Vụ Bến xe Thượng Lý bị "cưỡng chế" trong đêm: Doanh nghiệp vận tải "vạ lây" đang thiệt hại nặng nề

Vũ Thị Hải Thứ bảy, ngày 13/11/2021 06:30 AM (GMT+7)
Công ty Vận tải Kết Đoàn bị "vạ lây" trong vụ việc Bến xe Thượng Lý đang phải chịu thiệt hại nặng nề. Xung quanh vụ việc này, luật sư Nguyễn Văn Khải đã đưa ra góc nhìn pháp lý.
Bình luận 0

Doanh nghiệp vận tải thiệt hại nặng vì bị niêm phong và cháy xe

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Khí (đơn vị chủ quản của Bến xe khách Thượng Lý) đã có đơn trình báo kèm clip ghi lại hình ảnh diễn ra tại hiện trường vụ "cưỡng chế" gửi cơ quan chức năng và nhiều cơ quan báo chí.

Theo đó, vào khoảng 22h30 ngày 10/10, ông Nguyễn Đình Tân cùng hai Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường tổ chức một nhóm đông người mang theo gậy, hung khí đến "cưỡng chế" bến xe Thượng Lý có địa chỉ tại 52 đường Hà Nội, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng.

Hình ảnh Công ty TNHH Sơn Trường huy động lực lượng, mang xe cẩu, xe container đến "cưỡng chế" bến xe Thượng Lý đêm 10/10/2021. Clip do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Khí HP cung cấp.

Trong vụ việc này, Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn – đơn vị có phương tiện gửi tại Bến xe Thượng Lý đã bị "vạ lây" dù không liên quan đến tranh chấp mặt bằng của 2 doanh nghiệp kể trên.

Trao đổi với PV, đại diện Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn cho biết, đơn vị này bị thiệt hại nặng nề sau vụ "cưỡng chế" nói trên.

Cụ thể, ngày 11/10/2021, Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn điều động 10 xe ô tô đang gửi tại Bến xe Thượng Lý để thực hiện hợp đồng vận tải đã ký trước đó. Tuy nhiên, khi các lái xe đến bến lấy số xe trên thì phát hiện các phương tiện của Công ty đã bị niêm phong và bị lực lượng bảo vệ của công ty khác ngăn cản không cho lấy xe ra.

Sự việc này đã khiến Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn không thực hiện được hợp đồng đã ký kết, phải chịu bồi thường tiền đặt cọc cho bên đối tác 180 triệu đồng.

Vụ Bến xe Thượng Lý bị "cưỡng chế" trong đêm: Doanh   nghiệp vận tải "vạ lây" đang thiệt hại nặng nề - Ảnh 2.

Xe của Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn bị niêm phong và khóa bánh. Ảnh: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Khí HP cung cấp.

Theo ông Trần Quang Kết- Giám đốc Cty TNHH Vận tải Kết Đoàn, số tiền thiệt hại của việc không thực hiện hợp đồng nói trên không chỉ là tiền phạt cọc mà còn là doanh thu của hợp đồng là 650 triệu đồng. Ngoài ra, kể từ ngày 11/10 đến ngày 28/10, mặc dù đã được nhà nước cho mở lại các tuyến vận tải nhưng vì số xe bị niêm phong, khóa bánh nên không thể hoạt động đã gây tổn thất lớn cho công ty. Con số này Công ty chưa tính toán hết được.

Ông Trần Quang Kết còn cho biết, ngày 28/10/2021 (sau ngày Công ty TNHH Sơn Trường niêm phong, khóa bánh), Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn phát hiện 1 xe 45 chỗ của Công ty bị cháy đen phần đuôi xe. Nguyên nhân vì sao xe bị cháy, ai là người gây ra hiện đang được cơ quan công an điều tra.

Trước mắt, để có xe hoạt động, Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn đã cho xe đi sửa chữa, dự kiến chi phí khoảng 450 triệu đồng.

"Chúng tôi ký hợp đồng gửi xe với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Khí Hải Phòng. Việc trông giữ xe là trách nhiệm của bến xe. Để xảy ra thiệt hại cho chúng tôi, trách nhiệm trước hết là của bến xe.

Tuy nhiên, ai gây ra, người đó phải chịu, chúng tôi sẽ phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Khí Hải Phòng cung cấp tài liệu, chứng minh toàn bộ thiệt hại để cơ quan chức năng giải quyết" - ông Trần Quang Kết nói.

Ứng xử theo "luật rừng"

Đại diện lãnh đạo phường Sở Dầu cho biết, sau khi sự việc xảy ra, UBND phường đã mời đại diện 2 doanh nghiệp lên trụ sở phường để làm việc.

Theo đó, đại diện Công ty TNHH Sơn Trường cho rằng, bãi để xe của bến xe khách Thượng Lý được Công ty TNHH Sơn Trường cho mượn từ tháng 3/2019. Đến nay, Công ty TNHH Sơn Trường có nhu cầu sử dụng lại khu đất đó, đã có 4 lần thông báo yêu cầu Công ty Kim Khí trả lại đất nhưng không được thực hiện.

Ngày 14/10/2021, Công ty TNHH Sơn Trường đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Khí mang giấy tờ đến để lấy lại tài sản và phương tiện nhưng lãnh đạo bến xe Thượng Lý không có động thái thực hiện. Đối với những đồ vật cản trở như các đoạn cần cẩu, Công ty TNHH Sơn Trường đã cho di chuyển về Công ty bảo quản.

Còn đại diện bến xe khách Thượng Lý cho rằng, việc cưỡng chế để đòi lại mặt bằng cho công ty TNHH Sơn Trường phải do cơ quan nhà nước thi hành. Công ty TNHH Sơn Trường tự ý triển khai vào khu đất với lực lượng hơn 100 người là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Trao đổi đổi với phóng viên, ông Lưu Thành Đông- Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng cho biết, trước đó, năm 2019, Công ty hợp đồng mượn 4.383m2 bến bãi với ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty TNHH Sơn Trường và phải trả 200 triệu đồng/năm để làm bãi đỗ xe ô tô.

Tháng 7/2021, Công ty TNHH Sơn Trường đề nghị tăng tiền "cho mượn" từ 200 triệu lên 600 triệu đồng. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số chi phí thuê lại tăng cao đột biến nên Công ty CP đầu tư và phát triển Kim khí đang trong quá trình đàm phán, chưa đi đến thoả thuận thì đã xảy ra sự việc Công ty TNHH Sơn Trường ập đến tự "cưỡng chế" đối với doanh nghiệp.

"Nếu là tranh chấp giữa 2 bên mà không thỏa thuận được thì thẩm quyền giải quyết phải thuộc về Toà án chứ không phải là hành vi xử theo "luật rừng", ngang nhiên tổ chức người và phương tiện đến để khống chế bảo vệ, phá cổng, khóa bánh xe ô tô, chở tài sản của chúng tôi đi trong đêm như vậy" - ông Đông trình bày.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Tạ Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường để trao đổi thêm thông tin từ phía lãnh đạo doanh nghiệp nhưng ông Thắng từ chối tiếp phóng viên.


Hải Phòng: Vụ bến xe Thượng Lý bị "cưỡng chế" trong đêm, có dấu hiệu của tội cướp tài sản - Ảnh 4.

Hình ảnh xe của Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn bị cháy. Ảnh do Cty TNHH Vận tải Kết Đoàn cung cấp.

Hải Phòng: Vụ bến xe Thượng Lý bị "cưỡng chế" trong đêm, có dấu hiệu của tội cướp tài sản - Ảnh 5.

Hình ảnh xe của Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn bị cháy. Ảnh do Cty TNHH Vận tải Kết Đoàn cung cấp.

Dấu hiệu của tội phạm hình sự?

Luật sư Nguyễn Văn Khải, văn phòng Luật sư VHT, Đoàn luật sư TP.Hải Phòng cho biết, việc huy động nhóm đông kéo đến Bến xe Thượng Lý có người chỉ huy, dùng vũ lực khống chế lực lượng bảo vệ bến xe để chuyển tài sản đi nơi khác có dấu hiệu của tội cướp tài sản có tổ chức.

Hành vi vi phạm được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Văn Khải, các hành vi đập phá cửa, phá tường rào là dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản; sử dụng container chặn lối đi, sử dụng xích sắt khóa bánh xe và dán niêm phong 19 xe khách của Công ty TNHH Vận tải Kết Đoàn và những tài sản khác như 7 máy phát điện, 1 container vật tư thiết bị phụ tùng là dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản.

"Tôi cho rằng dấu hiệu phạm tội hình sự đã rõ, do đó, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ để kết luận ai, phạm tội gì trong vụ việc ở bến xe Thượng Lý"- luật sư Nguyễn Văn Khải nói.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo công an quận Hồng Bàng cho biết, hiện nay, cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra, xác minh vụ việc.

Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; c) Làm chết người; d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem