Vicem thu về bao nhiêu từ khoản đầu tư vào VietCredit?

Huyền Anh Thứ hai, ngày 06/03/2023 06:30 AM (GMT+7)
Ra đời vào đúng thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng Công ty CP Tài chính xi măng (CFC - hiện là VietCredit) vẫn phát triển và đạt kết quả đáng ghi nhận. Điều đáng nói ở đây, các khoản đầu tư của các cổ đông vẫn đều đặn có lãi.
Bình luận 0

Theo chủ trương của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch. Việc thoái vốn phải hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất.

Thời gian qua, mặc dù việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành gặp nhiều vướng mắc, song vẫn không ít doanh nghiệp đã thoái vốn thành công trên phương diện bảo toàn vốn nhà nước.

Ví dụ như thương vụ thoái vốn của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) tại CTCP Tài chính xi măng (CFC) – nay là VietCredit (Công ty tài chính cổ phần Tín Việt – mã cổ phiếu TIN).

Vicem thu về bao nhiêu từ khoản đầu tư vào VietCredit? - Ảnh 1.

Vicem thoái toàn bộ vốn tại Vietcredit theo đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.

Vượt qua khủng hoảng, thoái vốn lần 1 thu về hơn 165 tỷ đồng

Được thành lập vào cuối tháng 5/2008, VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) có vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Trong số đó, Vicem là cổ đông sáng lập góp 120 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 40%.

Các cổ đông lớn khác là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) với tỷ lệ vốn góp lần lượt là 11% và 10,5%.

Vicem thu về bao nhiêu từ khoản đầu tư vào VietCredit? - Ảnh 2.

Sau 2 năm thành lập, vốn điều lệ của VietCredit tăng lên trên 600 tỷ đồng và Vicem vẫn là cổ đông sáng lập có số vốn góp lớn nhất với 240 tỷ đồng (tỷ lệ 39,7%).

Dù "sinh ra" trong những năm kinh tế gặp khủng hoảng, nhưng với sự trợ lực của 3 cổ đông lớn, VietCredit vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong giai đoạn này.

Cụ thể, từ con số lợi nhuận trước thuế chỉ 24 tỷ đồng (năm 2008), đến năm 2010 lợi nhuận của VietCredit đạt mức 3 con số, cụ thể đạt 108 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng đạt lần lượt 17 tỷ đồng, 61 tỷ đồng và 81 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tỷ lệ chia cổ tức duy trì từ 8 % - 15%/năm.

Dù vậy, theo chủ trương của Chính phủ và được sự cho phép của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1840/BXD-QLDN ngày 19/8/2015, Vicem đã thoái vốn lần 1 tại VietCredit, với giá trị vốn góp là 144,92 tỷ đồng tương ứng với 14.926.000 cổ phiếu.

Tại thời điểm đó, giá bán là 11.100 đồng/cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng). Kết quả, Vicem thu về tổng giá trị 165,68 tỷ đồng, con số tăng 11,1 % so với vốn đầu tư ban đầu.

Giá nào cho thương vụ thoái vốn toàn bộ của Vicem?

Sau thương vụ thoái vốn lần 1, số lượng cổ phần Vicem đang nắm giữ là 10.034.732 cổ phần (tương ứng 100,34 tỷ đồng vốn góp của Vicem).

Ngày 17/05/2022, Hội đồng thành viên Vicem đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép thoái toàn bộ phần vốn của Vicem tại CFC (nay là VietCredit). Chủ trương thoái vốn này phù hợp với Đề án tái cơ cấu Vicem của Bộ Xây dựng. Do đó, ngày 28/6/2022, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2332/BXD - QLDN chấp thuận chủ trương chuyển nhượng vốn đầu tư của Vicem tại Vietcredit theo đề nghị của Vicem.

Ngày 26/7/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Văn bản số 5139/NHNN-TTGSNH chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của VietCredit do Vicem sở hữu.

Vicem thực hiện các thủ tục để thoái phần vốn của Vicem tại VietCredit theo phương pháp đấu giá công khai, thông thường tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Hiện nay giá cổ phiếu TIN của VietCredit đang đứng quanh mức 10.000 đồng/cp (chốt phiên giao dịch 3/3). Nếu ước tính theo mức giá này, lô cổ phiếu Vicem chuyển nhượng tương ứng 100,34 tỷ đồng. Như vậy, 2 lần thoái vốn số tiền Vicem thu về là gần 270 tỷ đồng (theo thị giá hiện tại), cao hơn vốn góp 240 tỷ đồng.

Tất nhiên, đây là phương án bán trực tiếp trên sàn, còn nếu tính theo phương án định giá bán đấu giá hoặc thỏa thuận thì số vốn thu về cao hơn gấp nhiều lần.

Được biết, Công ty TNHH Tư vấn và kiểm toán quốc tế thẩm định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá số 0219/2022/ĐG-AC với giá trị 64.026 đồng/cổ phần. Với mức giá này, việc thoái vốn lần 2 với hơn 10 triệu cổ phiếu, Vicem dự định thu về hơn 642 tỷ đồng. Với mức giá này, tổng cộng Vicem ước thu về gần 810 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần vốn góp của Vicem tại Vietcredit.

Vicem thu về bao nhiêu từ khoản đầu tư vào VietCredit? - Ảnh 4.

Không chỉ Vicem, cổ đông sáng lập là Vietcombank cũng đã phải thoái toàn bộ vốn tại VietCredit theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Đến nay, dù cơ cấu cổ đông của VietCredit đã có nhiều thay đổi, song VietCredit vẫn là công ty hoạt động hiệu quả.

Theo thống kê của Dân Việt, thu nhập lãi thuần của VietCredit liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, đạt 1.315 tỷ đồng trong năm 2022, gấp 4,6 lần so với năm 2019, trong khi lợi nhuận trước thuế gấp 5,4 lần.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VietCredit ghi nhận hơn 6.535 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 850 tỷ đồng (báo cáo tài chính năm 2022).

Được biết, sau hơn 4 năm phát triển và kinh doanh thẻ tín dụng nội địa, đến hiện tại, VietCredit chiếm thị phần lớn nhất trong mảng thẻ tín dụng nội địa, với việc phát hành được hơn 400.000 thẻ tín dụng nội địa trên toàn quốc. Điều này đã đánh dấu bước phát triển mới của công ty trong việc cung cấp các giải pháp tài chính hiện đại, an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, góp phần kích cầu thị trường tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem