Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam: Cấp bách hạn chế những hệ quả xấu
Theo kết quả nghiên cứu về “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân quốc tế (CIPE) Hoa Kỳ thực hiện, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng cao đặc biệt là vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng lũy kế FDI vào Việt Nam theo quốc gia, năm 2012 và quý 2/2019.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ thời điểm đầu năm đến 20/6/2019, Việt Nam đã thu hút được 1.723 dự án FDI cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 628 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 2,9 tỷ USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 10,3 tỷ USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,6 tỷ USD lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc đạt hơn 1,2 tỷ USD chiếm 16,7%; Nhật Bản 972 triệu USD chiếm 13,1%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 920,8 triệu USD chiếm 12,4%...
Trước đó, năm 2012, tỷ trọng vốn FDI vào Việt Nam của Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Trung Quốc đại lục) chỉ chiếm một phần rất nhỏ là 8%. Tới năm 2019, lượng vốn này đã chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy mạnh qua từng năm đặc biệt tăng trưởng mạnh vào 6 tháng đầu năm 2019, tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, lượng vốn FDI từ Trung Quốc còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc do Trung Quốc chưa rõ ràng đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể.
Dòng vốn FDI của Trung Quốc tăng đột biến cũng kéo theo nhiều hệ quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động, chậm tiến độ,... Theo nghiên cứu, VEPR đã chỉ ra 25 dự án trong 86 dự án thủy điện chậm tiến độ. Trong đó có 8 trường hợp nguyên nhân chậm tiến độ là do nhà thầu và 5/8 số đó có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu VEPR cũng chỉ ra rằng, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức tổng thầu (EPC) gây ra nhiều hệ lụy dài hạn cho Việt Nam như: Vấn đề tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế,...
Khảo sát dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam cho thấy có tới 19 trên tổng số 30 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực điện than đang vi phạm các vấn đề nghiêm trọng về môi trường.
Cụ thể, khí thải tử ống khói Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả thẳng trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống người dân sống gần khu vực đó. Không những vậy, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 còn vi phạm hàng loạt quy định như không thực hiện biện pháp che phủ bụi than đúng tiêu chuẩn, vận chuyển chất thải không đúng quy trình và thiếu bạt che, xả thải trái phép, vận hành hệ thống xử lý nước thải sai quy định.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, nhà máy này vi phạm về xả thải trước khi được cấp phép, chỉ số khí thải vượt ngưỡng cam kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhà máy vận hành và phát sinh tro xỉ từ tháng 4/2018 nhưng đến tháng 12/2018 chủ đầu tư mới hoàn thành và phê duyệt đề án xử lý tro xỉ. Đặc biệt, nhà máy này còn tự ý xây dựng “chui” 11 hạng mục công trình tại khu dịch vụ cho chuyên gia và người lao động của nhà máy.
Trước tình trạng đó, nhóm nghiên cứu VEPR khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư của FDI và hoạt động khác liên quan.
Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng cho rằng: “Dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên”.