Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội

Gia Khiêm - Nguyễn Chương Thứ sáu, ngày 27/01/2023 11:34 AM (GMT+7)
Sáng ngày 27/1 (mùng 6 Tết), hàng vạn người đã đổ về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vãn cảnh, lễ chùa.
Bình luận 0

Vạn người đổ về chùa Hương ngày khai hội

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, ngay trong sáng nay, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về chùa Hương ngày khai hội. 

Tại khu vực sân chùa Thiên Trù - chùa Hương đông nghịt người đứng theo dõi chương trình biểu diễn của các đội rồng và đội trống xã Hương Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội phát biểu khai mạc. 

Sau đó, Thượng Tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương phát biểu ý kiến, đánh trống khai hội và dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an…

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 1.

Cảnh tượng đông nghịt người lên chùa Thiên Trù ngày khai hội chùa Hương sáng 27/1. Ảnh: Gia Khiêm

Chùa Hương là lễ hội kéo dài bậc nhất cả nước, năm nay diễn ra trong ba tháng từ ngày 23/1 đến 23/4/2023. Ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng âm lịch như thường lệ.

Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm nay là Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội.

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 2.

Càng về trưa trời ấm, tạnh ráo nhiều người đổ về chùa Hương mỗi lúc một đông. Ảnh: Gia Khiêm

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 3.

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 4.

Hướng lên chùa Thiên Trù có lúc đông nghịt. Ảnh: Gia Khiêm

Hiện nay, tại suối Yến có hàng nghìn chiếc đò hoạt động phục vụ chuyên chở khách tham quan. Để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách tham dự ngày khai hội chùa Hương, lực lượng công an được điều động tăng cường từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán tại khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn.

Trao đổi với PV Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, lễ hội chùa Hương là lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hội còn là nơi hội tụ các nét sinh hoạt văn hoá như bơi thuyền, múa rồng, lễ phật… 

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 5.

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 6.

Lễ khai hội chùa Hương 2023. Ảnh: Gia Khiêm

"Trước những giá trị đặc biệt của di tích, lễ hội chùa Hương mong rằng nhân dân và du khách thập phương xa gần thể hiện và thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia các hoạt động lễ hội, giữ gìn bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của lễ hội, đồng thời bảo vệ các bút tích, di vật liên quan đến di sản văn hoá chùa Hương", ông Cảnh nói.

Chùa Hương đón hơn 10 vạn khách trong 3 ngày Tết

Ông Cảnh cũng dự báo, lễ hội chùa Hương năm nay số lượng du khách về trẩy hội sẽ đông vì 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết chùa Hương đã đón 10,2 vạn lượt khách tham quan, vãn cảnh, trong đó riêng ngày mùng 5 Tết có 4,7 vạn lượt khách. Ngay từ ngày mùng 5 Tết, một ngày trước khai hội, biển người đã đổ về chùa Hương đi lễ đầu năm.

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 7.

Nhiều người theo dõi lễ khai hội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ban tổ chức, giá vé vào cửa khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn được niêm yết là 130.000 đồng (80.000 vé vào cửa và 50.000 phí đi đò). Lối lên chùa Thiên Trù đông kín người trong mùng 5 Tết Nguyên đán. Do lượng khách đông, việc chờ đợi cáp treo mất khá nhiều thời gian. Vì thế nhiều du khách chọn đi bộ từ chùa Thiên Trù đến động Hương Tích.

Năm nay, Ban tổ chức thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn. Vé xe điện có giá 10.000 đồng/người/lượt, đồng giá cho các tuyến.

Vạn người đổ về chùa Hương, chen chân ngày khai hội - Ảnh 8.

Theo Ban tổ chức, lễ hội chùa Hương năm nay số lượng du khách về trẩy hội sẽ đông vì 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Bởi trước đó, từ mùng 3 Tết, thay vì được xe điện đưa đón vào chùa, du khách lại bắt gặp hàng trăm xe ôm đậu la liệt chèo kéo khách gây cản trở giao thông. Những xe ôm này chạy ùa theo xe khách mời chào khách với giá 10.000-15.000 đồng/người và bị bám đuổi tới cùng.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng "chặt, chém" giá cả. Mặc dù, Ban tổ chức đã niêm yết giá dịch vụ xuồng, đò. Tuyến đò đi Hương Tích có giá 50.000 đồng/người/2 lượt. Tuyến đò đi Long Vân - Tuyết Sơn có giá 30.000 đồng/người/2 lượt. Giá vé tham quan thắng cảnh và xuồng đò là 130.000 đồng/người.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đã chỉ đạo UBND xã Hương Sơn, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cải tạo, nâng cấp các các bãi đậu xe đảm bảo sức chứa đáp ứng được nhu cầu du khách, xây dựng các phương án điều tiết giao thông đảm bảo phù hợp, khoa học.

Ngoài ra, lực lượng công an còn đảm nhiệm thêm một nhiệm vụ quan trọng đó là ngăn chặn, xử lý hành vi lôi kéo, chèo kéo người đi đò, hay còn được gọi là cò. Không chỉ có Công an huyện Mỹ Đức mà công an ở các huyện có trục đường hướng về Chùa Hương, Công an huyện Kim Bảng (Hà Nam) cũng sẽ ngăn chặn, kết hợp xử lý hành vi này.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, hành vi lôi kéo, chèo kéo người đi đò chủ yếu là một bộ phận người dân ở Hương Sơn. Đơn vị cũng đã tuyên truyền tới người dân địa phương. Quá trình mời chào khách từ xa, đeo bám gây phản cảm, mất an toàn giao thông nên sẽ được chấn chỉnh.

Ngoài ra, khi phát hiện những trường hợp lang thang ăn mày ăn xin tại lễ hội chùa Hương thì tổ liên ngành của Ban tổ chức lễ hội sẽ yêu cầu rời đi. Nếu trường hợp nào cố tình không chịu rời đi, tổ liên ngành sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 đưa về trung tâm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem