Về tay ngân hàng, công ty chứng khoán tăng cho vay margin bằng lần

Phong Bình Thứ sáu, ngày 05/04/2024 16:15 PM (GMT+7)
Hai năm vừa qua, một số công ty chứng khoán được “thay máu” khi được các ngân hàng ra tay thâu tóm. Hậu đổi chủ, những công ty chứng khoán trước đây nhỏ bé, vô danh bỗng dưng có những thay đổi đáng kinh ngạc về vốn, nguồn lực cho vay margin...
Bình luận 0

Đổi chủ, tiền cho vay lẫn đi vay của Chứng khoán KAFI đều tăng vọt

Mới đây, Công ty chứng khoán KAFI đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, trong đó hé lộ kế hoạch năm 2024 với những chỉ tiêu mới. Cụ thể, KAFI sẽ trình kế hoạch tổng tài sản đạt 10.000 tỷ đồng năm 2024 (tăng 53%) và lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng (tăng trưởng 88%).

Năm 2023, KAFI đã tăng vốn từ 1.000 tỷ lên 1.500 tỷ đồng. Nhìn vào cái tên mới và vốn điều lệ hiện tại, hẳn không nhiều người nghĩ đến chỉ trước đó một thời gian ngắn, vốn góp của công ty này thuộc nhóm thấp nhất thị trường khi chỉ ở mức 155 tỷ. Nhưng chỉ sau 2 năm, KAFI đã tăng vốn gấp 10 lần và còn sẽ tiếp tục tăng lên mức 2.500 tỷ đồng trong năm nay. Mới đây, KAFI cho biết UBCKNN đã thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp.

KAFI có tiền thân là CTCK Hoàng Gia, sau nhiều năm hoạt động èo uột, đến 2019 công ty đổi tên thành Globalmind Capital và lại một lần nữa đổi tên vào năm 2022 sau khi xuất hiện nhóm cổ đông mới là CTCP Uniben - doanh nghiệp có liên quan đến ông chủ VIB Đặng Khắc Vỹ. Hàng loạt lãnh đạo mới của KAFI cũng từ VIB chuyển sang.

Sau khi có sự đầu tư mới, từ một công ty vô danh với bức tranh tài chính vô cùng ảm đạm, KAFI "thay máu" và được bơm vốn mạnh mẽ.

Bên cạnh tăng vốn điều lệ, quy mô tài sản của KAFI cũng tăng mạnh, các hoạt động kinh doanh của công ty khởi sắc với các kết quả tích cực. Năm 2023, KAFI đạt 484 tỷ đồng doanh thu từ chứng khoán và lợi nhuận sau thuế hơn 128 tỷ đồng, đây là kết quả cao nhất của công ty từ trước đến nay.

Đáng chú ý, nợ phải trả của công ty cũng tăng đột biến. Trước khi có cổ đông mới, Nợ phải trả của công ty chỉ khoảng 7,4 tỷ đồng, đến 2022 con số này đã tăng đến gần 1.000 tỷ và tiếp tục tăng theo cấp số nhân lên 4.894 tỷ đồng cuối năm 2023, cao gấp 3 lần vốn góp chủ sở hữu. Lưu ý, nợ vay ngắn hạn chiếm tới 4.820 tỷ đồng, tương đương 98% nợ phải trả. Trong đó chủ yếu là nợ ngân hàng và vay bên thứ 3. Trước đó, năm 2022, KAFI cũng ghi nhận nợ vay tăng mạnh với 2 chủ nợ ngân hàng chính là VIB và BIDV, tuy nhiên trước mức tăng chóng mặt của năm 2023, tên các ngân hàng cấp vốn cho KAFI lại hoàn toàn biến mất trên báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của KAFI chủ yếu là danh mục tự doanh và các khoản cho vay. Sau giai đoạn cổ đông liên quan đến VIB xuất hiện, KAFI đột ngột gia tăng hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Nếu trước đó, giá trị hợp đồng cho vay ký quỹ rất ít (2021 cho vay margin 14 tỷ đồng) thì con số này đã tăng lên 209 tỷ đồng năm 2022 và đột ngột tăng gấp 5 lần lên 1.087 tỷ đồng vào cuối 2023.

