Về tận quê đón lao động lên thành phố

04/10/2021 08:10 GMT+7
Dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) ở TPHCM tìm mọi cách giữ chân lao động hiện có, thu hút lao động từ các tỉnh đến thành phố làm việc.
Về tận quê đón lao động lên thành phố - Ảnh 1.

Đa số công nhân Cty APT đã trở lại làm việc. Ảnh: Uyên Phương

Là DN sử dụng nhiều lao động nhất tại TPHCM, trong đó phần lớn lao động đến từ các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre… Công ty (Cty) TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) đã bố trí xe về tận quê để đón công nhân lên TPHCM làm việc.

“Từ tháng 6/2021, công nhân không đi làm được nhưng Cty vẫn trả lương. Đến tháng 9, Cty gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH cho người lao động. Ngay khi thông tin thành phố HCM nới lỏng giãn cách, Cty đã bố trí xe để đưa rước công nhân giữa TPHCM và các tỉnh”, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Cty PouYuen cho biết.

Theo ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), những công nhân của Cty đã về quê sẽ quay lại làm việc trong vài ngày tới. Hiện tại, 300/400 lao động của Cty đã trở lại công việc sau khi các khâu phòng chống dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo vị lãnh đạo này, Cty có 15 ca F0 cả ở nhà và nhà máy. May mắn, công nhân được tiêm vắc-xin từ sớm nên các ca F0 đều bình an. “Cty nhận thấy nếu không chăm lo tốt cho người lao động thì sau đại dịch, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao. Vì thế, khi thực hiện “3 tại chỗ”, ban lãnh đạo Cty cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với công nhân. Với những lao động đang ở trọ, Cty chăm lo như đi chợ hộ để họ yên tâm ở nhà phòng chống dịch”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, Cty TNHH May Đức Thiện (huyện Hóc Môn) vẫn tạm ngừng hoạt động do không đủ nhân công. Cty đã làm mọi cách để tìm người lao động chuẩn bị cho ngày hoạt động trở lại (từ ngày 1/10), thế nhưng vẫn không tìm đủ lao động để sản xuất.

Đại diện Cty Đức Thiện cho biết, DN đã tạm ngừng hoạt động và cho công nhân tạm nghỉ việc hơn 3 tháng qua. Cty vẫn trả phụ cấp bằng 50%/tháng lương cơ bản để giữ chân người lao động. Nhưng do thời gian giãn cách dài, trong khi chi phí sinh hoạt hàng tháng gấp nhiều lần tiền lương phụ cấp, nên nhiều lao động bỏ về quê. Khi TPHCM nới giãn cách, Cty đã gọi điện thoại, gửi tin nhắn nhưng công nhân cũ ở quê chưa có ý định trở lại; tuyển công nhân mới được rất ít nên Cty vẫn phải đóng cửa.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, theo thống kê có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TPHCM đã về quê, trong đó chủ yếu là những người lao động về Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu... “Hepza đang phối hợp với chính quyền TPHCM và các tỉnh, thành khác tìm giải pháp an toàn nhất để đón công nhân quay lại làm việc. Trong đó có việc triển khai tiêm vắc-xin cho người lao động chưa tiêm mũi nào để có thể đủ điều kiện đi làm”, ông Trực nói.

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM dự báo: “Từ nay đến cuối năm, thành phố HCM dự kiến cần khoảng 43 - 57 nghìn lao động”.


Uyên Phương
Cùng chuyên mục