Vụ “Phát canh thu tô” ở Đồng Tháp Mười: Tận thu trên lưng nông dân

Thứ ba, ngày 10/08/2010 09:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ hưởng lợi từ việc giao khoán cho dân nghèo với giá cao, Công ty Đồng Tháp 1 còn có hàng loạt “chiêu” khác để tăng nguồn thu trên lưng nông dân...
Bình luận 0
img
Những nông dân đang bị Công ty Đồng Tháp 1 đòi đất.

Giao khoán nhưng không nhận sản phẩm!

Theo hợp đồng, nông dân sẽ nộp sản phẩm (lúa) tại kho của bên A. Nếu nộp bằng tiền thì được quy đổi theo giá thị trường tại khu vực có trụ sở của bên A tại thời điểm đăng nộp. Thế nhưng, nông dân phải nộp theo giá còn cao hơn thị trường. Ông Phạm Văn Năm, nông dân đang canh tác 2,5ha lúa tại nông trường bức xúc:

“Bị ép ký lại hợp đồng mới với giá cao tôi vẫn phải bấm bụng chấp nhận để còn có gạo bỏ vô nồi mà nấu. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2010 này thấy công ty ra mấy biên lai thu khoán quy giá lúa đến 4.800 đồng/kg, tôi đành chịu mang tiếng nợ dai vì tiền bán lúa không đủ đóng cho công ty”.

Theo tính toán của nhiều nông dân, mức giá 4.800 đồng/kg (cũng có lúc công ty hạ xuống còn 4.500 đồng/kg) luôn cao hơn giá thị trường. Nông dân Trần Văn Tạo – người “đóng tô” với giá 4.800 đồng/kg lúa cho biết: “Tui phải bán nhiều hơn số lượng ghi trong hợp đồng mới đủ đóng cho công ty. Cả tháng nay người nào bán lúa được 3.500 – 4.000 đồng/kg là giỏi lắm rồi, còn lại chỉ trên dưới 3.000 đồng/kg”.

Ông Hồ Văn Bún – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Vĩnh Hưng (nơi đặt trụ sở của Công ty Đồng Tháp 1) cũng xác nhận, thời gian qua giá lúa trên địa bàn này chỉ trên dưới 3.500 đồng/kg lúa thường, khoảng 4.000 – 4.200 đồng/kg lúa thơm nhẹ. Như vậy, việc Công ty Đồng Tháp 1 không thu sản phẩm mà cố tình quy ra giá cao để hưởng lợi là ép dân.

“Độc quyền” bơm nước

Trong một công văn gửi nhiều cơ quan ở tỉnh Long An, Công ty Đồng Tháp 1 “kể công” khi cho rằng mình đã đầu tư hệ thống bơm điện cung cấp nước cho nông dân làm ruộng. Tuy nhiên, hành động này của công ty không hề là giúp dân mà chỉ là để thu tiền bơm nước với giá cao.

Bà Phan Thị Phới cho biết, cứ mỗi vụ lúa công ty thu của bà 900.000 đồng/ha (1,8 triệu đồng/năm). Trong khi đó, dịch vụ bơm nước của hợp tác xã ở những thửa ruộng gần đó chỉ thu của dân khoảng 1,4 – 1,6 triệu đồng/ha/năm. Tại 200ha đất giao khoán ở xã Hưng Thạnh (cũng của Công ty Đồng Tháp 1), nông dân phải trả đến 620kg lúa/ha/năm cho chi phí bơm nước. Chưa tính đến lợi nhuận từ việc bơm nước mang lại, chỉ riêng khoản chênh lệch so với giá thị trường ở 1.000ha đất mà công ty đang “độc quyền” bơm nước mỗi năm cũng vào khoảng 200 triệu đồng.

Hạt lúa rơi cũng bán

Ở vùng Đồng Tháp Mười nông dân thường nuôi vịt chạy đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Thế nhưng, riêng nông dân làm ruộng trong Nông trường Đồng Tháp 1 không được nuôi vịt vì hạt lúa rơi trên ruộng cũng là của… công ty. Sau vụ gặt, công ty đem bán đồng cho những người nuôi vịt từ vùng khác tới để lấy tiền.

Một nhân viên cũ của Công ty Đồng Tháp 1 (đề nghị không nêu tên) kể lại, vụ “bán đồng” đầu tiên, công ty nói để làm cầu cho dân đi và có dùng tiền để bắc mấy cây cầu bằng gỗ bạch đàn. Các vụ tiếp theo, tiền thu dùng cho việc gì thì người dân không hề biết. “Hiện nay, người nuôi vịt chạy đồng trả khoảng 400.000đồng/ha/vụ theo giá thị trường. Riêng số đất cả ngàn ha mà nông dân chúng tôi đang canh tác, công ty thu bao nhiêu chúng tôi không được biết”- người này nói.

Theo lời kể của nhiều người dân, mùa lũ họ cũng không được thả lưới hay giăng câu vì công ty đã “bán mặt nước” cho người khác khai thác. “Tôi giăng vài tay lưới kiếm con cá sống qua mùa lũ, giăng buổi tối thì sáng ra bị mất hết. Cắm mấy cây cần câu dưới kênh cũng bị nhổ sạch!” - ông Phạm Văn Năm kể lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại 200ha đất mà Công ty Đồng Tháp 1 đang giao khoán cho dân tại xã Hưng Thạnh, trước đây dân nghèo muốn cắt lúa thuê phải đóng 50.000 đồng/lưỡi liềm/vụ. Nay có máy gặt đập liên hợp thì khoản thu lạ này mới chấm dứt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem