù các hệ thống tên lửa này có thể hoạt động hiệu quả, nhưng vẫn còn một dấu hỏi về việc Ukraine có thể cầm cự được Nga trong bao lâu - cả trên không và trên mặt đất?

Ukraine có thể cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến trên không? - Ảnh 2.

Phương tiện quân sự của Nga được nhìn thấy bị bỏ rơi trong một khu rừng gần Kharkiv, Ukraine vào ngày 6/3. Ảnh CNN

Rủi ro cao đối với Nga

Với thực tế hiện nay, quân đội Nga vẫn lớn mạnh hơn nhiều so với Ukraine, trong khi NATO lại không sẵn sàng can dự trực tiếp hoặc thiết lập vùng cấm bay và cuộc chiến càng kéo dài, Ukraine càng dựa vào các đồng minh của mình để cung cấp vũ khí sát thương.

Thời gian kéo dài bao lâu một phần phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của Putin để giành chiến thắng trong cuộc xung đột - và liệu ông có muốn lặp lại chiến thuật mà các lực lượng Nga đã sử dụng để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại phe nổi dậy trong cuộc nội chiến của ở Syria hay không, chuyên gia Antrobus nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Antrobus chỉ ra rằng nếu Putin lựa chọn chiến thuật như đã ở Syria, thì điều đó sẽ đi kèm với rủi ro cao hơn nhiều đối với Nga, "vì vũ khí phòng không mà Ukraine đã và đang được cung cấp".

Chuyên gia Sophy Antrobus chỉ ra rằng Nga phải cân nhắc về trung và dài hạn: Họ sẵn sàng mất bao nhiêu về mặt thiết bị và nhân lực với cái giá phải trả cho các lợi ích khác.

Trong khi, khả năng kiểm soát bầu trời Ukraine cũng là một ẩn số.

Justin Bronk, chuyên gia nghiên cứu công nghệ và không quân tại Viện Dịch vụ Liên hợp Hoàng gia có trụ sở tại London, không tin rằng Nga có thể "đạt được ưu thế trên không mà không phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.   Có rất ít bằng chứng cho thấy lực lượng không quân Nga có khả năng thực hiện các hoạt động không quân phức tạp quy mô lớn mà nhiệm vụ này yêu cầu."

Cuộc chiến giành bầu trời Ukraine của Nga ở một số khía cạnh cũng phụ thuộc vào phần nào chiến dịch trên bộ mà Nga đang kiểm soát. TướngTerras nói rằng "chừng nào Nga vẫn còn phát động hầu hết các cuộc tấn công từ bên ngoài Ukraine, thì họ bị giới hạn trong phạm vi không phận khổng lồ của Ukraine mà họ có thể thống trị trên thực tế". Chuyên gia cho biết thêm, các lực lượng Ukraine cho đến nay đã rất khôn ngoan trong việc lựa chọn những khu vực chiến lược nào của đất nước để phòng thủ.

Lời cầu xin về khu vực cấm bay

Cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào các đồng minh của Ukraine có thể thực tế tiếp tục cung cấp vũ khí mà lực lượng Ukraine được huấn luyện để sử dụng trong bao lâu. Nhiều vũ khí được gửi đến, bao gồm cả S-300 mà McCaul nói với CNN đã đến Ukraine vào hôm 16/3, là từ thời Liên Xô và không rõ chúng có thể được tiếp tế sẵn sàng như thế nào.

Theo CNN trước đó, Ukraine đã sở hữu S-300 trong nhiều năm. Slovakia đã đồng ý sơ bộ để gửi thêm nguồn cung cấp vào nước này. CNN trước đó cũng đưa tin rằng Mỹ đang cố gắng xác định quốc gia nào có thể đưa S-300 vào Ukraine.

NATO đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không cung cấp vùng cấm bay cho Ukraine vì không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến NATO-Nga. Mỹ đã không khuyến khích các nước Đông Âu như Ba Lan thành viên NATO gửi vũ khí vì lý do tương tự.

Ban đầu, Ba Lan đã đề xuất cung cấp tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 của mình cho Căn cứ Không quân Ramstein của Không quân Mỹ ở Đức để sau đó chuyển dến Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ nhanh chóng gọi ý tưởng này là "không thể thực hiện được", bởi vì việc điều các máy bay phản lực từ một căn cứ của Mỹ và NATO "vào vùng trời đang tranh chấp với Nga về Ukraine làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO", theo Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby.

Đối với Ukraine, việc áp đặt một vùng cấm bay là yêu cầu khẩn thiết mà giới lãnh đạo nước này đã nhiều lần cầu xin NATO, nhưng đều bị từ chối.

Mức độ mà Ukraine có thể bảo vệ bầu trời của mình phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của liên minh phương Tây. Và việc Putin có thể kéo dài chiến dịch quân sự này trong bao lâu cũng sẽ được quyết định dựa trên Ukraine có thể bảo vệ bầu trời của mình trong bao lâu. 

 Cho đến nay, Ukraine đã đạt được kết quả đáng kể trong việc chống lại các hoạt động quân sự của Nga. Nhưng khi xung đột kéo dài, số phận của Ukraine sẽ được phó mặc trong tay và sự kiên nhẫn của những người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem