Việt Nam làm gì để khai thác hiệu quả 2 triệu tấn đất hiếm mỗi năm?

25/08/2023 17:22 GMT+7
Theo quy hoạch, từ 2021- 2030 và tầm nhìn 2050, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn đất hiếm nguyên khai mỗi năm. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay là việc khai thác có hiệu quả nguồn lực này ra sao?

Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa khảo sát, trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương, trong đó có việc cấp phép, quản lý khai thác đất hiếm.

Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho thấy, đây là địa phương có tiềm năng đất hiếm rất lớn (đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản), với tổng diện tích mỏ là 2.779,4 ha. Tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn.

Việt Nam làm gì để khai thác hiệu quả 2 triệu tấn đất hiếm mỗi năm? - Ảnh 1.

Theo quy hoạch, tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 sẽ đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ công bố năm 2022, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn; chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Chính phủ, thời gian này Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Các đề án thăm dò được chấp thuận tại Lai Châu, ngoài ra còn ở một số mỏ có nhiều tiềm năng. Giai đoạn từ 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai.

Theo quy hoạch, tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 sẽ đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Thực tế, công nghiệp đất hiếm có tiềm năng rất lớn và thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đối tác lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, để đủ sức khai thác tài nguyên, chế biến sâu, Việt Nam cần mục tiêu khai thác bền vững, tạo giá trị gia tăng.

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vừa qua Nhật Bản, EU, Mỹ đều tuyên bố sẽ hợp tác với Việt Nam đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ đất hiếm và sau đất hiếm như bán dẫn, pin.

Thế giới đua nhau làm chất bán dẫn, rất nhiều sản phẩm ô tô, máy bay, hàng điện tử cần đất hiếm. Cuộc chiến tranh về đất hiếm hiện nay trên thế giới, Trung Quốc nắm đằng chuôi vì có 44 triệu tấn đất hiếm - đứng đầu thế giới, cung cấp 220 nghìn tấn đất hiếm một năm.

Trong chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đất hiếm là nhân tố quan trọng nhất, vì ai nắm được đất hiếm thì nắm được lợi thế công nghệ tương lai như chất bán dẫn, pin, xe điện, máy bay, sản phẩm điện tử khác.

Vì vậy, việc Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm sẽ là lợi thế rất lớn trong việc phát triển, đón đầu công nghệ tương lai.

Ông Mại tính toán, Việt Nam đã khai thác đất hiếm 10 năm nhưng quy mô nhỏ, mỗi năm chỉ xuất khẩu hơn 4.000 tấn đất hiếm, thu về 200 triệu USD.

Nếu Việt Nam sản xuất được một lượng đất hiếm hàng năm như Trung Quốc là 220 nghìn tấn, với thời gian một mỏ khai thác hàng trăm năm, thì số tiền thu được về Việt Nam có thể lên tới lên tới mười mấy tỷ USD mỗi năm.

"Có thể nói, chúng ta đang nắm bảo bối trở thành cường quốc về bán dẫn, pin, công nghệ tương lai", ông Mại chia sẻ.

Theo giới phân tích, tiềm năng đất hiếm tại tỉnh Lai Châu là rất quan trọng. Việc phát triển công nghiệp và công nghệ liên quan đến đất hiếm có thể mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế địa phương, tạo việc làm và đóng góp vào sự đa dạng hóa kinh tế tỉnh Lai Châu.

Hiện, hai cái tên khai thác đất hiếm tại Việt Nam được nhắc tới là Star Group Industrial (SGI - Hàn Quốc) và Baotou INST Magnetic (Trung Quốc). Cụ thể, SGI đang đầu tư 80 triệu USD vào một nhà máy mới tại Việt Nam. Công ty này cho biết họ lấy phần lớn đất hiếm từ Trung Quốc nhưng đang tìm kiếm nguồn thay thế ở Việt Nam và Australia, đồng thời có kế hoạch phát triển một cơ sở chế biến tại Việt Nam. Còn Baotou INST Magnetic dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng tới tại một nhà máy thuê ở phía Bắc Việt Nam.

An Linh
Cùng chuyên mục