Về tay ngân hàng, công ty chứng khoán tăng cho vay margin bằng lần- Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn số liệu: BCTC doanh nghiệp

Về danh mục tự doanh, KAFI khá ưa thích các loại tài sản của tổ chức tín dụng. Trong danh mục, cổ phiếu niêm yết tuy không nhiều, chỉ khoảng 58,5 tỷ đồng nhưng đều là các mã ngân hàng (ACB, VCB, VPB), trái phiếu chưa niêm yết của tổ chức tín dụng chiếm 836 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu VCB, VIB, MB, CTG. Đặc biệt, KAFI tăng đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi trong năm 2023 vừa qua. Danh mục từ 884 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi đã tăng lên 3.586 tỷ đồng cuối năm 2023. Được biết, KAFI đã mang phần lớn trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi đi thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay.

Được biết, tính đến cuối 2023, giao dịch cho vay và giao dịch chứng khoán của thành viên HĐQT và người có liên quan của họ có giá trị lên đến 1.746 tỷ đồng; Giao dịch cho vay, vay vốn, mua bán giấy tờ có giá và giao dịch chứng khoán của công ty với Người có liên quan khác là 1.718 tỷ đồng. Trong đó, theo báo cáo công khai danh sách người có liên quan tính đến cuối 2023 thì công ty có tổng cộng 98 người liên quan, gồm: Người có liên quan là thành viên HĐQT và người có liên quan của họ là 47 người; Người có liên quan là Kiểm soát viên và người có liên quan của họ là 26 người; Người có liên quan đến Ban Tổng giám đốc là 20 người và Người có liên quan khác là 5 người.

Về tay VPBank, VPBankS chi hơn 8.000 tỷ "ôm" trái phiếu doanh nghiệp

Tương tự KAFI là Chứng khoán ASCS được VPBank mua lại và đổi tên thành Chứng khoán VPBank (VPBankS) vào năm 2022. Tại công ty chứng khoán này, quá trình tăng vốn thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Từ mức vốn điều lệ 268,8 tỷ đồng, chỉ trong vòng 1 năm sau khi được VPB mua lại, VPBankS liên tục được tăng vốn và cán mốc 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Đáng chú ý, danh mục tự doanh của VPBankS phần lớn đều là trái phiếu. Năm đầu tiên sau khi về tay ngân hàng, giá trị tài sản tài chính FVTPL của VPBankS tăng vọt từ 176,5 tỷ đồng lên 7.452 tỷ đồng. Trong đó trái phiếu chưa niêm yết đã chiếm 97%, còn lại phần nhỏ là chứng chỉ tiền gửi, không có cổ phiếu khác. Đến cuối 2023, VPBankS đã bắt đầu đưa cổ phiếu vào danh mục tự doanh, giá trị 1.509 tỷ đồng, tuy nhiên cũng đến 98% là cổ phiếu chưa niêm yết. Trái phiếu chưa niêm yết vẫn tiếp tục tăng, ở mức 8.215 tỷ đồng.

Hoạt động cho vay ký quỹ cũng được đẩy mạnh. Từ không cho vay margin, VPBankS đã liên tục gia tăng cho vay 2.858 tỷ đồng trong năm đầu tiên về chủ mới và tiếp tục tăng đến 7.090 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023.

Về tay ngân hàng, công ty chứng khoán tăng cho vay margin bằng lần- Ảnh 2.

Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn số liệu: BCTC doanh nghiệp

Nợ phải trả của công ty chứng khoán nhà VPBank cũng tăng gấp 9 lần trong năm 2023, từ 679 tỷ đồng lên 6.069 tỷ đồng. Trong đó nợ vay tổ chức tín dụng tăng từ 419 tỷ lên 4.541 tỷ. BIDV, Vietinbank và TPBank cấp tổng cộng 2.828 tỷ đồng, còn 1.713 tỷ đồng được vay từ Ngân hàng khác. Ngoài ra, trong năm 2023, VPBankS cũng phát sinh khoản vay cá nhân và đối tượng khác. Trong năm, VPBankS vay đến 98.614 tỷ từ nhóm cá nhân và tổ chức này, sau khi trả 97.226 tỷ đồng thì dư nợ còn lại cuối năm 2023 còn 1.387 tỷ.

Với nguồn lực tài chính được cải thiện mạnh mẽ, không chỉ đầu tư vào các hoạt động chứng khoán, VPBankS thậm chí còn dùng tiền đầu tư góp vốn. Mới đây, công ty chứng khoán này đã đầu tư sở hữu cổ phần Be Holdings – công ty chủ sở hữu Be Group với giá trị giao dịch gần 740 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem