Đường Vành đai 3 - TP.HCM: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng

Nha Mẫn Chủ nhật, ngày 18/06/2023 20:29 PM (GMT+7)
Khi đi vào khai thác, dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM xóa nhiều điểm nghẽn, giúp kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận 0

Dự án đường vành đai 3 - TP.HCM

Dự án Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, được đầu tư giai đoạn 1 với chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng, chính thức khởi công vào sáng nay 18/6.

Đường Vành đai 3 - TP.HCM: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng - Ảnh 1.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn và nút giao cầu Nhơn Trạch (Vành đai 3 TP.HCM) với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Ban Giao thông TP.HCM

Trong đó có đoạn qua TP.HCM 47,51km, thuộc địa bàn TP.Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26km, đi qua huyện Nhơn Trạch; đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 10,76km, đi qua các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; tại tỉnh Long An có chiều dài khoảng 6,81km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức.

Cụ thể, đường Vành đai 3 đoạn thuộc TP.HCM dài hơn 47km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng hơn 22.400 tỷ đồng còn lại là giải phóng mặt bằng (tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 410 ha với 1.689 trường hợp bị ảnh hưởng).

Còn tuyến Vành đai 3 đi qua địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An có chiều dài khoảng 6,6km, qua hai địa phương là xã Tân Bửu và xã Mỹ Yên. Huyện Bến Lức cũng là địa phương duy nhất của tỉnh Long An có tuyến Vành đai 3 đi qua. Điểm đầu tuyến Vành đai 3 đi qua huyện Bến Lức nằm tại bờ kênh Thầy Thuốc, thuộc địa phận xã Tân Bửu, huyện Bến Lức. Để thực hiện dự án, UBND huyện Bến Lức đã ban hành 319 thông báo thu hồi đất cho các trường hợp bị ảnh hưởng và đã kê biên, kiểm đếm được 380 hộ (tăng 61 hộ so với ban đầu), diện tích 43,33ha.

Dự án đoạn qua huyện Bến Lức gồm 2 dự án thành phần là dự án thành phần 7 và dự án thành phần 8.

Đường Vành đai 3 - TP.HCM: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Long An trực tiếp khảo sát dự án Vành đai 3. Ảnh: Thiên Long

Trong đó, dự án thành phần 7 bao gồm xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An có điểm đầu giao với dự án thành phần 1 TP.HCM (hết phạm vi xây dựng cầu Kênh Thầy Thuốc); điểm cuối giao với đường Bến Lức - Long Thành (tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) với phạm vi đầu tư xây dựng 6,37km với tổng mức đầu tư 3.040 tỷ đồng. Còn dự án thành phần 8 gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với phạm vi giải phóng mặt bằng.

Tương tự, đường Vành đai 3 đi qua Đồng Nai dài 11,2km có điểm đầu nằm ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch và điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch, kết nối TP.Thủ Đức (TP.HCM). 

Với đoạn qua tỉnh Đồng Nai sẽ xây 5km cao tốc khớp nối dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (dài 28,4km) tại nút giao tỉnh lộ 25B, quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 km/h. Đối với phần đường song hành, dự án sẽ được làm dọc hai bên cao tốc với chiều dài 11,2km, bao gồm hai cầu vượt sông Rạch Chạy trên đường song hành. Khi hoàn thiện, đường rộng 74,5m, vận tốc 60 km/h.

Dự án cũng xây dựng nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành và nút giao với tỉnh lộ 25C. Toàn dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Đường Vành đai 3 - TP.HCM: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công đường Vành đai 3 tại TP.HCM vào sáng 18/6. Ảnh: Lê Giang

Theo Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, về hồ sơ ranh giới thu hồi đất, cột mốc dự án, hiện ban đã nhận bàn giao từ Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện và đang thu xếp triển khai các thủ tục để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Riêng dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km; bao gồm dự án thành phần 5 (xây dựng đường Vành đai 3) và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương). Tổng mức đầu tư dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Dương khoảng 19.280 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây lắp 5.752 tỷ đồng và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư 13.528 tỷ đồng.

Vành đai 3 xóa điểm nghẽn, tăng kết nối liên vùng

Đối với dự án này, vào ngày 15/6, tại họp báo về tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM nói rằng tính đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng 356ha/410ha (đạt khoảng 87%).

Đường Vành đai 3 - TP.HCM: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng - Ảnh 4.

Các lãnh đạo Trung ương và địa phương bấm nút khởi công đường vành đai 3 tại TP.HCM. Ảnh: Lê Giang

Trong đó, TP.Thủ Đức đã thu hồi 72,8ha/99,8ha (đạt khoảng 73%), huyện Củ Chi đã thu hồi 54,2ha/65,3ha (đạt khoảng 83%), huyện Hóc Môn đã thu hồi 94,0ha/98,9ha (đạt khoảng 95%), huyện Bình Chánh đã thu hồi 134,3ha/145,9ha (đạt khoảng 92%).

Ông Lương Minh Phúc cho rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giao thông của TP.HCM có một dự án lớn có mặt bằng là đất đô thị nhiều, đất nông nghiệp ít nhưng tốc độ thu hồi mặt bằng nhanh. Ông Phúc nhấn mạnh đường Vành đai 3 TP.HCM khi đưa vào khai thác sẽ giúp kết nối TP.HCM với tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai nhanh nhất, thuận lợi nhất cả về giao thông lẫn giao thương.

Ngoài ra, dự án này sẽ kết nối với nhiều dự án giao thông khác đã và đang triển khai, tương lai khi thông xe toàn bộ sẽ giúp giao thông tách dần ra ngoại ô, không đi giữa thành phố như hiện nay, phần nào giãn giao thông nội ô và các cửa ngõ vào trung tâm TP.HCM. Đặc biệt, đường Vành đai 3 còn tạo ra hành lang logistic kết nối nhanh chóng với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) tạo ra dịch vụ logistic mới…

Đường Vành đai 3 - TP.HCM: Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng - Ảnh 5.

Sáng 18/6, tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng đã diễn ra lễ động thổ dự án thành phần 3 thuộc tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế

Còn mới đây, tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, dự án Vành đai 3 giúp kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án khi đi vào khai thác sẽ giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, bao gồm điểm nghẽn về giao thông; nghẽn về không gian phát triển; nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển…

Trước đó, vào năm 2022, tại hội thảo, lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai cùng các bộ, ngành, đơn vị liên quan lấy ý kiến các chuyên gia về việc triển khai, hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM.

Tại hội thảo này, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói rằng hiện nay các đô thị tại vùng Đông Nam bộ vẫn chưa gắn kết lại với nhau do chưa có giao thông kết nối. 

Theo ông Lịch, tắc nghẽn kết nối giao thông ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đồng thời tăng chi phí vận chuyển hàng hóa qua lại giữa các địa phương. Vì vậy, việc hoàn thiện đường Vành đai 3 sẽ là một trong những giải pháp giúp kết nối giao thông liên vùng, liên khu vực. Đồng thời thông qua tuyến đường này cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi, giảm chi phí trong giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Tương tự, Phó Giáo sư Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nói tại hội thảo, kinh tế vùng Đông Nam bộ tăng trưởng chậm phần lớn do hạn chế của hạ tầng giao thông. 

Thực tế hạ tầng giao thông chưa kết nối liên vùng, gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, đầu tư đường Vành đai 3 và hệ thống giao thông khác sẽ giúp kết nối TP.HCM và các địa phương trong vùng.

Được biết sáng nay 18/6, dự án đường vành đai 3 - TP.HCM cùng nhiều dự án giao thông trọng điểm của các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ đã được khởi công, mở đường lớn giúp kết nối liên vùng. Tại lễ khởi công, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Chúng tôi giữ đúng mục tiêu mà thành phố đã cam kết với Quốc hội và Chính phủ là phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản thông xe trục cao tốc với 4 làn xe chính và đến năm 2026 sẽ hoàn thành đường song hành hai bên để đưa vào khai thác".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem