Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó
Theo ông Trần Văn Dũng, đợt giảm điểm này bắt đầu từ trước đợt Tết âm lịch, nay bung ra sau khi dịch viêm phổi bùng phát, nó đã tạo nên tâm lý bất an cho các nhà đầu tư trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Ông Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán luôn là nơi phản ứng nhạy và mạnh nhất với diễn biến kinh tế - xã hội, tuy nhiên, các phản ứng gần đây có phần thái quá.
Ông Dũng dẫn chứng, tương tự như trước đây, khi xuất hiện dịch SARS, H5N1, thị trường chứng khoán cũng biến động tức thì, song phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh thường là khi các chỉ số chứng khoán phục hồi.
Với quyết tâm đang thể hiện của cộng đồng quốc tế và chính phủ Việt Nam, ông Dũng hy vọng dịch viêm phổi có thể sớm được khống chế. Vì thế, nhà đầu tư cũng có quyền hy vọng thị trường lần này sẽ diễn biến tương tự.
Sau phiên giao dịch sáng ngày 3/2 biến động mạnh, đến chiều cùng ngày, VN-Index thu hẹp đáng kể đà giảm chỉ còn 8,28 điểm, đóng cửa phiên tại 928,14 điểm và thanh khoản có phần cải thiện khi vượt trên 5.050 tỷ đồng.
Việc rút nhanh đà giảm trong phiên chiều được xem là liều thuốc trấn an tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, mức độ đồng thuận khá thấp thể hiện qua việc độ rộng thị trường vẫn lệch hẳn về bên bán với 297 mã cổ phiếu giảm, trong khi chỉ 58 mã tăng.
Tiếp tục đến ngày 4/2, độ rộng của thị trường đã có được sự cân bằng hơn nhiều đầu phiên sáng nay. Tính đến 10h, có 136 mã tăng so với 147 mã giảm và 48 mã tham chiếu.
Thị trường đã dần ổn định lại sau khi chứng khoán Mỹ cũng có sự hồi phục nhẹ trong đêm qua. Chỉ số Dow Jones tăng 143,78 điểm (tương đương 0,5%) lên 28.399,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0,7% lên 3.248,92 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,3% lên 9.273,40 điểm.
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Dũng cho biết, kịch bản tạm ngưng giao dịch sẽ không xảy ra vì tình hình chưa đến nỗi nào, đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó, và khuyên nhà đầu tư nên có cái nhìn đa chiều, điềm tĩnh hơn với diễn biến thị trường.
Có cùng quan điểm với ông Trần Văn Dũng, các công ty chứng khoán đều kỳ vọng những cổ phiếu đủ sức tạo cân bằng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Trong giai đoạn nhạy cảm này, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị thận trọng quan sát, giảm bớt tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu và hạn chế giải ngân để tránh rủi ro trong lúc chờ thị trường có những tín hiệu mới.