Việt Nam thành mảnh đất màu mỡ hút đầu tư giữa thương chiến Mỹ Trung

29/08/2019 09:19 GMT+7
“Có nhiều dư địa cho các công ty tài chính tại Việt Nam trong thời gian tới. Doanh nghiệp sản xuất nước ngoài chuyển hướng sang Việt Nam sẽ cần dịch vụ tài chính - tín dụng.”

Một nhà máy may mặc tại Bắc Ninh

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung kéo dài đang góp phần tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam nổi lên như một mảnh đất màu mỡ thu hút dòng vốn đầu tư - nhận định của giám đốc điều hành cấp cao tập đoàn đầu tư tài chính General Atlantic.

“Khi Doanh nghiệp Mỹ lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành kẻ hưởng lợi” - Sandeep Naik, CEO - chuyên gia phân tích Đông Nam Á tại General Atlantic trả lời tờ CNBC hôm 27.8. “Nếu bạn nhìn vào một số lĩnh vực như sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hóa chất…, bạn sẽ nhận thấy một lượng lớn các cơ hội đầu tư, dây chuyền sản xuất đang dịch chuyển sang Việt Nam”. Cộng đồng nhà đầu tư quốc tế đang theo dõi chặt chẽ dòng FDI vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư mới trong khu vực, ông Sandeep Naik cho biết thêm. 

General Atlantic hiện quản lý khoảng 35 tỷ USD tài sản đầu tư, chủ yếu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tiềm năng trong 4 lĩnh vực chính gồm tiêu dùng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và công nghệ.

“Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một điểm đầu tư rất thú vị, đầy tiềm năng. Hàng loạt nhà máy đang rời bỏ Trung Quốc, tìm đến Việt Nam để tránh mức thuế quan lên đến 30% từ Mỹ. Nhiều việc làm được tạo ra, thúc đẩy thu nhập khả dụng của người lao động Việt Nam tăng lên, theo đó kích thích chi tiêu tiêu dùng”. 

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam được nhận xét là nước hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại. Hồi tháng 6, các nhà phân tích Nomura đã chỉ ra kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện thoại, nội thất, máy xử lý dữ liệu...của nước ta sang Mỹ đã tăng vọt do chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung buộc các nhà nhập khẩu Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế. Thêm vào đó, dòng chảy thương mại chuyển hướng cũng đem về cho Việt Nam dòng vốn đầu tư dồi dào.

CEO General Atlantic nhìn nhận cơ hội trên thị trường Việt Nam ở một khía cạnh hoàn toàn khác. “Có nhiều dư địa cho các công ty tài chính tại Việt Nam trong thời gian tới. Doanh nghiệp sản xuất nước ngoài chuyển hướng sang Việt Nam sẽ cần dịch vụ tài chính - tín dụng.” Có vẻ, như General Atlantic đang xem xét cơ hội đầu tư vào mảng tài chính tín dụng của Việt Nam, dù chưa chính thức gọi tên một công ty nào cụ thể.

Sandeep Naik cũng dùng từ “cánh cửa đang mở rộng” để nói về thị trường Việt Nam cũng như những khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong thời điểm này. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ không ngừng cải thiện các chính sách thu hút đầu tư, cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước và tạo điều kiện cho Doanh nghiệp nước ngoài rót vốn FDI vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, mọi vấn đề luôn có hai mặt của nó. Nhiều nhà phân tích quốc tế cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh Doanh Mỹ - ASEAN chia sẻ với CNBC rằng thị trường lao động của Việt Nam đang có nguy cơ thiếu hụt khi các nhà máy nước ngoài ồ ạt đổ vào. Các yếu tố cơ sở hạ tầng, văn hóa quốc gia, đặc thù vùng miền địa phương...cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Thêm vào đó, các thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng khác như Thái Lan, Indonesia...cũng sẽ trở thành môi trường thu hút đầu tư khiến các nhà đầu tư cân nhắc.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục