Vụ lúa Đông xuân khát, đề xuất chi 1.000 tỷ đồng lấy nước đổ ải

Khương Lực Chủ nhật, ngày 29/12/2019 11:32 AM (GMT+7)
Mỗi năm đáy các con sông ở hạ lưu các hồ thủy điện ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc bị hạ thấp từ 10-20cm/năm. Muốn chủ động được việc lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ Đông xuân, các địa phương phải chi ngót nghét gần 1.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Xả nước đổ ải, hồ Hòa Bình cách mực nước chết 3,17m

Vụ Đông xuân 2019-2020 đang đứng trước bối cảnh đặc biệt, khi mực nước 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang xuống thấp chưa từng có, dự kiến chỉ đạt 61% dung tích thiết kế (tương đương khoảng 10 tỷ m3 nước, thấp hơn 6,8 tỷ m3 so với vụ Đông xuân năm 2018-2019).

Đặc biệt, từ khi vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình, chưa năm nào nước về lại kém như năm nay, chỉ đạt 56% - mức trữ thấp nhất trong vòng 30 năm qua và dự kiến tiếp tục khó khăn trong mùa khô năm tới.

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên cả Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp dự, chỉ đạo, điều hành lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông xuân 2019-2020 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ.

img

Lần đầu tiên Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo lấy nước đổ ải.

“Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi dù khó khăn thế nào thì phải đáp ứng được 2 yêu cầu: thứ nhất, đảm bảo 100% diện tích cấy của bà con trong khung thời vụ của Bộ; thứ hai điều hành tiết kiệm nhất nguồn nước” – ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói.

Năm nay, tổng diện tích gieo cấy vụ Đông xuân các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc Bộ vào gần 530.000ha, trong đó có 430.000ha trực tiếp lấy nước từ hệ thống 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang với tổng số khoảng 4,3 tỷ m3.

Để tiết kiệm nước, phục vụ đổ ải, ngay từ tháng 10/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải vận hành tăng cường các nhà máy điện chạy bằng dầu với chi phí cao hơn rất nhiều các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, mực nước tại các hồ thủy điện vẫn chưa có gì cải thiện đáng kể.

“Thống kế của hệ thống vận hành điện, lượng nước tích trong hồ chỉ có 24 tỷ m3 trong khi mọi năm tích được 35 tỷ m3, như vậy thiếu hụt 11 tỷ m3” - ông Trần Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết.

“Sau 3 đợt xả nước đổ ải như yêu cầu của Bộ NN&PTNT, chúng ta chỉ còn cỡ 10% dung tích hữu ích ở trong 3 hồ thủy điện” - ông Ngô Xuân Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết. Theo đó, mực nước tại hồ thủy điện Hòa Bình giảm từ 101,6 m về 83,17 m, cách mực nước chết 3,17m, dung tích còn lại 342 triệu m3, tương đương 5,7% dung tích hữu ích. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm 2020 trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo đủ điện cho hệ thống điện của cả nước.

Đề xuất chi 1.000 tỷ đồng để chống hạn

Sự căng thẳng về nguồn nước và yêu cầu đáp ứng đủ điện, đủ nước cho sản xuất đang là bài toán hóc búa đặt ra cho các bộ, ngành và 11 địa phương trong bối cảnh đáy sông bị hạ thấp, khiến các thiết chế hạ tầng thủy lợi bị treo lơ lửng, không phát huy tác dụng.

img

Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành trong nhiều năm liền.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Hiện nay, chúng ta có 14 trạm bơm lấy nước dọc sông Hồng. Trong 14 trạm bơm có 7 trạm bơm đã hạ cốt, hạ cấp, rồi đầu tư trạm bơm dã chiến nên chỉ cần EVN phát điện bình thường là có thể chủ động lấy nước được trong mọi tình huống; 7 trạm còn lại, hiện nay chúng ta đang chuẩn bị đầu tư 4 trạm nữa cho trung hạn giai đoạn tới”.

Kế hoạch lấy nước của Bộ NN&PTNT gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày: Đợt 1 từ 20-23/1/2020 (4 ngày); Đợt 2 từ 5-12/2/2020 (8 ngày); Đợt 3 từ 19-24/2/2019 (6 ngày). Trong thời gian lấy nước mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì trong đợt 1 từ 1,6 m trở lên, đợt 2 từ 2 m trở lên và đợt 3 từ 1,4 m trở lên.

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, hiện có khoảng 11.000ha khó và rất khó lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ Đông xuân, trong đó có khoảng 7.400ha khó lấy nước và 3.700ha rất khó lấy nước.

Trong số 3.700ha rất khó lấy nước, thành phố Hà Nội chiếm khoảng 3.600ha. Đây cũng là địa phương có tập quán cấy muộn và gần như đợt xả nước thứ 3, kéo dài 6 ngày là để phục vụ cho khu vực này.

“Khó khăn của TP.Hà Nội là diện tích lớn (dự kiến 120.000ha, trong đó 90.000ha lúa - PV), chênh lệch địa hình phức tạp, dẫn tới phải bơm 2-4 cấp mới tới ruộng… Tuy nhiên, nếu kịch bản dâng nước đúng kế hoạch của Bộ NN&PTNT đưa ra thì việc lấy nước không có khó khăn gì” - ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cam kết.

img

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cam kết lấy đủ nước, phục vụ sản xuất vụ Đông xuân.

Trước bối cảnh lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ Đông xuân càng ngày càng khó khăn, nhiều địa phương đã bỏ ra hàng trăm tỷ để đầu tư mới, nâng cấp hoặc xây dựng các trạm bơm dã chiến. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã liên tục hạ thấp cao trình đặt máy của các trạm bơm lấy nước ven sông Lô, sông Chảy.

img

Kiểm tra lấy nước tại trạm bơm cột nước thấp Võng Phan - Hưng Yên.

Thành phố Hà Nội cải tạo trạm bơm Trung Hà, xây dựng mới trạm bơm Đan Hoài và hiện đang xây dựng trạm bơm Thanh Điềm (thay thế trạm bơm Thanh Điềm cũ) với tổng kinh phí 250 tỷ đồng. Tương tự, tỉnh Bắc Ninh xây dựng trạm bơm Yên Hậu, trạm bơm Phú Mỹ và hiện đang xây dựng trạm bơm Tri Phương với tổng kinh phí khoảng 190 tỷ đồng…

Cùng với đó, hàng năm tổng số tiền chi cho công tác chống hạn, lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ Đông xuân tiêu tốn ngót nghét 1.000 tỷ đồng. Khoản tiền này năm nay Bộ Tài chính đang yêu cầu làm rõ nội dung các khoản mục chi. Hiện nay, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ đang bàn thảo, thống nhất và dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào nội dung Nghị quyết trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:

Rà soát, cơ cấu lại để sử dụng nước hiệu quả hơn

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, vụ lúa Đông xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và trung du có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sản lượng lương thực của vùng trong cả năm.

Trước bối cảnh khó khăn về nguồn nước, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải sử dụng tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ; tăng cường lấy nước ngược để cấp nguồn cho hệ thống thủy lợi và tận dụng nước hồi quy sau đổ ải, không để nước chảy ra biển gây lãng phí.

Bộ trưởng cho biết, đặc trưng năm nay là đất rất được ải, nhưng để tiết kiệm nguồn nước, chúng ta buộc phải phá ải. Nước vào ruộng đến đâu, phải tổ chức cày bừa ngay đến đó để giữ nước. Sau khi ăn tết xong, bà con có điều kiện để cấy ngay.

“Năm nay có đặc điểm ăn tết xong mới vào vụ cấy, nhưng chúng ta tập trung thật kỹ để tập trung cấy cao độ từ lập xuân 4/2 cho đến kết thúc trước 28/2. Như vậy phấn đấu làm sao 15-20 ngày phải xong hết 546.000ha, không chỉ tiết kiệm nước mà là biện pháp canh tác tốt để đạt năng suất cao nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương cần vận động bà con cấy lúa là chính và khuyến cáo không gieo sạ.

Bộ trưởng giao các địa phương phải rà soát lại về tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, vùng trũng thì phải tích thủy để nuôi thủy sản hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng lúa; Vùng nào không có nước thì chuyển sang cây trồng cạn và chỉ những vùng thuận lợi về tưới tiêu mới trồng lúa.  Ví dụ Hà Nội có 5-7% chân cao, chúng ta chủ động ngay từ đầu đưa vùng này sang trồng cây rau màu để giảm bớt nhu cầu nước.

Đồng thời, rà soát lại thiết chế các công trình thủy lợi để đánh giá, có phương án đầu tư sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa để phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó, cần xem xét phương án xây dựng các đập thông minh trên các lưu vực sông để tránh thất thoát nước ra biển; chủ động dâng nước để đưa vào các công trình đầu mối thủy lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem