Với 38,8 triệu, MBBank vượt Vietcombank thành ngân hàng trả lương cao nhất?

30/01/2020 06:38 GMT+7
Với mức chi trả 38,8 triệu đồng/người/tháng, liệu MBBank đã vượt qua Vietcombank để trở thành ngân hàng nội trả lương cao nhất Việt Nam?

Suýt vượt Vietcombank

Lương ngân hàng luôn là chủ đề được quan tâm nhất trên thị trường lao động. Trong đó, ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam (không bao gồm các ngân hàng ngoại) cũng là tâm điểm. Vị trí này thường xuyên thuộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Năm 2019, Vietcombank đã dành 7.619 tỷ đồng cho 18.408 nhân sự. Trung bình, mỗi người lao động của ngân hàng nhận 414 triệu đồng/người/năm, tương đương 34,5 triệu đồng/người/tháng. Dù giảm so với năm ngoái nhưng cho tới thời điểm này, thù lao tại Vietcombank vẫn cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình có thể khác đi khi Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) công bố báo cáo tài chính quý 4/2019. Thu nhập tại MBBank không những được cải thiện mà còn suýt cạnh tranh vị trí quán quân với Vietcombank.

Với 38,8 triệu, MBBank vượt Vietcombank thành ngân hàng trả lương cao nhất? - Ảnh 1.

Với 38,8 triệu, MBBank vượt Vietcombank thành ngân hàng trả lương cao nhất?

Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý 4/2019 của MBBank, tại thời điểm cuối năm 2019, MBBank có 9.783 người, tăng 886 người so với cuối năm 2018. Chi cho nhân viên là 4.558 tỷ đồng, tăng mạnh so với 3.710 tỷ đồng năm 2018.

Như vậy, trung bình, mỗi nhân viên được trả 466 triệu đồng/người/năm, tương đương 38,8 triệu đồng/người/tháng, tăng so với những con số 417 triệu đồng/người/năm, tương đương 34,7 triệu đồng/người/tháng của năm 2018.

Với con số 38,8 triệu đồng/người/tháng, thù lao tại MBBank lớn hơn con số 34,5 triệu đồng/người/tháng của Vietcombank. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là hai số liệu khác nhau.

Trong khi tất cả các ngân hàng còn lại đều công bố cụ thể chi lương và phụ cấp thì MBBank lại chỉ tiết lộ chi phí cho nhân viên (bao gồm cả bảo hiểm, kinh phí công đoàn và phụ cấp khác). Vì vậy, 38,8 triệu đồng/người/tháng kể trên đã bao gồm bảo hiểm và nhiều khoản chi khác.

Số tiền thực lĩnh mà mỗi nhân viên MBBank nhận được trong năm 2019 là 33,93 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,03 triệu đồng/người/tháng so với năm 2018. 33,93 triệu đồng là con số rất cao. Nhiều khả năng MBBank sẽ lọt vào Top 3 các ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam.

Lợi nhuận kỷ lục

Cùng với các ông lớn ngân hàng như Vietcomnbank, BIDV, VietinBank,… Ngân hàng TMCP Quân đội cũng ghi tên mình vào danh sách các đơn vị lập kỷ lục về lợi nhuận trong năm 2019.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019, lợi nhuận sau thuế quý 4/2019 của MBBank đạt 1.927 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 1.389 tỷ đồng của quý 4/2018, lũy kế cả năm 2019 đạt 8.069 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng, tương đương 30,4% so với năm 2018.

Với 7.823 tỷ đồng, MBBank đã đạt mức lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử. Trong các năm 2015, 2016, 2017 và 2018, các khoản lãi của ngân hàng "chỉ" là 2.496 tỷ đồng, 2.855 tỷ đồng, 3.461 tỷ đồng và 6.113 tỷ đồng.

Lợi nhuận của MBBank tăng trưởng tốt khi các chỉ tiêu kinh doanh chính là cho vay khách hàng và huy động vốn đều có những bước tiến đáng kể.

Tại thời điểm 31/12/2019, cho vay khách hàng đạt 250.331 tỷ đồng, tăng 35.645 tỷ đồng, tương đương 16,6% số liệu hồi đầu năm. Mặc dù tăng trưởng tín dụng dương nhưng nợ xấu tại MBBank lại đi lùi.

Tổng nợ xấu của MBBank đạt 2.897 tỷ đồng, chiếm 1,16% tổng dư nợ tín dụng. Tại thời điểm cuối năm 2018, những con số này lần lượt là 2.860 tỷ đồng, tương đương 1,33%.

Giá cổ phiếu tăng khiêm tốn

Trong những ngày đầu năm 2020, cổ phiếu ngân hàng "tạo sóng". MBB của MBBank cũng tăng nhưng đà tăng khiêm tốn hơn so với các "đối thủ" như BID của BIDV, VPB của VPBank,....

Đóng cửa ngày 22/1/2020, phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, MBB dừng ở mức 22.400 đồng/CP, tăng 1.600 đồng/CP, tương ứng 7,7% so với ngày 31/12/2019. Như vậy, vốn hóa thị trường MBBAnk có thêm 3.796 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng 9.350 đồng/CP, tương ứng 20,3% lên 55.500 đồng/CP. Đây là mức giá cao nhất lịch sử của BID. Nhờ vậy, vốn hóa thị trường BIDV có thêm 37.060 tỷ đồng.

Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) tăng 3.600 đồng/CP, tương ứng 18% lên 23.600 đồng/CP. VPB giúp vốn hóa thị trường VPBank tăng 8.844 tỷ đồng.

Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng 4.700 đồng/CP, tương ứng 22,5% lên 25.600 đồng/CP. Nhờ CTG, vốn hóa thị trường VietinBank có thêm 17.498 tỷ đồng.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục