Vào thủ phủ hoa anh túc: Tiếp cận loài hoa độc

Thứ ba, ngày 27/12/2011 09:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 8 giờ sáng, khi những đỉnh núi chon von ở Háng Đồng còn ẩn khuất trong những làn sương trắng bạc, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xuyên rừng...
Bình luận 0

Lên đường đi “săn”

Theo như lời vị cán bộ xã Háng Đồng thì toàn bộ diện tích cây thuốc phiện mà Đoàn công tác 06 (đoàn triệt phá cây thuốc phiện) vừa phát hiện là nhờ thông tin từ người dân tại các cơ sở của Sơn La-những người không thể công bố tên tuổi. Bởi chỉ họ mới có thể biết khu vực nào trong rừng còn trồng thuốc phiện. Còn những diện tích do Đoàn 06 phát hiện được trong quá trình đi triệt phá rất hiếm, nếu có chỉ là vô tình gặp trên đường...

img
Triệt phá cây thuốc phiện khu vực giáp ranh.

Từ thông tin đó, chúng tôi quyết định ở lại để tìm cơ hội tới những khu vực vẫn còn một số diện tích chưa bị triệt phá. Không phụ công mấy ngày nằm chờ, chúng tôi đã có cơ hội thứ hai khi có người sở tại rành rẽ địa bàn nhận lời làm hoa tiêu.

Hoa thuốc phiện độc theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng bởi lẽ nó là loài hoa rất đẹp với sắc màu rực rỡ, mảnh mai và quyến rũ giữa núi đồi hoang vắng. Nhưng hoa thuốc phiện cũng tạo nên nguồn nhựa - thủ phạm gây bao nỗi đau khổ cho con người do nghiện ngập...

8 giờ sáng, khi những đỉnh núi chon von ở Háng Đồng còn ẩn khuất trong những làn sương trắng bạc, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xuyên rừng hướng về nơi giáp ranh giữa huyện Trạm Tấu (Yên Bái) với 2 huyện Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La).

Đường trơn trượt, đất trộn với sương tạo thành một thứ “keo” kết dính rất khó đi, cảm giác khi nhấc chân lên như có người kéo lại... Cứ vậy, chúng tôi lầm lũi xuyên rừng. Ban đầu còn râm ran nói chuyện, càng về sau câu chuyện càng đứt quãng và ngừng hẳn, để dành sức lực cho những bước chân tiếp theo.

Đêm hôm đó, chúng tôi xin tá túc nhà anh Hạng A Lủ - Trưởng bản Làng Sáng. Theo lời A Lủ: Làng Sáng có 74 hộ dân tộc Mông. Ở đây những ai họ Hạng là gốc gác bên Trạm Tấu, còn lại họ Mùa, Thào là gốc Sơn La. Nhiều năm trước, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện diễn ra ở đây khá bức xúc nhưng trong năm nay, chưa phát hiện hộ nào tái trồng cây thuốc phiện. Những nương tái trồng thuốc phiện xuất hiện chủ yếu ở khu vực giáp ranh.

Bất ngờ gặp vườn hoa độc

Sau bữa cơm sáng với món măng ớt, chút canh rau cải và chuẩn bị cơm gói mang theo đường, chúng tôi chia tay gia đình Hạng A Lủ. 8 giờ sáng, vùng cao Làng Sáng vẫn mù mịt sương, gió rét căm căm thổi về từ những cánh rừng sàn sạt như muốn cản bước chúng tôi tiếp tục hành trình xuyên rừng.

Chặng đường chúng tôi qua hết dốc rồi lại dốc. Đường trơn nhẫy, vừa đi vừa ngã. Thậm chí, có đoạn chúng tôi phải lò dò đi lùi, tay bám vào cây bên đường để xuống dốc, xuyên qua những cánh rừng ẩm ướt với tầng thực vật dày ngập đầu gối hay men theo những đoạn suối lạnh buốt. Ông bạn tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm: “Đúng là rừng thiêng nước độc, trồng thuốc phiện những nơi này thì ai mà lần ra được!”.

12 giờ trưa, mọi người đã chùn chân, bụng đói, chúng tôi quyết định dừng chân ăn trưa. Vẫn như những bữa cơm rừng trước đó, vỏ đồ hộp làm bát, bẻ cành cây làm đũa, vậy mà bữa cơm rừng vẫn rất ngon... Đang vào bữa, người dẫn đường thốt lên: “Oài, cây thuốc phiện kìa, toàn loại hoa tím”.

Cách vài bước chân, một thứ mùi ngai ngái đặc trưng xộc vào mũi, thì ra đám cây thuốc phiện này đã được khứa lấy nhựa. Những quả thuốc phiện ứa ra thứ nhựa sống đặc trưng từ những vết dao còn mới.

Theo hướng tay anh chỉ, cách chỗ chúng tôi ăn cơm chỉ hơn chục mét, một đám thuốc phiện hoa tím ngắt xen với màu vàng của hoa cải. Thì ra, khi dừng chân ăn cơm, do sương mù hạn chế tầm nhìn nên chúng tôi không thấy, bây giờ sương tan mới lộ ra đám thuốc phiện này.

Tôi phấn chấn hẳn lên, vội cầm máy ảnh đi về hướng đám cây thuốc phiện nhưng người dẫn đường nhảy bổ theo gọi giật lại “đừng đi vội, kẻo có bẫy”. Tôi tái mặt, đứng khựng lại không dám nhúc nhích. Để chắc ăn, người dẫn đường dùng một chiếc gậy vừa đi vừa dò xem có bẫy không. Đồng thời, anh còn ngó nghiêng xung quanh có ai “phục kích” khi chúng tôi xuống đám cây thuốc phiện đó không?

Cách vài bước chân, một thứ mùi ngai ngái đặc trưng xộc vào mũi, thì ra đám cây thuốc phiện này đã được khứa lấy nhựa. Những quả thuốc phiện ứa ra thứ nhựa sống đặc trưng từ những vết dao còn mới.

Tôi thắc mắc với người dẫn đường sao thuốc phiện mọc không đều nhau, cây thì ra quả, cây thì hoa và cây thì mới hơn gang tay? Người dẫn đường giải thích: Người trồng thuốc phiện cố tình gieo gối tiếp như vậy để phòng trường hợp bị triệt phá thì hạt gieo sau sẽ tiếp tục mọc. Bởi thế, lứa trước lấy nhựa xong, lứa sau đã ra hoa...

Để đảm bảo an toàn cho mọi người, chúng tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc, rút khỏi nơi đó, hướng tới khu vực giáp ranh hai tỉnh Yên Bái - Sơn La. Một lần nữa chúng tôi được nhắc nhở tuyệt đối giữ im lặng, không nói chuyện về cây anh túc và phải bám chặt người dẫn đường. Sương mù dày đặc, nếu đi sai hướng là có thể lạc hoặc gặp phải bẫy tự tạo của dân trồng thuốc phiện. Thậm chí, nguy hiểm hơn là gặp phải bẫy dây thì người qua đường có thể dính đạn chì của súng kíp...

Kỳ 3: Ám ảnh vùng cao

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem