Vạn Kiếp lẫy lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân

Nguyễn Việt Thứ ba, ngày 14/11/2023 09:00 AM (GMT+7)
Sông Lục Đầu (Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nơi hội tụ của 6 dòng sông, có vị trí đặc biệt về quân sự. Triều đại nhà Trần đã tổ chức nhiều trận đánh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, lần 3. Cũng tại sông Lục Đầu, nhiều tướng giặc bỏ mạng, chủ tướng Thoát Hoan phải chui ống đồng thoát thân nhục nhã.
Bình luận 0

Lục Đầu giang – Vạn Kiếp vị trí trọng yếu bảo vệ kinh thành Thăng Long

Người dân xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương từ nhiều đời nay thuộc nằm lòng 2 câu thơ (câu đối): "Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí. Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh", dịch thơ là "Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng. Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo" của cụ Vũ Phạm Hàm được khắc ở tam quan đền Kiếp Bạc.

Hai câu thơ (câu đối) này đã nói lên hùng khí của vùng đất Vạn Kiếp và sông Lục Đầu trong lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, đặc biệt là các trận đánh trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, lần 3 của quân dân Nhà Trần.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến trên sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân - Ảnh 3.

Bến Vạn Kiếp nằm bên sông Lục Đầu gần đền Kiếp Bạc xưa nằm trong đại bản doanh của Trần Hưng Đạo. Ảnh: Nguyễn Việt.

Lục Đầu giang là nơi hội tụ của 6 dòng sông gồm: Sông Lục Nam, Sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình gặp nhau tạo thành. 

Sông có chiều dài hơn 10 km, bắt đầu từ sông Lục Nam đoạn từ Đan Hội (vùng đất này trước thuộc tỉnh Hải Dương, hiện nay thuộc tỉnh Bắc Giang) chảy xuôi xuống gặp sông Thương đổ vào chảy sát qua mé Tây Nam vùng đất Vạn Kiếp (xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đến Phả Lại (TP Chí Linh) gặp sông Cầu hợp vào xuôi dòng về đầu xã Nhân Huệ (TP Chí Linh) gặp sông Đuống chảy nhập vào, đến đoạn đến cuối xã Nhân Huệ lại gặp 2 nhánh sông Thái Bình và Kinh Thầy.

Sông Lục Đầu có vị trí đường thuỷ trọng yếu kết nối và lan toả đi nhiều vùng, miền ở miền Bắc. Từ sông Lục Đầu theo sông Cầu đi ngược lên đến các miền Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên. 

Cũng từ sông Lục Đầu vào sông Thương, sông Lục Nam đi các vùng Bắc Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Từ sông Lục Đầu đi vào sông Đuống về Bắc Ninh, Thăng Long (Hà Nội). 

Còn người dân các vùng đất phía Đông là Hải Phòng, Quảng Ninh theo sông Bạch Đằng vào sông Kinh Thầy về đến sông Lục Đầu. Hay người dân các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên theo sông Thái Bình đi về sông Lục Đầu.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến trên sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân - Ảnh 4.

Sông Lục Đầu hướng về Phả Lại xưa là chiến trường diễn ra nhiều trận đánh chống quân Nguyên Mông xâm lược lần 2, lần 3. Ảnh: Nguyễn Việt.

Do có ý nghĩa quan trọng về đường thuỷ nên đương nhiên có vị trí trọng yếu về quân sự. Vào thời kỳ phong kiến, quân dân các triều đại nước ta luôn phải đương đầu chiến đấu chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc. 

Quân xâm lược chủ yếu đánh theo đường bộ từ Lạng Sơn đánh vào, còn đường thuỷ tiến từ biển vào sông Bạch Đằng đến sông Kinh Thầy vào sông Lục Đầu tạo thành gọng kìm thuỷ bộ siết chặt tiến đánh Thăng Long. Nếu để quân giặc hợp quân thuỷ bộ ở Sông Lục Đầu thì kinh thành Thăng Long sẽ bị đe doạ trực diện.

Vì vậy, các triều đại nước ta đều coi Lục Đầu giang là vị trí quân sự, căn cứ địa trọng yếu nhất. Từ đây, quân ta vừa điều quân chặn đánh, kiềm toả được cánh quân xâm lược bằng đường bộ từ Lạng Sơn đánh xuống, vừa điều quân đối chọi với cánh quân theo đường thuỷ từ biển vào để bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Đặc biệt, triều đại Nhà Trần, trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần 2, lần 3 đã lập căn cứ địa và phòng tuyến Vạn Kiếp để đánh giặc, làm nên những chiến công hiển hách rực rỡ.

Sóng dậy Lục Đầu giang, Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân nhục nhã

Theo Đại việt Sử ký Toàn thư: "Mùa đông, tháng 10 năm 1283, Vua (Trần Nhân Tông) thân hành dẫn các vương hầu điều quân thủy bộ tập trận. Tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế, Thống lĩnh quân đội toàn quốc".

Bằng nhãn quan nhạy bén và tài năng của mình, Hưng Đạo Vương nhận thấy Vạn Kiếp và Lục Đầu giang có vị trí chiến lược quân sự quan trọng để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Vì vậy, ông đã xây dựng vùng căn cứ địa tại vùng Vạn Kiếp. 

Tại đây, ông tổ chức hội quân, tập trận và chia quân ra trấn giữ các vị trí trọng yếu để đối phó với quân xâm lược. 

Mặt khác, ông xây dựng ở căn cứ địa những khu vực rèn vũ khí, hệ thống kho tàng chứa lương thực, nơi sản xuất lúa gạo, ngô khoai, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà làm lương thực cho quân đội nhà Trần đánh giặc.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến trên sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân - Ảnh 5.

Vùng Vạn Kiếp xưa là căn cứ địa, đại bản doanh của Trần Hưng Đạo chỉ huy chống quân Nguyên Mông xâm lược. Ảnh: Nguyễn Việt.

Lúc này, Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống quân Nguyên.

Đại Việt Sử ký toàn Thư viết "Mùa xuân năm 1285, tháng giêng, ngày mồng 6 (dương lịch tức ngày 11/2), tướng Ô Mã Nhi đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quan quân vỡ chạy".

Thực ra đây chỉ là ngày đầu quân Nguyên đánh vào Vạn Kiếp, thực tế trận đánh này còn kéo dài 3 ngày đêm. Tại đây, quân giặc có khoảng 30 - 40 vạn quân, còn quân đội nhà Trần ít hơn rất nhiều, khoảng 20 vạn quân. Tuy quân số ít nhưng quân đội nhà Trần chiến đấu dũng cảm. Do sự chênh lệch về lực lượng, cộng với sự thiện chiến của giặc, Trần Quốc Tuấn cho quân rút lui xuống thuyền.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến trên sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân - Ảnh 6.

Bản đồ về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 (Ảnh: Wikipedia)

Vua Trần tăng quân chi viên, với khoảng 1 vạn quân và 1000 chiến thuyền đến cửa Đại Than, nơi sông Đuống đổ ra sông Lục Đầu để trợ chiến cho Trần Hưng Đạo. Tại đây diễn ra trận thuỷ chiến ác liệt. Trong trận đánh này tướng giặc Cấp vạn hộ Nghê Nhuận bỏ mạng.

Đến ngày mồng 9 tháng giêng (tức ngày 14 – 2 dương lịch), sau khi đạt được mục đích cầm chân tiêu hao sinh lực địch, quân đội nhà Trần thực hiện cuộc rút lui chiến lược. 

Toàn bộ quân Trần rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về dàn trận bên bờ sông Hồng gần thành Thăng Long. Quân Nguyên Mông chiếm được Vạn Kiếp rồi chia quân tiến đánh Thăng Long.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến trên sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân - Ảnh 7.

Tại Vạn Kiếp và trên sông Lục đầu đã diễn ra nhiều trận đánh chống quân Nguyên Mông xâm lược lần 2, lần 3. Ảnh: TL

Từ đây, nhà Trần thực hiện triệt để kế "Thanh dã" (Vườn không nhà trống), tiêu thổ kháng chiến chống quân Nguyên Mông. 

Chiếm được kinh thành Thăng Long quân Nguyên tung quân khắp nơi truy kích để bắt vua Trần nhưng đều thất bại. Sang hè, thời tiết nóng bức, quân giặc không quen khí hậu, thổ nhưỡng nên bị bệnh dịch nhiều, cộng với sự thiếu thốn lương thực do quân dân nhà Trần thực hiện "Vườn không nhà trống".

Giặc Nguyên-Mông không cướp được lương thực để ăn dẫn đến đói khát, mỏi mệt tinh thần chán nản, sức chiến đấu suy giảm. Lúc này quân đội nhà Trần đã thực hiện các cuộc tổng phản công quân Nguyên Mông.

Ngày 10 tháng 6 năm 1285, Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh vương Trần Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ Bắc sông Hồng. Quân Nguyên cử Lưu Thế Anh dẫn quân ra đối phó, nhưng đại bại. Quân Nguyên rút chạy về phía Bắc.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến trên sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân - Ảnh 8.

Trần Hưng Đạo đã chỉ huy toàn quân đội nhà Trần trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, trong đó ông đã xây dựng căn cứ địa ở Vạn Kiếp và bố trí trận địa trên sông Lục Đầu để đánh quân Nguyên Mông và giành chiến thắng. (Ảnh tư liệu: Trong ảnh là một nghệ sĩ trong vai Trần Hưng Đạo diễn trong một hoạt cảnh nhằm ca ngợi Hưng Đạo Đại Vương tại lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc).

Khi rút chạy đến sông Như Nguyệt (sông Cầu), quân Nguyên bị cánh quân của Trần Quốc Toản chặn đánh. Quân Nguyên thua, không sang sông được, phải chạy về phía Vạn Kiếp. Tại đây diễn ra trận đánh lớn. 

Trước đó, Hưng Đạo Vương đã cử Phạm Ngũ Lão bố trí 5 vạn quân phục binh tại Vạn Kiếp. Quân Nguyên chạy đến sông Lục Đầu, bắc cầu phao định vượt sông, nhưng bị quân Trần do Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão chỉ huy ập vào đánh. 

Lý Hằng đẩy lui được mũi quân Trần tấn công vào lưng quân Nguyên nhưng một mũi quân Trần khác lại đánh vào sườn đội hình quân Nguyên đang vượt cầu phao. Quân Nguyên xô nhau chạy, cầu phao đứt, quân sĩ bị chết đuối vô kể. Trận trên sông Lục Đầu quân nhà Trần tiêu diệt hàng vạn quân Nguyên.

Sau khi vượt qua sông Lục Đầu, quân Nguyên chạy về hướng Tư Minh. Lý Hằng được cử chặn hậu, đề phòng quân Trần truy kích. Tương truyền, trước sức tấn công mạnh của quân nhà Trần, quân Nguyên phải nhục nhã giấu Chủ tướng Thoát Hoan trong ống đồng để chạy trốn về nước.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần 3, một lần nữa sông Lục Đầu và vùng Vạn Kiếp lại trở thành chiến trường chiến đấu chống quân Nguyên. 

Tiếp tục dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế và Vua Trần, quân nhà Trần cũng tổ chức nhiều trân đánh lớn nhỏ với quân Nguyên cũng đánh nhau tại Vạn Kiếp cả khi chúng tiến vào Đại Việt cho đến khi bỏ chạy về nước.

Vạn Kiếp vang lừng hào khí Đông A (Bài 1): Đại chiến trên sông Lục Đầu, tướng giặc Thoát Hoan chui ống đồng thoát thân - Ảnh 9.

Bản đồ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3 năm 1288. Ảnh: TL.

Sau những trận đánh ở Lạng Sơn, Bắc Giang, quân nhà Trần rút lui về Vạn Kiếp để bảo toàn lực lượng. Tại Vạn Kiếp, Thoát Hoan chia quân đánh chiếm núi Phả Lại và núi Chí Linh. 

Lực lượng quân Trần ở Vạn Kiếp rất ít và chỉ thực hiện các trận đánh nhỏ, sau rút về Thăng Long. Thoát Hoan chiếm lấy Vạn Kiếp làm căn cứ đầu não, xây dựng thành gỗ trên núi ở Chí Linh và Phả Lại, đồng thời để lại đây 2 vạn quân trấn giữ. Từ đây, quân Nguyên Mông đánh rộng ra xung quanh và tiến đánh Thăng Long.

Đóng quân ở Thăng Long, quân Nguyên lại lâm vào cảnh thiếu lương thực. Trận chiến do danh tướng Trần Khánh Dư chỉ huy đánh chìm đoàn thuyền lương của tướng địch Trương Văn Hổ đã tiêu huỷ toàn bộ quân lương càng khiến cho quân Nguyên rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Clip: Tiến sĩ Sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nói về một số trận đánh trên sông Lục Đầu và căn cứ địa Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến do vua tôi nhà Trần lãnh đạo chống giặc Nguyên-Mông lần 2, lần 3. T/h: Nguyễn Việt.

Sau đó, Thoát Hoan ra lệnh rút quân về Vạn Kiếp để phòng thủ. Tại Vạn Kiếp, quân nhà Trần cũng tổ chức bao vây và tổ chức nhiều trận đánh lúc mạnh mẽ, mãnh liệt, lúc tập kích nhỏ tiêu hao sinh lực địch, khiến cho quân Nguyên Mông trong tình cảnh mệt mỏi, chán nản, đói ăn vì thiếu lương thực càng thêm khốn đốn. 

Trước tình thế cùng quẫn, chủ tướng giặc Thoát Hoan buộc phải ra lệnh rút quân về nước theo 2 đường thuỷ, bộ. 

Ở đường bộ, quân nhà Trần tổ chức một vài trận đánh, còn đối với cánh quân rút bằng đường thuỷ liên tục bị quân ta tập kích khi chúng rút chạy theo sông Kinh Thầy đã bị Trần Hưng Đạo bố trí trận địa trên sông Bạch Đằng chờ tiêu diệt.

Nói về sông Lục Đầu, trong một bài nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đánh giá: "Lục Đầu giang cùng với hệ thống đồi núi tự nhiên ở Chí Linh, đã tạo thành phòng tuyến quân sự Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống Nguyên Mông, Lục Đầu giang là nơi diễn ra nhiều trận chiến giữa ta và giặc; mà đỉnh cao là chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285".

"Dòng Lục Đầu trở thành nấm mồ khổng lồ chôn vùi đoàn quân xâm lược, là nỗi khiếp sợ của quân thù", Tiến sỹ Lê Duy Mạnh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem