Ứng dụng Be giảm giá cước, từ hãng có giá cước đắt đỏ nhất thành rẻ nhất

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 12/03/2021 14:00 PM (GMT+7)
Ứng dụng Be bất ngờ giảm giá cước, mức giá tối thiểu trước đây cho dịch vụ gọi xe hai bánh là 14.000 đồng thì hiện giảm xuống chỉ còn 11.000 đồng.
Bình luận 0

Đại diện Be Group - đơn vị sở hữu và vận hành ứng dụng gọi xe Be vừa cho biết từ 11h ngày 15/3 tới, hãng sẽ tiến hành giảm giá cước dịch vụ xe hai bánh (beBike, beDelivery và be Đi chợ) tại khu vực TP.HCM.

Ứng dụng Be giảm giá cước, từ hãng có giá cước đắt đỏ nhất thành rẻ nhất - Ảnh 1.

Ứng dụng Be giảm giá cước, dịch vụ gọi xe hai bánh beBike có giá cước tối thiểu giảm từ 14.000 đồng xuống còn 11.000 đồng. Ảnh: Hồng Phúc.

Cụ thể, giá cước tối thiểu của dịch vụ gọi xe công nghệ beBike giảm từ 14.000 đồng xuống còn 11.000 đồng; giá mỗi km tiếp theo giảm từ 4.400 đồng xuống 4.000 đồng. 

Tương tự, giá cước tối thiểu của dịch vụ giao hàng beDelivery và be Đi chợ giảm từ 14.500 đồng xuống 13.000 đồng; giá giao hàng mỗi km tiếp theo giảm từ 5.500 đồng còn 4.500 đồng. Đây là giá cước đã bao gồm đầy đủ các loại thuế theo quy định.

Trước đây, Be là hãng gọi xe có giá cước dịch vụ đắt hơn so với các hãng còn lại trên thị trường như Grab, GoJek. Tuy nhiên, với quyết định giảm mạnh giá cước, hiện giá cước của hãng gọi xe công nghệ này khá cạnh tranh, trở thành một trong những hãng có giá cước dịch vụ xe hai bánh thấp nhất thị trường.

Đại diện Be cũng xác nhận: "Với mức giá này, Be hiện đang là ứng dụng gọi xe có cước phí cạnh tranh nhất trên thị trường gọi xe công nghệ".

Nhiều tài xế băn khoăn việc giảm giá cước có ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày, Be cũng khẳng định dù giảm giá cước nhưng tỷ lệ thu nhập thực nhận của tài xế trên mỗi chuyến đi tăng 19% so với trước đây. 

Bên cạnh đó, tài xế của ứng dụng này vẫn được áp dụng chương trình thưởng "Tài xế Be thân thiết" với mức hoàn lên đến 7% doanh thu (không bao gồm các loại phí thu hộ). Đặc biệt, tài xế gắn bó từ ngày đầu thành lập còn được tặng thêm 5% doanh thu hàng tháng. 

Be cho biết hãng chấp nhận giảm doanh thu nhằm hỗ trợ khách hàng và tài xế trước ảnh hưởng của Covid-19.

Ngược lại, cuối năm 2020, thị trường xe công nghệ lại dậy sóng khi Grab và GoJek đều quyết định tăng giá cước sau khi quy định mới về thuế giá trị gia tăng với dịch vụ gọi xe công nghệ áp dụng. Theo Grab và GoJek, việc tăng giá cước nhằm đảm bảo thu nhập cho tài xế so với trước khi áp dụng quy định mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem