Vốn FDI đăng ký vào bất động sản TP HCM tăng 82%
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/6, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào bất động sản (BĐS) đã giảm tới 76%, chỉ còn 1,32 tỷ USD. Dù BĐS vẫn chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đầu tư, đạt 7,2%, so với cùng kỳ năm trước, mức cũng giảm đã tới 20%.
Ngược lại, tại TP HCM, bất động sản vẫn dẫn đầu vốn đăng ký với giá trị gần 226 triệu USD, chiếm tỷ trọng 42,7% vốn dự án cấp mới. Giá trị này cũng đã tăng 82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 14,8% về tỷ trọng, theo Cục Thống kê TP HCM.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) lo ngại sự sụt giảm quy mô và nguồn cung dự án, sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội trong nửa đầu năm.
HoREA thống kê chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất công nhận chủ đầu tư, giảm 84% cùng kỳ. Số này tương đương 924 căn hộ.
Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND TP HCM chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 82% cùng kỳ. Trong đó, 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, giảm 29%. Căn hộ cao cấp giảm 44% còn 2.227 căn; căn hộ bình dân giảm 35% còn 1.249 căn.
Sự sụt giảm của thị trường bất động sản tác động đến nguồn thu ngân sách thành phố. Tiền thu ngân sách 6 tháng chưa đạt 50% kế hoạch. Số tiền thu sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm giảm 60%.
Vốn FDI đăng ký vào bất động sản tăng nhưng nguồn cung thị trường lại giảm. Người Lao Động dẫn lời lãnh đạo Cục Thống kê TP HCM cho rằng từ khi đăng ký cấp phép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án cần nhiều thời gian, thậm chí vài năm… Do đó, việc vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản TP HCM cần độ trễ để triển khai thành dự án và không có mâu thuẫn với tình hình thực tế quy mô, nguồn cung sụt giảm trên thị trường này.