Về thông tin một con gà gánh... 14 khoản phí: Sửa ngay để nông dân đỡ khổ

Ngọc Minh - Việt Tùng Thứ bảy, ngày 10/01/2015 15:00 PM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên NTNN, nhiều nông dân và các chủ trang trại đều lên tiếng cho rằng,  cần phải sửa ngay các quy định thu phí vô lý trong ngành thú y để người chăn nuôi đỡ… khổ.
Bình luận 0

Bộ trưởng sửa sớm, nông dân được mùa

Sau khi nhận được thông tin Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu cơ quan chức năng của Bộ xử lý và kiểm tra lại toàn bộ các loại phí, lệ phí trong ngành nông nghiệp, phát hiện các chồng chéo, bất hợp lý, ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Chỉ đạo và quyết định này của Bộ trưởng là cần thiết, kịp thời, bởi tình trạng này đã diễn ra từ lâu. “Nếu Bộ NNPTNT sửa ngay từ mấy năm trước, thì người chăn nuôi và doanh nghiệp (DN) sẽ đỡ khổ hơn. Bởi mặc dù chi phí, lệ phí không cao nhưng việc có quá nhiều quy định rườm rà và chồng chéo, trùng lặp nhau gây cản trở, khó khăn rất nhiều cho DN và người chăn nuôi” – ông Công nói.

img

Gánh nặng phí từ gà con mới nở đến khi xuất chuồng khiến người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh chụp tại xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ).  MẠc Hà
Là DN trực tiếp sản xuất, ông Phạm Thanh Hùng- Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho rằng, các hoạt động kiểm dịch và lệ phí thú y là điều rất cần thiết để ngành kiểm soát tốt công tác dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Hùng, do lực lượng thú y còn quá mỏng nên công tác kiểm dịch vẫn còn để sót nhiều thực phẩm bẩn, kém an toàn ra thị trường và dịch bệnh thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra. “Tôi cho rằng ngành nông nghiệp nên tăng cường thêm nhân lực và nâng lương, cải thiện đời sống cho lực lượng thú y” – ông Hùng kiến nghị.

 

Phí rườm rà, dân chịu

Ông Nguyễn Văn Hải – chủ trang trại hơn 60.000 gà đẻ, gà thịt ở Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc) bức xúc nói: “Tôi là người chăn nuôi hơn 10 năm nay, chủ yếu nuôi gà đẻ và gà thịt giống Ai Cập, tôi thấy rằng đúng là có một số khoản phí hơi phi lý thật. Tuy nhiên, về công bằng mà nói có những khoản phí là bắt buộc, bởi nếu người dân tự làm sẽ không đảm bảo an toàn, dễ gây nhiễm bệnh lây lan sang các trang trại, vùng khác. Chẳng hạn như phí kiểm tra mẫu máu như trang trại của tôi đầu tư bài bản, đầy đủ kỹ sư máy móc, hoàn toàn có thể tự làm được khâu này, nhưng vẫn phải có cán bộ thú y đến lấy máu kiểm tra. Vì nếu không có chứng nhận này, gà sẽ không thể bán được”. Theo ông Hải, điều quan trọng là các cơ quan chức năng cũng nên bỏ bớt những khoản phí rườm rà, còn đối với những khoản phí bắt buộc phải có thì người dân vẫn nên chấp hành.

Còn ông Đoàn Đức Đại, xã Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương) thì nói thẳng, hiện đang có tình trạng ép dân đóng phí… kiểm dịch. “Gia đình tôi có 7 dãy chuồng, trong đó nuôi khoảng 8.000 gà, vịt đẻ, ngoài ra mỗi năm tôi nuôi khoảng 3 lứa gà thịt, khoảng 20.000 con/lứa. Từ đàn gà này tôi thấy thu cũng khá, nhưng chi cũng không nhỏ, đặc biệt là các khoản phí ngoài. Nếu tính đúng một vòng quay của con gà là từ quả trứng, nở, nuôi, bán, thịt thì có đến hơn chục khoản phí gì đó, tôi không nhớ hết được”. Nhiều khoản phí như phí kiểm dịch trứng, con giống, phí an toàn dịch bệnh, phí tiêu độc khử trùng chuồng trại, phí kiểm tra định kỳ… từ nhiều năm nay ông Đại đã phải gánh chịu mà không biết phản ánh với ai. “Thú thực, họ bảo đóng thì phải đóng thôi, không đóng thì không bán gà đi được, còn chất lượng thì chúng tôi cũng chẳng biết đằng nào mà lần. Nếu họ thu phí vậy mà chịu trách nhiệm gà không bị dịch thì tôi sẵn sàng ngay, nhưng gà, vịt dịch thì mình vẫn là người chịu, còn họ thì chẳng phải chịu trách nhiệm gì”- ông Đại bức xúc nói.

 Tin từ Vụ Tài chính (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc rà soát những quy định bất hợp lý, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra và sẽ có báo cáo cụ thể trình lên Bộ trưởng trong vài ngày tới. 
Chị Nguyễn Thị Duyên, ở xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội):  Theo tôi chỉ nên giữ lại 4 khoản phí là: Phí kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, phí tiêu độc khử trừng, phí giết mổ là đủ.  Hiện người chăn nuôi đã chịu rất nhiều rủi ro từ giá cả, con giống, nếu cõng thêm các khoản phí khác nữa thì giá thành sản xuất ra một con gà rất cao và như vậy người chăn nuôi không có lãi. |

Ông Nguyễn Văn Thắm, xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam):  Tôi kiến nghị  không nên áp dụng chung một mức phí, cần “gộp” các khoản phí lại để giảm gánh nặng cho người dân. Chẳng hạn, đã có phí kiểm dịch an toàn thực phẩm, thì bỏ phí giết mổ. Đã có phí kiểm dịch, thì bỏ phí vận chuyển nội tỉnh, ngoại tỉnh, hay phí kiểm dịch gà bố mẹ, thì nên bỏ phí kiểm dịch trứng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem