Ủy ban Kinh tế yêu cầu làm rõ một số ngân hàng vẫn tăng lãi suất tiền gửi và cho vay
Phục vụ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng nay (23/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã hoàn thành báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.
Yêu cầu giảm, một số ngân hàng vẫn tăng lãi suất tiền gửi và cho vay?
Về lĩnh vực ngân hàng, Ủy ban Kinh tế chỉ ra rằng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Theo báo cáo của Chính phủ, những tháng đầu năm 2022, thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định. Đến ngày 11/5/2022, tín dụng tăng 7,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,01% so với cùng kỳ năm 2021; giữ ổn định tỷ giá, lãi suất, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo phản ánh một số ngân hàng đang thực hiện việc tăng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc triển khai nội dung này.
Sớm dừng quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ
Đối với nợ xấu, Ủy ban Kinh tế đánh giá, áp lực nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm và theo dõi sát sao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng gia tăng; trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%, ở mức cao so với tổng dư nợ.
Cũng có ý kiến cho rằng, các khoản nợ tiềm ẩn hiện nay bao gồm cả nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-NNNN của Ngân hàng Nhà nước (được đánh giá là có khả năng chuyển thành nợ xấu). Do chính sách này chỉ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2022, việc tiếp tục kéo dài chính sách này hay không cần được đánh giá và cân nhắc, vừa bảo đảm hỗ trợ nền kinh tế, vừa phản ánh thực chất nợ xấu để có giải pháp quản lý, kiểm soát thích hợp.
Tại Ủy ban Kinh tế cũng có ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Cần chú trọng vào việc chuyển hướng các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản tiềm ẩn rủi ro cao.
Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu lộ trình, sớm dừng quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, Ủy ban Kinh tế sẽ có báo cáo thẩm tra riêng về nội dung này trình Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu ý kiến cho rằng, giai đoạn vừa qua, cho vay bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng mạnh; tỷ lệ tín dụng bất động sản hiện nay cũng như việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán thành viên hiện ở mức cao, cũng cần được báo cáo, phân tích kỹ, nhất là các tác động và rủi ro đối với nền kinh tế .
Đến cuối năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tương đương 15% GDP (tăng 17,1% so với năm 2020), trong đó quy mô thị trường TPDN riêng lẻ đạt 13,8% GDP, quy mô thị trường TPDN phát hành ra công chúng đạt 1,2% GDP.
Đến 31/12/2021, có 27 tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành trái phiếu với tổng số dư là 422,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,74% tổng vốn huy động nền kinh tế), tăng 34,2% so với cuối năm 2020.
Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của hệ thống các TCTD có xu hướng tăng nhanh hơn..
Đến cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống có 40 TCTD đầu tư TPDN với tổng số dư là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021. Tỷ trọng đầu tư TPDN so với tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2022 là 2,95%.
Tính đến hết tháng 3/2021, tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống TCTD là 160,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 49,2% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống.