Vụ đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 ở Mê Linh: Trả giá nhầm vì căng thẳng có được lấy lại cọc?

Quang Trung Thứ hai, ngày 01/01/2024 13:27 PM (GMT+7)
Người đấu giá trúng thửa đất 102 m2 ở huyện Mê Linh với giá 4,28 tỷ đồng/m2 đề nghị rút lại tiền cọc vì "tâm lý căng thẳng, trả nhầm giá". Pháp luật quy định về trường hợp này thế nào?
Bình luận 0

Người trúng đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 ở huyện Mê Linh xin rút vì "trả nhầm"

Như Dân Việt đã thông tin, tại phiên đấu giá ngày 30/12, 175 người tham gia đấu giá 47 thửa đất ở thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh tại UBND huyện Mê Linh. Giá khởi điểm từ 23,2 đến 31,9 triệu đồng một m2.

Vụ đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 ở Mê Linh: Trả giá nhầm vì căng thẳng có được lấy lại cọc? - Ảnh 1.

Phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Mê Linh ngày 30/12. Ảnh: VH

Khi đấu giá viên công bố phiếu trả giá cho thửa đất 102 m2, giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2, hội trường đấu giá bất ngờ khi ông Nguyễn Thanh Tùng đã trả 4,28 tỷ đồng/m2 cho thửa đất trên, gấp 142 lần giá khởi điểm và trở thành người trúng đấu giá.

Tuy nhiên, khi kết thúc phiên đấu giá, ông Tùng trao đổi lại với đơn vị tổ chức và chính quyền mong muốn xem xét cho rút lại tiền cọc 600 triệu đồng cho thửa đất. Lý do ông Tùng đưa ra là do "tâm lý căng thẳng, cuống nên ghi nhầm".

Tại phiên đấu giá, chỉ có một số thửa đất có đông người tham gia đấu giá, nhiều nhất 19 hồ sơ, ít nhất 2 hồ sơ. Hầu hết giá trúng cao hơn giá khởi điểm 1-5 triệu đồng một m2, mức chênh lệch cao nhất 47,6 triệu đối với thửa đất có giá khởi điểm 30 triệu đồng một m2.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, trách nhiệm của đấu giá viên là ghi nhận mọi diễn biến thông tin thực tế trên phiếu trả giá. "Đấu giá viên không thể đánh giá chủ quan việc ghi giá của khách hàng là cố tình hay sơ xuất", bà Giang nói.

Sau thông tin trên, bạn đọc đặt câu hỏi, nếu khách hàng "tâm lý căng thẳng, cuống nên ghi nhầm" số tiền đấu giá, vậy có được nhận lại tiền đặt cọc?

Không được rút lại tiền cọc

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay Luật Đấu giá tài sản và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn không quy định về việc hủy kết quả đấu giá do nhầm lẫn.

Vì vậy, nếu không thuộc 5 trường hợp quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản thì không thể hủy kết quả đấu giá.

Theo luật sư Đồng, trong vụ việc này, nếu bản chất là nhầm lẫn chứ không phải là sơ suất, đây là sự việc nhầm lẫn đáng tiếc, bởi số tiền đấu giá vượt lên rất cao. Số tiền đặt cọc cũng lên tới 600 triệu đồng, nếu không nộp tiền trong thời hạn quy định số tiền cọc không được trả lại mà bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

Hiện nay quy trình tổ chức và công nhận kết quả đấu giá rất chặt chẽ nên sai sót ít khi thuộc về tổ chức đấu giá mà chỉ có thể từ người tham gia đấu giá.

Trừ khi thuộc trường hợp người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản… Đây là hành vi cố ý làm sai lệch thuộc trường hợp lỗi chủ quan.

Vị luật sư nói thêm, trong vụ việc này ông Tùng có thể làm đơn kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá và tìm phương án giải quyết.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không xem xét, hết thời hạn phải nộp tiền, nếu ông Tùng không nộp số tiền còn lại, tiền đặt cọc sẽ không được trả lại mà được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

"Sau vụ việc này có thể thấy khi tham gia đấu giá tài sản, người dân cần cân nhắc khoảng giá hợp lý mà mình sẽ đưa ra, tránh việc đưa kết quả chủ quan dựa vào diễn biến buổi đấu giá dẫn tới trúng đấu giá với mức giá không mong muốn" – luật sư Đồng nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem