Vì sao giá vàng không còn tăng cùng chiều chứng khoán?
Kỳ vọng vào vaccine và liệu pháp chữa Covid-19 khiến chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục. Hôm 24/8, các chỉ số chứng khoán S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1% và 0,6% lên 3.431,28 điểm và 11.379,72 điểm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 và Nasdaq đã tăng 6,2% và 26,8%.
Trong khi đó, giá vàng không còn "chạy" cùng chiều chứng khoán. Giá vàng thế giới giao ngay hiện giao dịch quanh ngưỡng 1.935 USD/ounce, thua xa so với mức cao kỷ lục 2.075 USD/ounce đạt được trong tháng này.
Tín hiệu lạc quan của nền kinh tế
Trả lời Zing.vn, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), cho biết đồng USD tiếp tục tăng giá sau khi hãng IHS Markit công bố kết quả khảo sát chỉ số quản lý thu mua (PMI). Theo đó, các hoạt động kinh tế Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2019.
Kết quả này cho thấy các hãng sản xuất đang mở rộng hoạt động, trong khi khối dịch vụ chứng kiến doanh số tăng trở lại. "Triển vọng của giá kim loại quý vẫn lạc quan nhưng giá vàng dễ sụt giảm trong ngắn hạn nếu sức mạnh của đồng USD phục hồi", chuyên gia Moya giải thích.
Việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh Covid-19 để chữa trị cho các bệnh nhân cũng khiến chứng khoán tăng mạnh và vàng sụt giá. "Nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua sự hoài nghi của giới khoa học để mua cổ phiếu", ông Moya nhận định.
Giá kim loại quý hứng cú đòn khi giới đầu tư tin rằng các phương pháp điều trị và vaccine Covid-19 sẽ được đưa ra thị trường trong năm tới. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang xem xét sớm thông qua loại vaccine do AstraZeneca Plc và Đại học Oxford phát triển. Nhà Trắng đặt mục tiêu phân phối loại vaccine này ra thị trường trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.
Thêm vào đó, số ca mắc Covid-19 hàng ngày giảm cũng giúp triển vọng kinh tế Mỹ trở nên sáng sủa hơn. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc tại Mỹ ngày 23/8 giảm từ 44.572 xuống 34.567. Trước đó, số ca mắc hàng ngày tại Mỹ lên đến 50.000.
"Giá vàng đã bị đè nặng khi bắt đầu tuần giao dịch. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích thương mại vẫn còn nguyên do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với thị trường lao động và bất ổn kinh tế. Mối lo ngại về dịch Covid-19 sẽ tồn tại, đặc biệt khi mùa đông đến. Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus lây lan", ông Moya bình luận.
Theo nhà kinh tế học Paul Krugman, điều nguy hại là thị trường chứng khoán Mỹ đã bỏ qua việc nền kinh tế vẫn trong tình trạng nguy kịch, hàng triệu người Mỹ bị mất việc làm, các khoản trợ cấp thất nghiệp đã hết hạn. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Thị trường chứng khoán quá lạc quan?
Hồi cuối tuần, trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ "không cần phải làm ăn với Trung Quốc". Ông chủ Nhà Trắng khẳng định khả năng phân ly kinh tế có thể xảy ra nếu Trung Quốc không cư xử tốt với Mỹ.
Tuyên bố được đưa ra khi xung đột Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc dù hai bên đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi đầu năm. Trọng tâm của thỏa thuận là cam kết mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ của Trung Quốc trong năm 2020-2021. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định lời hứa mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ của Trung Quốc là "không thực tế".
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), tính theo số liệu xuất khẩu của Mỹ, Trung Quốc cần mua thêm 142,7 tỷ USD hàng hóa Mỹ vào cuối năm nay để đạt được mục tiêu của thỏa thuận thương mại. Chính quyền Tổng thống Trump cũng áp dụng sáng kiến "Mua hàng Mỹ" để thuyết phục doanh nghiệp Mỹ mở rộng chuỗi cung ứng trong nước và rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
"Các tài sản trú ẩn an toàn chưa tăng giá trở lại bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung. Nhưng điều đó dường như chỉ là tạm thời", ông Moya tại Oanda bình luận.
Có hai sự kiện lớn trong tuần này được các nhà đầu tư trên thị trường chú ý. Đó là việc Tổng thống Trump trở thành ứng viên đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống, và bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell ở hội nghị thường niên tại Jackson Hole.
Ông Gary Wagner tại TheGoldForecast.com nhận định đồng USD có thể suy yếu sau hội nghị này. "Khi quý vị tập hợp tất cả ngân hàng trung ương lớn lại, họ sẽ nhận ra sự cần thiết của một kế hoạch dài hạn. Thay vì nhìn vào nền kinh tế trong năm tới, họ nhìn xa ra cả thập kỷ", ông nhấn mạnh. Điều này có thể khiến đồng USD sụt giá và giá vàng tăng.
Theo ông Wagner, sự sụt giảm của giá vàng chỉ là ngắn hạn. "Thông thường, đà tăng kéo dài từ 100-150 USD, một đợt tăng giá mạnh sẽ vào khoảng 200 USD. Nhưng chúng ta đã chứng kiến giá vàng tăng 600 USD chỉ trong 4 tháng. Vì vậy, đối với tôi, việc giảm 200 USD chỉ là con số nhỏ. Tôi không xem đó là đợt điều chỉnh lớn", ông bình luận.
"Từ 6 tháng đến một năm nữa, giá vàng còn tăng hơn nhiều. Tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến giá kim loại quý tăng lên 2.200 USD/ounce hoặc 2.300 USD/ounce", chuyên gia tại TheGoldForecast.com dự báo.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của Bloomberg Intelligence, giá vàng có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce trong đợt tăng giá này. "Đà tăng của giá vàng sẽ tăng tốc nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô. Khi sức mạnh của đồng USD sụt giảm, giá kim loại quý hưởng lợi đáng kể", chiến lược gia Mike McGlone tại Bloomberg Intelligence viết trong bản báo cáo tháng 8.
"Giá kim loại quý chạm đáy ở mức 700 USD/ounce năm 2008 và đạt đỉnh 1.900 USD/ounce vào năm 2011. Mức tăng tương tự sẽ khiến giá vàng tăng từ mức đóng cửa thấp nhất 1.470 USD/ounce trong năm nay lên 4.000 USD năm 2023", ông McGlone nhận định.