Vụ bỏ cọc đấu giá đất của Tân Hoàng Minh và trúng đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường làm nóng nghị trường

An Linh Thứ ba, ngày 28/11/2023 13:30 PM (GMT+7)
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế xử phạt người tham gia đấu giá bỏ cọc, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường và đặc biệt cần có biện pháp hạn chế quân xanh, quân đỏ.
Bình luận 0

Cần chế tài "siết" quân xanh, quân đỏ, thổi giá đấu gây nhiễu loạn rồi bỏ cọc

Đai biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho rằng quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% như hiện hành là phù hợp. Nữ đại biểu cho rằng, nếu nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản.

Vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, biển số xe và trúng đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường làm “nóng” nghị trường - Ảnh 1.

Đai biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề xuất cần có chế tài để "siết" tình trạng đấu giá ảo, nhiễu loạn thị trường. Sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền. "

"Cần có quy định xử phạt và việc xử phạt này phải phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan", bà Dung nói.

Theo đại biểu tỉnh Long An, nhiều cuộc đấu giá có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công (quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ), giá trả cao hơn giá khởi điểm tới 204 lần.

"Từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên gần 1.700 tỷ đồng", bà Dung dẫn chứng và nhấn mạnh: Luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.

Vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, biển số xe và trúng đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường làm “nóng” nghị trường - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) - Ảnh: QH.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.

Đại biểu nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, "quân xanh, quân đỏ", cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.

Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của dự thảo luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý.

Vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, biển số xe và trúng đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường làm “nóng” nghị trường - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) - Ảnh: QH.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, liệt kê những tài sản phải đấu giá như dự thảo luật đã đầy đủ chưa, có chồng chéo với các luật chuyên ngành khác hay không. Bên cạnh đó, cần xem xét có những loại tài sản có thể phát sinh mới trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì được đấu giá hay không?

Theo ông Hoà: Đây là vấn đề nhạy cảm, bởi thực tiễn có rất nhiều trường hợp người đã trúng đấu giá chấp nhận bỏ tiền cọc mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính, gây lũng đoạn thị trường, gây dư luận xã hội không tốt như vụ Tân Hoàng Minh đấu giá đất ở Thủ Thiêm, các vụ đấu giá biển số xe hay vụ đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp 200 lần…

Ông Hoà đề nghị phạt vi phạm hành chính, tăng tiền đặt cọc so với quy định hiện hành, không cho các đối tượng này tham gia đấu giá lần sau.

Bởi theo ông này: "Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có nhiều tiền nhưng muốn làm gì thì làm, làm xáo trộn thị trường".

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường ở Hà Nội, cho thấy luật cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự.

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu giá chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.

Ông Thanh yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem