VietinBank: Lợi nhuận có thể ra đi nhưng vốn thì ở lại
Trong hơn một tuần qua, thị trường liên tiếp đón các thông tin đáng chú ý, liên quan đến cơ chế tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước chi phối.
Trước hết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121 sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Hướng điều chỉnh chính sách trên chính thức mở ra cơ chế tăng vốn cho Vietcombank, Vietinbank và BIDV, sau hành trình khoảng 5 năm với hàng chục lần đề xuất, họp bàn về việc được trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngay sau Nghị định 121 ban hành, VietinBank có thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018, 2019.
Như vậy, sau nhiều năm dồn nén và ngột ngạt với không gian tăng vốn, dự kiến VietinBank sẽ sớm có sự bùng nổ khi giải phóng nguồn lực tích tụ cổ tức những năm nói trên, có được không gian mới cần thiết cho tăng trưởng các hoạt động.
Tuy nhiên, trong một số phân tích đầu tư trên thị trường chứng khoán, một số góc nhìn, quan điểm xem hướng chuyển động đó không mấy thay đổi. Nguyên do, nguồn tiền tại VietinBank vẫn vậy, Nhà nước không bơm thêm đồng nào; tiền chỉ từ khoản mục nọ sang khoản mục kia mà thôi chứ không có thêm nguồn lực mới để thúc đẩy như phát hành thêm, Nhà nước trực tiếp bơm thêm vốn…
Về tổng quan, đúng là quy mô vốn chủ sở hữu của VietinBank tới đây dự kiến vẫn chẳng tăng lên nhờ mở cơ chế nói trên, thậm chí có thể giảm đi nếu có phần trả cổ tức bằng tiền. Nhưng, cấu trúc vốn và không gian tăng trưởng sẽ hoàn toàn thay đổi.
Trên sổ sách, đến 30/6/2020, trong cơ cấu vốn chủ sở hữu VietinBank có khoản mục lớn “Lợi nhuận chưa phân phối” lên tới hơn 23.579 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tích tụ những năm qua khi chưa trả cổ tức.
Như góc nhìn và quan điểm trên, khi được trả cổ tức bằng cổ phiếu theo cơ chế mới, nguồn lực này dịch chuyển sang thành vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của ngân hàng không tăng thêm đồng nào. Nhưng, trước hết, khi được trả cổ tức bằng cổ phiếu, nguồn lực đó được giữ lại thay vì ra đi khi phải nộp về ngân sách qua cổ tức bằng tiền mặt.
Thứ nữa, “Lợi nhuận chưa phân phối” khác với “Lợi nhuận được giữ lại”, nguồn lực trên thời gian qua không phải là vốn tự có, dù vẫn nằm trong vốn chủ sở hữu, khi xét đến việc dùng để kê cho tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khi tính toán.
Cũng vì đặc điểm trên, dù VietinBank có nguồn lực lớn tích lũy ba năm qua ở “Lợi nhuận chưa phân phối” nhưng tỷ lệ CAR vẫn không thể đảm bảo theo Basel II, mà qua đó hạn chế các không gian tăng trưởng hoạt động, nhất là về tín dụng.
Nay, với cơ chế mới, hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu mở ra, sự dịch chuyển nguồn lực đó vào ổn định ở vốn điều lệ, vững chắc trong vốn tự có để tính và nâng CAR. Thay vì lợi nhuận có thể phải ra đi qua trả cổ tức bằng tiền, nó ở lại gia cố nền tảng, CAR được cải thiện.
Lãnh đạo cấp cao của VietinBank cũng khẳng định với BizLIVE rằng, thời gian qua ngân hàng đã chuẩn bị và sẵn sàng cho việc áp dụng Basel II toàn diện, còn lại chỉ là yêu cầu về vốn.
“Lợi nhuận chưa phân phối khác với lợi nhuận được giữ lại, nên khi được mở cơ chế cho trả cổ tức bằng cổ phiếu, nguồn lợi nhuận chưa phân phối sẽ trở thành vốn tự có, bổ sung để đáp ứng yêu cầu về CAR. Và dự kiến khi được thực hiện CAR của VietinBank sẽ đáp ứng yêu cầu, đệm cao hơn một mức nhất định so với yêu cầu của Thông tư 41, cũng như áp dụng toàn diện Basel II, tạo điều kiện tăng trưởng hoạt động”, đại diện lãnh đạo VietinBank dự tính.
Và không chỉ VietinBank, cơ chế mới của Chính phủ đã mở ra cơ hội và hướng chung cho các thành viên khác, như Vietcombank, BIDV và Agribank sau cổ phần hóa. Đây là cơ sở pháp lý mở ra hướng linh hoạt cho các ngân hàng: sau này, khi có lợi nhuận, họ có thể được linh hoạt hơn trong chi trả cổ tức, một phần bằng tiền mặt, một phần bằng cổ phiếu để gia tăng được vốn điều lệ thay vì mắc kẹt nhiều năm qua.