Việt Nam xuất siêu gần 21 tỷ USD

14/10/2024 16:00 GMT+7
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính hết tháng 9/2024, Việt Nam duy trì đà tăng của xuất khẩu với kim ngạch hơn 299,63 tỷ USD, nhập khẩu hơn 278,84 tỷ USD, xuất siêu gần 21 tỷ USD.

Cán cân thương mại tháng trong 9 tháng năm 2024 tiếp tục thặng dư khoảng 20,79 tỷ USD, mức này giảm 1,3 tỷ USD so với xuất siêu cùng kỳ năm trước (xuất siêu 22,1 tỷ USD).

Đáng nói, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu 17,38 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu gần 21 tỷ USD - Ảnh 1.

Việt Nam xuất siêu hơn 20 tỷ USD dù trong hoàn cảnh nhiều khó khăn

Về thị trường xuất khẩu, xuất siêu, Hoa Kỳ là thị trường Việt Nam xuất siêu lớn nhất, ước đạt 78,5 tỷ USD tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 28,8%.

Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%.

Qua đó cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong 9 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).

Về nhập khẩu, trong 9 tháng năm 2024 có 40 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45%).

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024 nên cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 248 tỷ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sơ bộ đạt 79,1 tỷ USD, tăng tới 25,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 1,5%); tiếp đến là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt tỷ 35,4 tỷ USD, tăng 16,6% (cùng kỳ năm trước giảm 11,1%).

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng khá cao như: thép các loại tăng 18,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,1%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 18,3%; vải các loại tăng 14,3%.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 9 tháng sơ bộ đạt gần 15 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 19,6%; Chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh tăng 17,1% và rau quả tăng 14%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch sơ bộ đạt 105 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng tới 32,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 13,6%).

Đứng thứ 2 là Hàn Quốc ước đạt 41,46 tỷ USD, tăng 8,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 20,1%); ASEAN đạt 33,8 tỷ USD, tăng 12,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,5%); Nhật Bản đạt 16 tỷ USD, tăng 2,4%; EU đạt 12,2 tỷ USD, tăng 9,8%; Hoa Kỳ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 6,2%.


An Linh
Cùng chuyên mục