Vì sao nhiều nông dân ở xã này của Hà Nam bỏ ruộng hoang, nhà nhiều bỏ cả mẫu, nhà ít bỏ một vài sào?

Chủ nhật, ngày 03/04/2022 18:45 PM (GMT+7)
Xã Bối Cầu (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) có khoảng 460 ha đất nông nghiệp, trong đó vụ xuân 2022 bà con nông dân bỏ hơn 50 ha không gieo cấy. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại, vận động, tuyên truyền bà con song không có chuyển biến.
Bình luận 0

Chỉ tay về phía khu ruộng bỏ hoang rộng cả chục ha, bà Chu Thị H. ở Thôn 3, xã Bối Cầu cho chúng tôi biết: Khu ruộng này năm nào cũng có vài chục hộ bỏ không cấy!. 

Có năm bà con bỏ một vụ cấy một vụ, hộ nhiều thì bỏ cả mẫu, hộ ít cũng một vài sào. Nhà tôi cũng có gần mẫu ruộng bỏ hoang. Nói thật với các chú cấy lúa bây giờ không hiệu quả mà vất vả lắm. Hơn nữa, khu ruộng nhà tôi cấy thuộc vùng trũng, lội ngập quá đầu gối, thuê máy người ta còn ngại làm. 

Nếu tính hiệu quả một sào lúa trừ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày, công cấy…chắc thu được vài trăm nghìn đồng, nên nhiều nhà có con em đi làm công ty, họ không thiết tha cấy ruộng.

Vì sao nhiều nông dân ở xã này của Hà Nam bỏ ruộng hoang, nhà nhiều bỏ cả mẫu, nhà ít bỏ một vài sào? - Ảnh 1.

Một khu ruộng ở xã Bối Cầu (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) bà con không gieo cấy.

Cũng giống như gia đình bà Chu Thị H., vụ xuân này ở xã Bối Cầu có khoảng hơn 100 hộ nông dân bỏ ruộng với diện tích khoảng hơn 50 ha. 

Mặc dù bỏ ruộng hoang, nhưng khi đến vụ các hộ khác trong vùng đặt vấn đề thuê  ruộng để gieo cấy, bà con lại không đồng ý. 

Trước tình trạng này, Đảng ủy, chính quyền xã đã nhiều lần đến vận động tuyên truyền bà con cấy hết phần diện tích ruộng được giao, nhưng các hộ vẫn không thực hiện. Có một số hộ cấy một vụ đủ thóc ăn cả năm, còn vụ thứ hai bỏ hoang ruộng.

Đồng chí Trần Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Bối Cầu cho biết: Tình trạng một số hộ dân bỏ ruộng ở xã Bối Cầu đã diễn ra nhiều năm. Đảng ủy, UBND xã đã trực tiếp làm việc với các hộ dân, tổ chức 3 lần đối thoại song các hộ nông dân đều đưa ra lý do cấy lúa không hiệu quả nên bỏ ruộng. 

Đảng ủy, UBND xã cũng đã thông báo cho bà con, nếu các hộ nhiều vụ liên tiếp không cấy địa phương sẽ đề nghị cấp trên thu lại ruộng. Tuy nhiên, nhiều hộ lại đối phó bằng cách bỏ một vụ cấy một vụ để lấy thóc ăn còn vụ thứ hai bỏ không cấy. UBND xã cũng đã tuyên truyền cho bà con không gieo cấy thì cho một số hộ trong thôn mượn hoặc thuê ruộng để cấy không lãng phí đất đai, nhưng bà con không đồng ý.

Theo báo cáo của UBND xã Bối Cầu, xã có 1.500 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu được giao 460 ha đất nông nghiệp. Vụ xuân năm nay, toàn xã có khoảng hơn 100 hộ dân bỏ khoảng hơn 50 ha ruộng, tập trung chủ yếu ở Thôn 3. Bà con bỏ ruộng cũng ảnh hưởng đến nguồn thu bổ sung ngân sách từ 80 ha đất 5% của xã.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết lao động ở xã Bối Cầu đi làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. 

Hơn nữa ở xã có chợ đầu mối gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chuyển sang buôn bán lợn, vận chuyển lợn thuê cho thương lái. Theo lý giải của các hộ dân, trung bình một tháng một công nhân đi làm thu nhập được 6-8 triệu đồng, bằng gieo cấy 4-5 sào lúa (chưa trừ chi phí), do vậy bà con không mặn mà với ruộng đồng.

Để quản lý quỹ đất nông nghiệp và nâng cao nguồn thu từ đất nông nghiệp, thiết nghĩ xã Bối Cầu cần tiếp tục có giải pháp tích tụ ruộng đất, vận động các hộ dân không cấy dồn ruộng ghép thành thửa lớn cho bà con thuê lại để gieo cấy, tránh tình trạng bỏ ruộng kéo dài gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý đất nông nghiệp.

Trần Hữu (Báo Hà Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem