Vụ “buôn lậu" lúa phẩm cấp thấp: Hải quan bắt, công an thả

Hữu Danh Thứ hai, ngày 23/05/2016 17:05 PM (GMT+7)
Phát hiện một chiếc ghe chở lúa cấp thấp IR50404, Tổng cục Hải quan “đòi xử tội” buôn lậu vì không có hóa đơn chứng từ, trong khi Công an tỉnh Đồng Tháp nói “không thể xử lý”.
Bình luận 0

Ngày 23.5, nguồn tin từ Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan này đã gửi công văn kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đồng Tháp, Viện KSND tỉnh Đồng Tháp phục hồi điều tra vụ án “buôn lậu” 100 tấn lúa, trị giá hơn 485 triệu đồng đối với ông Trần Văn Khánh (ngụ huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp).

Theo hồ sơ, ngày 8.12.2015, tại khu vực cửa khẩu Dinh Bà (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), tổ liên ngành gồm Hải đội 3 (Cục điều tra chống buôn lậu), C74 (Cục phòng chống buôn lậu Bộ Công an) và PC68 (Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Đồng Tháp), Chi cục Hải quan Dinh Bà tiến hành kiểm tra hành chính ghe gỗ ĐT18769 của chủ ghe Ngô Thị Thu và lái ghe Ngô Văn Phú. Theo đó, cả 2 khai nhận, 100 tấn lúa trên ghe được ông Khánh thuê chở từ Campuchia về Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ.

img

Người dân Đồng Tháp khu vực biên giới thu hoạch lúa.

Ngày 19.1.2016, Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu đối với ông Khánh, bà Thu và ông Phú; chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp giải quyết theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, đến ngày 11.4.2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Hồng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì hành vi của ông Khánh không cấu thành tội phạm. Kết luận điều tra của Công an huyện Tân Hồng nêu: Trong số 100 tấn lúa trên ghe có 70 tấn lúa ông Khánh mua của Công ty Thi Đua – Mỹ Duyên (có xuất hóa đơn), 30 tấn còn lại mua của ông Nguyễn Văn Kế.

Theo kết quả giám định của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ kết luận: Các mẫu lúa có đặc điểm hình thái, màu sắc tương tự như mẫu chuẩn của giống lúa IR50404 ở Việt Nam. Từ đó, phía công an cho rằng ông Khánh không có yếu tố vận chuyển hàng qua biên giới.

Quyết tâm “bắt tội”

Theo văn bản do ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu ký, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Hồng không xem xét khách quan, toàn diện vụ án, thủ đoạn hợp thức hóa hồ sơ của ông Khánh dẫn đến đình chỉ điều tra vụ án là không phù hợp. Cũng theo ông Hùng Anh, chứng thư giám định do cơ quan điều tra trưng cầu chỉ kết luận tang vật của vụ án có đặc điểm hình thái, màu sắc tương tự như giống lúa IR50404. Như vậy, đây không phải lúa Việt Nam.

Theo một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, cơ quan này đã nhận được công văn kiến nghị phục hồi điều tra của Cục điều tra chống buôn lậu. Hiện Viện KSND tỉnh Đồng Tháp đang kiểm sát hồ sơ vụ án, nếu kiến nghị của Cục điều tra chống buôn lậu có cơ sở sẽ yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp phục hồi điều tra, nếu không sẽ có công văn trả lời cụ thể.

Theo đại tá Mai An Khương - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Hồng, quá trình điều tra đủ cơ sở đủ cơ sở chứng minh ông Khánh mua của doanh nghiệp và người dân trong nước, không có yếu tố qua biên giới. Hiện vật chứng liên quan đến vụ việc đã được trả lại cho chủ sở hữu.

Theo tìm hiểu của PV, hiện dọc biên giới Tây Nam, lượng lúa hàng hóa qua lại biên giới nhiều năm nay hết sức bình thường. Rất nhiều nông dân Việt Nam đang thuê đất trồng lúa dọc biên giới. Nhiều nơi, đường biên là một con sông, khi nông dân thu hoạch, ghe chở lúa đi trên sông hết sức thoải mái.

Cho đến nay, thương lái đi mua lúa trong dân hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ. Nếu muốn khép tội buôn lậu với kiểu mua bán như 3 công dân trong vụ án này, chỉ sợ cơ quan tố tụng xử lý không xuể.

                                        

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem