Vì sao ông Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt?

PV (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 26/09/2020 13:31 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam tối 25/9 từng có nhiều thành tích. Ông đã dành được nhiều danh hiệu như Thày thuốc ưu tú, Thày thuốc nhân dân...
Bình luận 0

Quá trình công tác của ông Nguyễn Quốc Anh

Ông Nguyễn Quốc Anh (sinh ngày 1/9/1959, quê ở xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ông Quốc Anh có trình độ chuyên môn là tiến sĩ y học chuyên ngành Gây mê Hồi sức; Học hàm, học vị là Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học.

Trong quá trình công tác, ông Quốc Anh từng giữ các chức vụ: Giám đốc bệnh viện Bạch Mai; Hiệu trưởng trường Cao Đẳng y tế Bạch Mai; Phó trưởng Bộ môn Gây mê Hồi sức trường Đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa Gây mê Hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai.

Vì sao ông Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Anh khi còn là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Từ năm 1977 đến năm 2012, ông Quốc Anh liên tục học tập, làm việc để nâng cao trình độ chuyên môn. Từ sinh viên Đại học Y Hà Nội đến Bác sĩ chuyên khoa I tại Đại học Y Hà Nội đến Bác sĩ chuyên khoa II tại trường Đại học Y Hà Nội đến nghiên cứu sinh tại trường Đại học Y Hà Nội. Đến năm 2012, ông trở thành Phó Giáo sư y học.

Về quá trình công tác:

09/1983-12/1986: Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia (mặt trận 479) chức vụ Trung úy, thương binh hạng 2/4.

01/1987-04/1994: Bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai.

05/1994 – 08/1998: Chuyên viên phòng Tổ chức Cán bộ, Bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai.

09/1998 – 01/2001: Phó trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai.

02/2001 – 06/2003: Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, P. trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Bệnh viện Bạch Mai.

07/2003 – 01/2007: Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Bệnh viện Bạch Mai.

02/2007 – 03/2008: Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức.

04/2008 -  07/2009: Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Phụ trách Viện Sức Khỏe tâm thần.

08/2009 - nay: Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai.

Tháng 02/2011 - nay: Phó trưởng Bộ môn Gây mê Hồi sức Trường Đại học Y Hà Nội.

Tháng 03/2011 - nay: Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ (2011-2016).

Tháng 01/2013 – nay: Phó Chủ nhiệm khoa Y – Dược trường Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Tháng 01/2015 – nay: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai.

Trong những năm công tác, cống hiến cho ngành Y Việt Nam, ông Quốc Anh đã đạt được không ít thành tích.

Ông đã từng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, Huân chương lao động hạng nhì năm 2011.

Năm 2008, ông giành danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú". Năm 2014, ông giành danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân".

Ông Quốc Anh giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đến tháng 11/2019 thì chính thức nghỉ hưu hưởng chế độ.

Vì sao ông Nguyễn Quốc Anh bị bắt?

Tối 25/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, và bà Trịnh Thị Thuận, sinh ngày 20/02/1974 tại Thanh Hóa, Kế toán trưởng; Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai để điều tra về tội danh như nêu trên.

Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, báo chí đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công an, thông tin rõ hơn vụ án Cơ quan điều tra vừa khởi tố 3 bị can vì dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của người bệnh, xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số công ty.

Vì sao ông Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt - Ảnh 2.

Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Kết quả điều tra bước đầu, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, có một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận, hệ thống này được nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (bao gồm cả VAT), tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng khống giá lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.

Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca.

"Trong các năm từ 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỷ đồng", Thiếu tướng Xô thông tin.

Ngày 31/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan. 

Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty VFS). Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ông Nguyễn Quốc Anh đã nói gì về vụ thổi giá thiết bị y tế?

Trước đó, trả lời báo VTC, ông Nguyễn Quốc Anh, cho hay đúng là năm 2017 (khi ông Nguyễn Quốc Anh còn là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) đơn vị có đưa 2 thiết bị robot Rosa và robot Mako của BMS về sử dụng với giá lần lượt là 39 và 44 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Quốc Anh khẳng định không có "lợi ích nhóm" hay "lợi ích cá nhân" nào ở Bệnh viện Bạch Mai và cũng "không ai được hưởng xu nào" trong việc trên.

"Ngay cả tiền khấu hao máy công ty BMS cũng thu về chứ không có chuyện bệnh viện chia chác. Chúng tôi không hề biết giá thiết bị được nhập về được nâng khống. Vụ việc này xảy ra, chúng tôi cũng rất buồn. Nhưng bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân", ông Quốc Anh nói.

Về việc thẩm định giá, Bệnh viện Bạch Mai lúc đó đã thuê đơn vị thẩm định và làm đúng theo quy định. Mức giá mà BMS đưa ra trên giấy tờ với robot Rosa là 39 tỷ, lúc báo giá với bệnh viện cũng là 39 tỷ. Bệnh viện Bạch Mai cũng thuê đơn vị thẩm định theo thông tư 15 của Bộ Y tế.

Về robot Mako, đây là thiết bị xã hội hóa được BMS đầu tư 100%. Bệnh viện căn cứ vào các chứng từ thẩm định giá để tạo nên giá thành và xây dựng giá điều trị cho bệnh nhân sau này chứ không có chuyện "lợi ích nhóm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem