Vị chúa Trịnh nào cho phép nhân dân công khai phê bình lãnh đạo địa phương?

N.N Thứ tư, ngày 24/01/2024 20:30 PM (GMT+7)
Năm 1725, chúa Trịnh Cương theo lời tâu bày của Tham tụng Nguyễn Công Hãng "cho phép dân sở tại yết bảng ghi chép những lời khen ngợi hay chê bai" các quan lại địa phương, nghĩa là cho phép nhân dân công khai phê bình lãnh đạo địa phương.
Bình luận 0

Trong số các chúa Trịnh, Trịnh Cương được các nhà sử học đánh giá là một nhà cầm quyền năng nổ, có ý thức chăm lo cuộc sống của nhân dân. Trịnh Cương là con trưởng của Tấn quan vương Trịnh Bính, là chắt của chúa Trịnh Căn, được các đại thần Nguyễn Quý Đức và Đặng Đình Tướng tiến cử. Năm 1709, Trịnh Căn mất, Trịnh Cương nối ngôi và được nhà Lê phong là Nguyên soái tổng quốc chính An Đô vương.

Tháng 9 năm 1714, Trịnh Cương lại được tấn phong Đại nguyên soái tổng quốc chính Thượng sư An vương. Trong thời gian giữ ngôi chúa, Trịnh Cương đã làm được rất nhiều việc cho đất nước. Việc làm đầu tiên là chấn chỉnh lại kỷ cương bộ máy quan lại bằng việc ban bố 6 giáo điều vào năm 1710. Trong đó điều thứ nhất cấm đại thần không được cậy quyền thế. Điều thứ hai: Bầy tôi văn võ phải siêng năng thao luyện; các viên quan phủ huyện không được hà khắc, bạo ngược.

Vị chúa Trịnh nào cho phép nhân dân công khai phê bình lãnh đạo địa phương?- Ảnh 1.

Trịnh Cương – bậc Chúa văn võ song toàn. Ảnh minh hoạ.

Sau đó, năm 1719, Trịnh Cương cho định lại phép khảo công và năm 1722 vận động người trong họ giải tán binh quyền để tập trung quyền lực vào nhà nước. Sau đó, Trịnh Cương tổ chức lại quân ngũ của phủ chúa, đặt 6 quân doanh, lựa chọn đinh tráng từ 4 trấn và binh lính Thanh Nghệ. Mỗi doanh biên chế 800 người, bổ dụng 6 tướng chia nhau thống lĩnh. Năm 1724, Trịnh Cương được thay nhà vua tế đàn Nam Giao nhưng ông không đứng vào vị trí vua hành lễ. Quân dân đương thời hết sức tin phục và kính nể ông.

Năm 1725, ông theo lời tâu bày của Tham tụng Nguyễn Công Hãng "cho phép dân sở tại yết bảng ghi chép những lời khen ngợi hay chê bai" các quan lại địa phương, nghĩa là cho phép nhân dân công khai phê bình lãnh đạo địa phương. Bố cáo gửi các địa phương có ghi "Những điều yết lên bảng phải xuất phát từ lẽ công bằng, cả loạt đều một giọng. Người nào yết pháp theo ý riêng mình, khen chê bậy bạ sẽ bị tội". Đây là một điều mà các thời trước không dám làm.

Một việc hiếm xảy ra trong chế độ phong kiến là tổ chức thi lại để loại trừ kẻ bất tài nhờ chạy chọt mà đỗ đạt. Năm Bính Ngọ (1726), Nguyễn Công Cơ tâu lên Trịnh Cương rằng, chuyện thi cử có nhiều nhũng lạm, phần lớn con em nhà quyền thế đỗ hương cống, không có thực tài. Chúa Trịnh Cương hạ lệnh cho thi lại, đánh hỏng 28 người, trong số đó có con em của các quan trong triều như Tham tụng Lê Anh Tuấn, Huân quận công Đặng Đình Giám... Số người này giao xuống cho pháp đình xét hỏi và trị tội nặng. Nguyễn Công Cơ vì dám nói thẳng được thăng chức Thiếu bảo.

Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Thế Bá ghi rằng: Các trấn Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn hoặc uỷ thác cho viên quan ở trấn khác kiêm quản hoặc dùng bầy tôi thân cận để quản lính... chỉ theo tiện nghi mà khống chế bằng cách vắng mặt... Nếu cứ đóng ở trấn, ngộ có biến cố xảy ra thì làm thế nào xem xét quản cố được... Nghe xong, Trịnh Cương liền lệnh cho các quan trấn thủ và thừa ty, hiến ty ở các trấn biên giới phải đến làm việc ở lỵ sở của mình. Riêng ở Yên Quảng là nơi bãi biển xa xôi Trịnh Cương đã phái những viên quan có tài đến trấn giữ.

Năm 1713, Trịnh Cương đặt hai lưu trú ở hai trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa. Năm 1715, bổ dụng một viên quan giỏi là Nguyễn Công Hãng làm đốc trấn Cao Bằng. Những chủ trương đó của Trịnh Cương đã đạt kết quả tốt. Lưu thủ Yên Quảng là Văn Đình Nhâm đã đem quân dẹp yên bọn giặc biển ở đây. Năm 1722, thổ ty địa phương là Đèo Mỹ Lâm chiếm Lai Châu, đánh phá Châu Quỳnh Nhai, đốt nhà phá cửa của nhân dân và dựa vào thế lực của nhà Thanh để giữ đất, lưu thủ Hưng Hóa được lệnh chúa Trịnh Cương đem quân đến đánh dẹp. Đất Hưng Hóa trở nên yên ổn.

Lời bàn:

Lịch sử phong kiến ở Việt Nam cho thấy, các dòng họ cầm quyền thường chỉ có vua khai quốc và các thế hệ vua phải trải qua chiến tranh, trau rèn qua gian khổ mới có ý thức giữ gìn xã tắc. Còn con em các triều đại lớn lên trong cảnh đất nước đã thái bình, no đủ khi được nối ngôi thường sa vào hưởng lạc như Lý Cao Tông, Trần Dụ Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực và chính Trịnh Giang sau này đã mắc phải. Riêng với chúa Trịnh Cương thì khác, tuy được sinh ra và trưởng thành từ trong nhung lụa, không được trau rèn qua chiến trận nhưng vẫn không hề có biểu hiện xa hoa hưởng thụ, không có thái độ hống hách kiêu căng. Trái lại Trịnh Cương đã sớm tỏ ra là người chín chắn, tận tụy khi tiếp quản cơ nghiệp của Trịnh Căn và củng cố thêm nền cai trị ở Bắc Hà.

Theo các sử gia đương thời, với tư cách là người trực tiếp điều hành và quản lý đất nước, Trịnh Cương là người có ý chí, bản lĩnh, năng động và thực sự lo toan đến sự hưng vong của đất nước. Bên cạnh đó, ông còn được sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ trí thức quan lại đầy tâm huyết như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn... và nhờ đó mà Trịnh Cương đã tiến hành công cuộc cải cách hành chính khá toàn diện. Thế mới hay, lời nói của người xưa rằng "có vua sáng thì ắt có tôi hiền" quả là không sai. Mong rằng những người có chức sắc thời nay đừng ai quên điều này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem