Vì sao Bộ Công Thương đề xuất lập tổ liên ngành gỡ khó cho điện khí, điện gió ngoài khơi?

13/01/2024 06:54 GMT+7
Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ lập một tổ công tác liên ngành để tháo gỡ cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đang gặp khó khăn về cơ chế chính sách, nhiều dự án nằm chờ giá, cơ chế bao tiêu.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương các vướng mắc trong phát triển các dự án điện khí LNG, điện gió là "vấn đề rất mới, liên quan tới nhiều cấp có thẩm quyền, bộ ngành". Vì vậy, Bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập Tổ công tác liên ngành để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, sửa đổi các quy định đồng bộ, khả thi.

Vì sao Bộ Công Thương đề xuất lập tổ liên ngành gỡ khó cho điện khí, điện gió ngoài khơi?- Ảnh 1.

Nhiều dự án điện khí ngoài khơi đang trông chờ cơ chế ưu đãi về giá (Ảnh: EVN).

Theo Bộ Công Thương, các cơ chế vướng mắc cho điện khí hiện là thiếu cơ sở pháp lý để đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) có cam kết bao tiêu sản lượng dài hạn, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện.

Bên cạnh đó, hiện không có quy định về cam kết bao tiêu sản lượng tối thiểu với các nhà máy tham gia thị trường điện đối với điện khí LNG, hiện giá bán điện các dự án vẫn do EVN và nhà đầu tư đàm phán, thỏa thuận.

Về bảo lãnh nghĩa vụ của EVN với hợp đồng mua bán điện, theo Bộ Công Thương, đây là hợp đồng thương mại đơn thuần giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp, Chính phủ không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh này. Tức là, doanh nghiệp nhà nước phải tự chịu trách nhiệm trong phần vốn của mình như doanh nghiệp khác, theo Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết hiện không có cơ chế để Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh tỷ giá hối đoái cho nhà đầu tư, nên khó thực hiện bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ trong dự án điện khí.

Thực tế, do còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách đối với điện khí LNG nên rất nhiều dự án chậm được đàm phán hợp đồng mua bán điện, chậm đưa vào vận hành. Theo Bộ Công Thương từ nay đến hết năm 2030 chỉ có thêm 6 dự án vận hành trước 2030, với tổng công suất 6.600 MW.

Bên cạnh đó, để các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi kịp vận hành theo Quy hoạch điện VIII, các cơ chế vướng mắc liên quan tới các luật, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, và các văn bản hướng dẫn, cần cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, tháo gỡ.

Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất 23 dự án nhà máy điện khí đưa vào vận hành đến năm 2030 là hơn 30.420 MW, trong đó có 13 nhà máy sử dụng khí LNG, chiếm 74% tổng công suất. Hiện mới có Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã vận hành năm 2015, một dự án đang xây dựng là Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (1.624 MW). Còn lại 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (23.640 MW) và 3 đang chọn nhà đầu tư (4.500 MW).

Điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 6.000 MW vào 2030, theo Quy hoạch điện VIII. Song chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư.

Bộ Công Thương lo các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi sẽ khó kịp vận hành thương mại trước 2030. Bởi, triển khai dự án điện khí LNG thường mất 7-8 năm, điện gió ngoài khơi 6-8 năm, trong khi nhiều chính sách cho hai loại nguồn điện này chưa rõ ràng.

An Linh
Cùng chuyên mục