Vụ "hô biến" rừng phòng hộ thành trang trại tại Hòa Bình: Những ai đã bị xử lý?

Võ Hồng Nhân Thứ hai, ngày 03/08/2020 15:41 PM (GMT+7)
Với việc giao đất rừng phòng hộ tại xã Đa Phúc (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) không đúng thẩm quyền, nhiều cán bộ xã đã bị xử lý. Tuy nhiên, người dân vẫn băn khoăn về hướng giải quyết hậu quả của việc nhiều ha rừng phòng hộ đã bị phá hoại.
Bình luận 0

Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) bị phá làm trang trại. Hồng Nhân.

Giao rừng trái thẩm quyền

Như Dân Việt thông tin trước đó, nhiều ha rừng phòng hộ tại xã Đa Phúc (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) bị đốn hạ để sử dụng làm trang trại. Ngoài việc phá rừng phòng hộ làm trang trại, tại địa bàn cũng có một số đơn vị múc đất rừng phòng hộ để bán thu lời.

Liên quan đến những vi phạm trong việc giao rừng phòng hộ, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đại diện UBND xã Đa Phúc để làm rõ hơn vấn đề này. Người làm việc với PV là bà Bùi Thị Vân - Chủ tịch UBND xã.

Theo bà Vân, năm 2014 UBND xã có chủ trương giao rừng cho người dân, nhưng việc giao rừng là không đúng thẩm quyền. 

"Năm 2014, Đảng ủy xã có Nghị quyết giao rừng cho các hộ dân quản lý, tuy nhiên việc giao rừng không đúng thẩm quyền. UBND xã Đa Phúc không có thẩm quyền để giao mà phải là UBND huyện Yên Thủy" vị Chủ tịch xã nói.

UBND xã Đa Phúc nói gì về việc rừng phòng hộ bị "hô biến" thành trang trại? - Ảnh 2.

Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND xã Đa Phúc để rõ hơn vấn đề.

Theo hồ sơ Dân Việt có được, UBND xã Đa Phúc đã tự ý "giao kèo" với người dân để giao đất rừng phòng hộ. Tên hợp đồng là "Bảo vệ và trồng rừng phòng hộ" nhưng thực tế, như Dân Việt đã phản ánh, rừng phòng hộ "mất tích" thay vào đó là trang trại chăn nuôi, trồng một số loại nông sản thời vụ.

Tại hợp đồng số 01/HĐTR của UBND xã Đa Phúc nêu rõ: Căn cứ vào Nghị quyết của Đảng ủy, ngày 22/3/3014, UBND xã đã tiến hành họp hai xóm Đăng, Nhuội để chọn ra hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện để giao trồng, chăm sóc, bảo vệ, tại tạo lại rừng bằng hình thức đấu giá tiền đạt cọc để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng, hộ nào đặt cọc cao nhất sẽ được ký hợp đồng với UBND xã.

Một trong những hộ dân trúng đấu giá là hộ ông Bùi Văn Lục đã đặt tiền cọc để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng đối với rừng Đèo Ca xóm Đăng là: 201 triệu đồng. 

Hộ ông Lục được UBND xã giao trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng Đèo Ca với diện tích khoảng 3,54 ha.

UBND xã Đa Phúc nói gì về việc rừng phòng hộ bị "hô biến" thành trang trại? - Ảnh 3.

Khu vực rừng phòng hộ bị tàn phá làm trang trại tại xã Đa Phúc, Yên Thủy, Hòa Bình. Ảnh Hồng Nhân.

Theo vị Chủ tịch, ngay sau khi UBND xã giao đất rừng, đoàn thanh, kiểm tra cấp trên đã có văn bản kết luận sự việc. Một số cá nhân liên quan đến sai phạm đã bị xử lý, hình phạt nặng nhất là cách hết chức vụ trong Đảng và Chính quyền. 

Đồng thời số tiền thu từ người dân cũng đã được giao trả cho hộ ông Chinh và ông Nhất, chỉ còn hộ ông Lục chưa nhận tiền nên UBND xã đã gửi lên kho bạc.

Theo thông tin Dân Việt có được, tổng diện tích rừng phòng hộ được giao cho các hộ là hơn 10 ha, nhưng đến nay phần lớn diện tích đã bị phá. |Ai chịu trách nhiệm đối với diện tích rừng đã bị phá này" - đây là vấn đề được người dân ở xã Đa Phúc đặt ra, vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính quyền địa phương.

Đấu thầu lại, làm sao để minh bạch? 

Cũng theo bà Vân, sau khi có kết luận, tháng 3/2020 UBND xã đã thanh lý hợp đồng với các hộ dân, giao hộ dân thu hoạch sản phẩm trên diện tích đất này đến hết năm 2020 và giao trả cho chính quyền địa phương.

Việc người dân làm sai hợp đồng, phá cây tự nhiên để trồng trang trại, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết bà không nắm được do thời điểm đó không tham gia và những cán bộ thời đó đã nghỉ hưu hết. Cũng với đó, diện tích đất rừng phòng hộ nay đã được chuyển đổi mục đích.

"UBND xã đã giao hộ nhà ông Nhất và ông Chinh, sau khi thu hoạch xong các sản phẩm trên diện tích được giao thì giao trả đất cho chính quyền trước 12/2020. Còn về phía nhà ông Lục, gia đình này đang canh tác cây lâu năm, nên UBND xã đang xin ý kiến chỉ đạo của huyện, đến cuối năm nay sẽ giải quyết chỗ đất này.

Hiện nay, khu vực ba ngọn đồi này đã được đưa ra khỏi khu vực đất rừng lâm nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất sản xuất. Kế hoạch sau khi các hộ dân trả đất, diện tích đất này sẽ được đấu thầu công khai để người dân triển khai canh tác", bà Vân nói.

UBND xã Đa Phúc nói gì về việc rừng phòng hộ bị "hô biến" thành trang trại? - Ảnh 4.

Những gốc cây còn lại của khu vực rừng phòng hộ đã bị chặt hạ.

Về trách nhiệm để xảy ra vụ việc, bà Bùi Thị Vân cho biết, thời điểm đó UBND huyện đã có những hình thức xử lý với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã và hai cán bộ địa chính. 

Theo đó, hình thức cao nhất là cách hết chức vụ trong Đảng và Chính quyền đối với lãnh đạo xã, hai vị cán bộ địa chính là hình thức cảnh cáo.

Liên quan đến việc khai thác đất tại núi Mòi, vị Chủ tịch UBND xã thông tin, đây là khu vực bà con nhân dân thường xuyên lấy đất để phục vụ công tác xây dựng nhà cửa, phục vụ đường dân sinh.

"Việc khai thác tại đây là chưa đảm bảo thủ tục theo quy định, còn nếu kinh doanh phải có giấy phép, tuy nhiên vừa rồi có đường giao thông nông thôn, xóm có xin UBND xã để sử dụng đất phục vụ bà con.

img

Theo Chủ tịch UBND xã Đa Phúc, việc khai thác tại đây là chưa đảm bảo thủ tục theo quy định. Ảnh Hồng Nhân.

Còn việc bán đất thì từ khi tôi làm chủ tịch đã không xảy ra. Nếu có doanh nghiệp vào khai thác sẽ xử lý ngay. Người dân gọi Phòng TNMT huyện về chứng kiến thì báo cáo ra là không phải để đưa đất ra ngoài địa bàn để bán mà là phục vụ những công trình trên địa bàn xã", vị Chủ tịch khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem