Việt Nam sẽ xuất khẩu được thêm 4 triệu tấn gạo?

Ngọc Minh Thứ năm, ngày 12/11/2015 17:06 PM (GMT+7)
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu hiện nay 12 nước trong khối tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sản xuất hàng năm khoảng 113,7 triệu tấn lúa mỳ và 403 triệu tấn các loại ngũ cốc khác, thì sản lượng gạo chỉ đạt 45,3 triệu tấn, chiếm 8% trong cơ cấu sản xuất lương thực của khối này (trong đó VN chiếm gần 60%). Chính vì thế, nhu cầu nhập khẩu gạo trong khối này luôn tăng trong 10 năm qua.
Bình luận 0

Các số liệu thống kê của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cho thấy, 10 năm trước sản lượng gạo nhập khẩu của 11 quốc gia trong khối TPP (trừ VN) là 3,1 triệu tấn. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên là 4,7 triệu tấn, chiếm 11,7% trong tổng khối lượng gạo nhập khẩu của thế giới và gần bằng ¾ tổng khối lượng gạo xuất khẩu của VN.

img

Nông dân phơi lúa để tự làm giống tại huyện Châu Thành, An Giang. Ảnh: TH

Như vậy, trong điều kiện nhập khẩu với nhiều ưu đãi hơn so với bên ngoài khối TPP thì đây rõ ràng là cơ hội vàng cho gạo VN “ghi điểm”, gia tăng lượng gạo xuất khẩu vào khối này. Bởi hiện nay VN chỉ mới xuất khẩu có 760.000 tấn vào khối này trong năm 2014, trong khi nhu cầu tới 4,7 triệu tấn, tức vẫn còn tiềm năng gần 4 triệu tấn cho gạo VN.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, mặc dù đây là cơ hội vàng nhưng với cung cách sản xuất hiện nay của ngành nông nghiệp thì VN vẫn sẽ khó nắm bắt được được cơ hội này. “Bởi gạo của VN hiện nay vẫn chưa có thương hiệu, không thuần loại, không truy xuất được nguồn gốc và đặc biệt không kiểm soát được dư lượng hóa chất” – TS Nguyễn Đình Bích, chuyên gia ngành lúa gạo, chỉ ra nguyên nhân.

Theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tập trung vào việc tăng quy mô sản xuất lớn cho nông dân, hướng tới sản xuất bền vững, sản xuất sạch, nâng cao chất lượng hạt gạo nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu cho lúa gạo VN.

Bên cạnh các mục tiêu cải cách của Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, TS Nguyễn Đình Bích cũng chỉ ra những thị trường “ngách” nhỏ mà doanh nghiệp có thể tận dụng để “ghi bàn”. Đó chính là thị trường các loại gạo chức năng, gạo hữu cơ, gạo thảo dược… “Gạo hữu cơ xuất khẩu qua Mỹ của một doanh nghiệp ở Bạc Liêu đang có giá tới 800 USD/tấn, cao gấp 2 lần gạo thường hiện nay, mà việc sản xuất loại gạo này đang rất có triển vọng” – TS Bích cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem