Vẻ đẹp cổ kính bên trong ngôi nhà di sản ở phố cổ Hà Nội

Song Phúc Thứ ba, ngày 30/04/2024 13:58 PM (GMT+7)
Trải qua hàng thế kỷ, ngôi nhà cổ tại Hà Nội đã ghi lại bao câu chuyện, hình ảnh văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Bình luận 0

Vẻ đẹp văn hóa bên trong đình Đồng Lạc. Thực hiện: Song Phúc.

Di tích làng nghề xưa trên phố cổ

Tọa lạc tại số 38 phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đình Đồng Lạc được mệnh danh là ngôi nhà di sản giữa lòng phố cổ. Đình Đồng Lạc thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã, đây cũng là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê. Ngôi đình tọa lạc trên thửa đất có mặt bằng dạng thót hậu, rộng mặt tiền 6m, bên trong thót lại còn 1,1m, tổng diện tích khu đất là 188,9m, sâu 51,65m.

Vẻ đẹp cổ kính bên trong ngôi nhà di sản ở phố cổ Hà Nội- Ảnh 1.

Đình Đồng Lạc là di tích hiếm hoi còn sót lại về lịch sử, văn hoá làng nghề xưa ở Hà Nội.

Tuy nhiên do nhiều biến động của lịch sử, do chiến tranh, ngôi đền đã bị tàn phá. Năm 1941, một gia đình đã xây dựng lại ngôi đình với quy mô hai tầng, dùng để bán hàng và làm nhà ở. Năm 1956 ngôi nhà được sử dụng làm cửa hàng bách hoá.

Đến năm 2000, trong khuôn khổ hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội (Việt Nam) và Toulouse (Pháp), đình Đồng Lạc được phục dựng lại theo dáng xưa, hiện nay là "Ngôi nhà di sản" trong khu phố cổ Hà Nội.

Ngôi đình cổ 38 Hàng Đào đã được xếp hạng là di sản văn hóa, một điểm đến quan trọng của những tour du lịch khám phá văn hóa lịch sử Hà Nội. "Ngôi nhà di sản" này là một di tích quan trọng chứng minh cho các hoạt động buôn bán tơ lụa, hoạt động sản xuất thủ công truyền thống và văn hóa trong trang phục của người Thăng Long - Hà Nội.

Là một người dân sống trên phố Hàng Đào, bà Nguyễn Thị Ngà (74 tuổi) chia sẻ: "Ngôi đình mang nét cổ kính, trầm mặc của phố xưa thu hút rất nhiều du khách. Đình có 2 tầng, tầng 1 và gian ngoài tầng 2 là nơi trưng bày những sản phẩm lụa. Còn bên trong là gian thờ được kết nối bằng một cầu thang dẫn ngoài trời".

Vẻ đẹp cổ kính bên trong ngôi nhà di sản ở phố cổ Hà Nội- Ảnh 2.

Đình Đồng Lạc được xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2004.

"Sự hòa quyện giữa không gian văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi đình khiến cho bất cứ ai lạc bước vào đây cũng phải trầm trồ, thán phục", bà Ngà khẳng định.

Theo ông Trịnh Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khám phá và tham quan ngôi nhà cổ này không chỉ giúp người dân tìm hiểu về quá khứ, mà còn có trải nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của nghệ thuật và kiến trúc truyền thống của Việt Nam. 

"Đó chính là sức hút và giá trị đặc biệt mà những ngôi nhà cổ ở Hà Nội mang lại cho du khách và người dân yêu quý văn hóa đất nước Việt Nam", ông Hưng bày tỏ.

Kiến trúc cổ bên trong ngôi đình

Theo sử sách ghi lại, trải qua gian khó, năm 1941, đình Đồng Lạc được tái xây dựng với kiến trúc hai tầng - một tầng để kinh doanh, một tầng để sinh sống. Vào năm 1956, không gian này đã chuyển thành cửa hàng bách hoá.

Mặt bằng bố cục theo nguyên tắc nhà ống truyền thống ở phố cổ Hà Nội. Không gian kiến trúc ngôi đình được phân chia bởi từng lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân trong nhằm thông gió và lấy ánh sáng.

Vẻ đẹp cổ kính bên trong ngôi nhà di sản ở phố cổ Hà Nội- Ảnh 3.

Đình gần như được tôn tạo và giữ nguyên kiến trúc nhà ống xưa, việc thờ cúng vẫn được duy trì vào các ngày lễ lớn.

Cánh cửa của cổng đình vẫn giữ được nguyên tắc cổ truyền, với cửa giữa cao hơn và cửa hai bên thấp hơn. Các biểu tượng chữ Hán trên cổng và trên câu đối treo trong gian đình, cùng những ký tự cao trước sân và trên gác hai, đã được chuyên gia tại Viện Hán Nôm khắc và phục hồi như ban đầu.

Khi bước vào đình, du khách sẽ được tham quan những công trình kiến trúc cổ xưa như các cổng đình, nhà thờ, đền và nhà cúng. Bên cạnh đó, trong khuôn viên đình còn có các di vật lịch sử, bia đá và tranh chạm khắc thể hiện sự tôn kính và tri ân đối với các vị anh hùng của dân tộc.

Dấu vết duy nhất còn sót lại trong ngôi đình là hai đầu dư mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và tấm bia đá dựng năm Tự Đức Bính Thìn (1856).

Trên bia ghi rõ: "Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá hủy. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại ngôi đình, giao cho ông Trần Hợp Tài và Nguyễn Bá Lân trông nom, xây dựng…".

Vẻ đẹp cổ kính bên trong ngôi nhà di sản ở phố cổ Hà Nội- Ảnh 4.

Hiện ngôi đình 38 Hàng Đào vẫn còn giữ lại tấm bia đá cách đây hơn 150 năm tuổi.

Tấm bia đình Đồng Lạc là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, giúp người dân, du khách hiểu biết thêm về ngôi đình và chợ yếm lụa đã có ở đây từ thời Lê. Sang thời nguyễn, đình được dân làng tu bổ trở thành nơi buôn bán trang phục cho phụ nữ. Điều này cũng được ghi rõ trong "Đại Nam nhất thống chí". Như vậy đình Đồng Lạc là nơi thờ cúng đồng thời cũng là nơi bán các sản phẩm của phường Đồng Lạc ở kinh thành Thăng Long xưa.

Đặc biệt, đình Đồng Lạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 18/02/2004.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem