Vụ DN XNK gỗ kêu cứu: “Tỉnh sẽ khắc phục, nếu sai sẽ sửa”

Trương Hồng Thứ năm, ngày 10/01/2019 13:46 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp báo tổng kết năm 2018.
Bình luận 0

Ngày 9.1, tại cuộc họp báo tổng kết năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Nam đã nóng vụ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ kêu cứu vì bị UBND tỉnh “cấm” đường qua cửa khẩu Nam Giang. Tại cuộc họp báo, phóng viên Dân Việt đã đặt nhiều câu hỏi gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam.

Tỉnh Quảng Nam ra thông báo số 149 có đúng luật không? - phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trả lời: "6 doanh nghiệp kêu cứu, các báo quan tâm là đúng, thẩm quyền không phải của tỉnh mà là trung ương. Tuyến đường QL14D là do trung ương quản lý, còn cửa khẩu Nam Giang là cửa khẩu chính chứ không phải cửa khẩu quốc tế".

img

Ông Huỳnh Khánh Toàn - PCT UBND tỉnh Quảng Nam trả lời các câu hỏi của phóng viên Dân Việt

Ông Toàn thông tin thêm, tuyến đường QL14D đã được xây dựng lâu, nhưng mấy năm nay đã xuống cấp hư hỏng, trước khi tỉnh có thông báo tạm ngừng xuất nhập khẩu gỗ, tỉnh đã có 8 văn bản gửi Trung ương xin kinh phí nâng cấp tuyến đường, nhưng phía trung ương chưa có nguồn để nâng cấp.

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông nên tỉnh mới ra thông báo tạm dừng xuất nhập khẩu gỗ, vì các xe chở gỗ có trọng tải lớn, việc tạm ngừng này tỉnh đã giao cho các ngành chức năng báo cáo với trung ương.

“Trước việc các doanh nghiệp kêu cứu, trong tuần này, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam sẽ báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giải quyết cho các doanh nghiệp” - ông Toàn nêu.

img

Cửa khẩu Nam Giang do phóng viên Dân Việt ghi ngày 7.1 vẫn có nhiều loại xe trọng tải khủng chạy tuyến đường QL14D

Vì sao tỉnh ra thông báo “cấm” từ tháng 5, nhưng đến tháng 12.2018 mới có công văn xin ý kiến Bộ Công thương, có hay không tỉnh xin ý kiến bộ nhằm để đối phó? - phóng viên Dân Việt tiếp tục hỏi.

Ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết: "Sau khi tỉnh có văn bản xin ý kiến, ngày 8.1.2019 Bộ Công thương đã có văn bản số 159 gửi cho tỉnh Quảng Nam với nội dung, sẽ cử đoàn công tác vào làm việc với các sở ban ngành tỉnh Quảng Nam liên quan đến việc tạm ngừng xuất nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Nam Giang".

img

Hợp đồng mua bán gỗ của doanh nghiệp cung cấp

Còn ngày 7.1 vừa qua theo chỉ đạo của tỉnh, Cục Hải quan Quảng Nam đã tổ chức họp theo đơn kêu cứu của các doanh nghiệp, tại cuộc họp một số đơn vị đã xuất trình các giấy tờ liên quan, hợp đồng, giấy thanh toán tiền qua ngân hàng, số lượng gỗ của các doanh nghiệp còn tồn ứ bên Lào.

Theo đó, 6 doanh nghiệp kêu cứu nhưng chỉ có 3 hợp đồng, qua xem xét hợp đồng thì là photo, có một số chứng từ chưa hợp lý, hiện tỉnh đã giao cho cơ quan điều tra xác minh.

“Nếu Bộ Công thương vào họ sẽ yêu cầu các bản hợp đồng gốc, nếu không có bản gốc sẽ không hợp lệ. Việc kêu cứu, phía tỉnh sẽ có trách nhiệm với các đơn kêu cứu của các doanh nghiệp” - ông Toàn nêu.

Phóng viên Dân Việt tiếp tục hỏi, đường này do Trung ương quản lý vậy tỉnh có được phép cấm và vì sao chỉ cấm mỗi xe chở gỗ mà không cấm các loại xe trọng tải lớn khác?

Ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam trả lời rằng: “Một tuyến đường quan trọng thì không phân biệt bất kỳ các mặt hàng nào, nhưng chỉ quy định về tải trọng. Những hàng hóa thông thường thì không biệt gỗ gì cả”.

img

Tỉnh Quảng Nam cho rằng đường QL14D xuống cấp trầm trọng, nhưng hiện nay vẫn có nhiều loại xe trọng tải lớn chạy 

Theo ông Sinh, tuyến đường QL14D được nâng cấp từ tuyến đường ĐT 606 khi mới tách tỉnh, năm 2003 đưa vào sử dụng, theo đường cấp V miền núi, qua hơn mười mấy năm sử dụng rất nhiều xe chở hàng vượt tải trọng đi qua, trong đó có xe chở gỗ, nên thực tế kiểm soát vấn đề này rất khó khăn cho các ngành chức năng

“Theo quy định thì không cấm, chạy đúng tải trọng công bố. Qua báo chí chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp gỗ nếu được cơ quan nhà nước cho phép vận chuyển gỗ chấp hành nghiêm và chở đúng tải trọng nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường.

Đặc biệt, hiện trên tuyến đường QL14D có hai cây cầu được xét vào “cầu yếu”, cụ thể cầu Giằng và cầu ở Km6, chỉ đảm bảo được tải trọng từ 18 đến 21 tấn. Nhưng nếu tính bài toán kinh tế, tuyến đường dài đến 74km nếu các doanh nghiệp chở tải trọng nhỏ như vậy thì cước rất là cao.

Tôi khuyên các doanh nghiệp nên tính bài toán kinh tế khác, còn nếu có mở cửa chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không đi, nếu đi sẽ quá lỗ do cước tăng gấp ba đến bốn lần” - ông Sinh lý giải.

img

Tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu sai sẽ sửa sai - Gỗ của các doanh nghiệp bị tồn ứ bên Lào do thông báo số 149 của UBND tỉnh Quảng Nam

Các doanh nghiệp còn phản ánh, xây dựng cửa khẩu nhằm phát triển giao thương, phát triển kinh tế và hợp tác phát triển. Vậy sao tỉnh Quảng Nam lại đi cấm mặc hàng xuất nhập khẩu gỗ? Các doanh nghiệp còn cho rằng, tỉnh Quảng Nam đã “ngăn sông cấm chợ” đối với họ? - Dân Việt tiếp tục hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết: "Tôi sẽ không nói vấn đề đúng sai, nhưng phải chờ Bộ Công thương vào mới biết được".

Ông Toàn còn nhấn mạnh thêm, sau khi tỉnh có thông báo số 149, một số cán bộ ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có điện vào tỉnh và Hải quan nói thông báo của tỉnh chưa phù hợp.

"Việc này, chúng tôi thừa nhận chưa phù hợp, nên tại cuộc họp giao ban ngày 21.5 tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Công thương chủ trì làm việc với Hải quan, Bộ đội Biên phòng, huyện Nam Giang.

Sau đó Sở Công thương có báo cáo 727 và đồng ý, đề nghị UBND tỉnh họp đánh giá và tiếp tục không cho xuất nhập khẩu gỗ và có văn bản gửi Bộ Công thương.  

Ở đây tạm dừng nhưng vẫn giải quyết, chúng tôi sẽ khắc phục, nếu thấy sai sẽ sửa sai ngay.

Tôi rất lắng nghe và chúng tôi rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển chứ không ai muốn “ngăn sông cấm chợ”” - ông Toàn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem