Vụ thuyền viên bị đánh dã man trên biển: Có thể khởi tố thêm tội cố ý gây thương tích?

Q.Trung Thứ tư, ngày 23/11/2022 14:56 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc 2 thuyền viên bị hành hạ dã man trên biển, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao lại khởi tố về tội hành hạ người khác mà không phải là tội cố ý gây thương tích?
Bình luận 0

Khởi tố vụ 2 thuyền viên bị đánh dã man trên biển

Ngày 18/11, Công an huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã khởi tố vụ án "hành hạ người khác" để điều tra vụ 2 thuyền viên bị đánh dã man trên biển. Vụ việc xảy ra vào tháng 5, trên tàu cá biển kiểm soát BT 97993-TS của bà Phạm Thị Hà.

Hai nạn nhân trong vụ việc này là ông Trương Văn Trung (47 tuổi) và Lê Văn Bình (30 tuổi, cùng ngụ tỉnh Kiên Giang).

Vụ 2 thuyền viên bị đánh dã man trên biển: Vì sao lại khởi tố về tội hành hạ người khác? - Ảnh 1.

Một trong hai thuyền viên bị bạn thuyền hành hạ. Ảnh: Cắt từ clip.

Nạn nhân trình bày rằng đầu tháng 1/2022, tàu cá BT 97993-TS của bà Hà đã xuất bến tại cửa biển Sông Đốc. Trên tàu có 7 thuyền viên do Nguyễn Công (con ruột bà Hà) làm thuyền trưởng.

Các thuyền viên là Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi), Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi). Vài ngày sau đó, Đoàn Văn Hùng không làm biển được, nên đi nhờ tàu cá khác vào bờ.

Đến ngày 23/5, ông Trung bị Toàn, Tỵ và Nguyễn Văn Hùng đánh gây thương tích. Cụ thể là dùng kìm bấm vào tai phải, bẻ gãy 4 cây răng, dập môi và gối chân phải.

Ngày 24/5, ông Bình bị Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một cái răng.

Có thể khởi tố thêm tội cố ý gây thương tích?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao cơ quan công an lại khởi tố về tội hành hạ người khác mà không phải là tội cố ý gây thương tích?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc hành hạ, đánh đập 2 thuyền viên trên biển của các đối tượng là xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì vậy, trước tiên Trước tiên cơ quan điều tra căn cứ vào mối quan hệ giữa đối tượng thực hiện hành vi và nạn nhân, mục đích thực hiện hành vi của đối tượng gây án để khởi tố về tội hành hạ người khác, phục vụ công tác điều tra.

Sau đó, trong quá trình điều tra nếu có căn cứ cho thấy hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm tội cố ý gây thương tích hoặc chuyển tội danh sang tội cố ý gây thương tích để xử lý.

Vị chuyên gia phân tích, tội cố ý gây thương tích (Điều 134) và tội hành hạ người khác (Điều 140) đều là các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Trong đó, tội hành hạ người khác sẽ ít nghiêm trọng hơn tội cố ý gây thương tích và mức hình phạt cũng khác nhau.

Vụ 2 thuyền viên bị đánh dã man trên biển: Vì sao lại khởi tố về tội hành hạ người khác? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC.

Với tội hành hạ người khác, hình phạt không quá 3 năm tù. Còn với tội cố ý gây thương tích, hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu hậu quả nạn nhân tử vong.

Có nhiều đặc điểm khác nhau giữa hai tội danh này, cụ thể với tội hành hạ người khác, mối quan hệ giữa đối tượng thực hiện hành vi và nạn nhân bắt buộc phải là quan hệ lệ thuộc về kinh tế, về chính trị hoặc về công việc...

Còn đối với tội cố ý gây thương tích, pháp luật không quy định bắt buộc mối quan hệ giữa đối tượng phạm tội và nạn nhân như thế nào.

Trong khi đó, mục đích của việc thực hiện hành vi hành hạ người khác là khiến cho nạn nhân bị tổn thương tâm lý, có thể gây ra những tổn hại về cơ thể. Còn mục đích của hành vi cố ý gây thương tích là mong muốn gây ra thương tích cho nạn nhân.

Theo ông Cường, trong vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa đối tượng thực hiện hành vi với nạn nhân có phải là quan hệ lệ thuộc hay không.

Đồng thời, làm rõ tất cả các hành vi xâm phạm đến thân thể của các nạn nhân, làm rõ động cơ mục đích, nhận thức của người thực hiện hành vi.

Bên cạnh đó là xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để đánh giá hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội hành hạ người khác hay tội cố ý gây thương tích.

Theo thông tin ban đầu, nạn nhân bị bẻ 4 răng, cắt tai, đánh gãy nhiều xương xườn, kẹp ngón chân, đổ nước sôi vào chân, chửi bới, đánh sưng đầu gối, bắt ăn cá sống...

Với những hành vi như chửi bới, sỉ nhục, bắt ép nạn nhân ăn cá sống, kẹp ngón chân, đổ nước sôi khiến nạn nhân bị bỏng ngoài da, có thể được xác định là hành vi hành hạ người khác nếu như mối quan hệ giữa đối tượng thực hiện hành vi và nạn nhân là quan hệ lệ thuộc.

"Còn đối với hành vi đánh gãy xương sườn, bẻ răng, cắt tai...các đối tượng thực hiện hành vi hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi này là trái pháp luật và có thể gây ra thương tích, tổn hại sức khoẻ cho nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thương tích của nạn nhân xảy ra, có thể xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích" – ông Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, về nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Vì vậy với những hành vi hành hạ người khác thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, các đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác.

Còn đối với hành vi cố ý gây thương tích, xâm phạm trái pháp luật đến sức khỏe của nạn nhân, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố thêm tội cố ý gây thương tích để xử lý.

Trong vụ án này, có thể có đối tượng chỉ bị xử lý về tội hành hạ người khác, còn có những đối tượng có thể bị xử lý về cả về hai tội danh là hành hạ người khác và cố ý gây thương tích nếu có nhiều hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và các hành vi này đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem