Vụ tử nạn bí ẩn của nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos

Chủ nhật, ngày 28/06/2020 20:31 PM (GMT+7)
Trưa ngày 1/8/1981, tướng Omar Torrijos, Tổng thống Panama kiêm Tổng Tư lệnh quân đội, cùng các trợ lý rời sân bay thủ đô Panama City trên chiếc chuyên cơ DHC-6 để đến thị sát dân tình tại thành phố Marqualito, công việc mà ông thường hay làm kể từ khi trở thành người đứng đầu Nhà nước Panama vào năm 1972.
Bình luận 0

Thế nhưng, vào lúc 16 giờ 15 phút cùng ngày, chiếc DHC-6 bỗng mất dấu hiệu trên màn hình rađa. Chỉ cho đến hôm sau, người ta mới biết đích xác là chiếc máy bay chở tướng Torrijos đã gặp nạn tại vùng rừng rậm Cerro Marta cách thủ đô Panama City 350 km về phía tây. Với nhiều cố gắng, một toán đặc nhiệm đã đến được hiện trường vụ rơi máy bay và phát hiện tất cả 11 người có mặt trên máy bay, trong đó có cả tướng Torrijos, đều tử nạn.

Vụ tử nạn bí ẩn của nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos.

Thông tin về cái chết bất ngờ của tướng Torrijos đã khiến dân chúng Panama bàng hoàng. Quốc tang đã được tổ chức trong 4 ngày để mai táng nhà lãnh đạo Panama tại nghĩa trang Casco Viejo trong sự thương tiếc của người dân Panama. Tướng Florencio Flores Aguilar, quyền Tổng Tư lệnh quân đội, đã ra lệnh mở một cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay.

Kết luận cuối cùng cho biết là tai nạn xảy ra do chiếc chuyên cơ DHC-6 gặp trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều người lại không tin vào kết luận điều tra này vì cho rằng chiếc chuyên cơ DHC-6 có độ an toàn rất cao, luôn được duy tu bảo dưỡng thường xuyên trước mỗi lần bay phục vụ cho các chuyến công cán xa của tướng Torrijos. Vậy thì nguyên nhân tai nạn do đâu?

Omar Efram Torrijos Herrera sinh ngày 13/2/1929 tại thành phố Santiago thuộc tỉnh Veraguas, là con thứ 6 trong một gia đình đông đến 12 anh chị em. Năm 1946, sau khi tốt nghiệp trung học, Torrijos nhận được học bổng theo học tại Học viện Quân sự San Salvador của quốc gia láng giềng Salvador. Sau khi ra trường với quân hàm thiếu úy, Torrijos trở về quê hương để gia nhập quân đội Panama, trong lực lượng Vệ binh quốc gia.

Là một sĩ quan trẻ yêu nước và có ý chí phấn đấu cao nên đến năm 1966 Torrijos đã mang quân hàm đại tá. Năm 1968, bất bình về tệ tham nhũng tràn lan trong bộ máy chính quyền, Torrijos cùng một sĩ quan khác là Đại tá Boris Martinez làm đảo chính lật đổ chế độ bảo thủ của Tổng thống Arnulfo Arias. Năm 1969, sau khi thoát khỏi một âm mưu ám sát gây ra bởi Boris Martinez, Torrijos quyết định tha tội chết cho Martinez nhưng buộc ông này phải rời Panama sống lưu vong ở nước ngoài.

Để củng cố quyền lực, Torrijos quyết định giải thể các tổ chức chính trị đối lập và cho soạn thảo lại Hiến pháp. Năm 1972, Quốc hội Panama biểu quyết ban hành Hiến pháp mới và bổ nhiệm tướng Torrijos làm Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh quân đội.

Khác với các tổng thống tiền nhiệm luôn bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp giàu có rabiblancos nắm giữ nền kinh tế và cả chính trị ở Panama, Tổng thống Torrijos lại quan tâm đến tầng lớp công nhân và nông dân nghèo khó. Ông chủ trương một nền kinh tế, chính trị và ngoại giao độc lập, mở lại bang giao với Cuba và kêu gọi mọi tầng lớp trong xã hội tham gia xây dựng đất nước. Tổng thống Torrijos từ chối viện trợ về quân sự, giáo dục và y tế của Mỹ nhưng lại cho áp dụng mô hình giáo dục và y tế của Cuba, với sự giúp đỡ của nhiều chuyên viên Cuba cho Panama.

Điều này gây khó chịu cho chính quyền Mỹ. Cuộc cải cách ruộng đất của Tổng thống Torrijos vào năm 1975 đã khiến giới địa chủ ở Panama phải choáng váng và bất bình khi gần 1 triệu hécta đất canh tác đã được thu hồi để giao lại cho nông dân nghèo. Nhưng điều khiến Tổng thống Torrijos quan tâm nhiều nhất là làm sao thu hồi quyền quản lý kênh đào Panama, vốn nằm trong tay Mỹ, về lại cho đất nước Panama.

Vào ngày 7/9/1977, sau một thời gian dài đấu tranh, thuyết phục lẫn đe dọa (Torrijos từng đe dọa sẽ cho đặt mìn phá hủy kênh đào Panama nếu Mỹ không chịu thương thuyết để bàn giao kênh đào lại cho Panama), Hiệp ước về kênh đào Panama, còn gọi là Hiệp ước Torrijos-Carter, đã được ký kết giữa Tổng thống Torrijos và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Theo hiệp ước này thì từ năm 2000, Mỹ sẽ bàn giao quyền quản lý kênh đào Panama lại cho Chính phủ Panama.

Năm 1978, sau khi mãn nhiệm kỳ tổng thống, tướng Torrijos quyết định rút lui khỏi chính trường nhưng thể theo yêu cầu của dân chúng Panama, ông quyết định tiếp tục giữ chức vụ tổng thống đến năm 1984. Thế nhưng vào tháng 8-1981, trong một chuyến công cán, Tổng thống Torrijos đã tử nạn khi chiếc chuyên cơ chở ông đâm xuống vùng rừng rậm Cerro Marta.

Cho dù kết luận điều tra cho đây là một vụ tai nạn do máy bay gặp trục trặc về kỹ thuật nhưng nhiều người lại cho rằng đó là kết quả từ một âm mưu sát hại Tổng thống Torrijos do nước ngoài tổ chức. Tướng Manuel Norriega, nguyên Tổng Tư lệnh quân đội Panama, bị Mỹ bắt giữ vào năm 1991, đã tiết lộ trong cuốn sách của mình, có nhan đề "Tù nhân của Mỹ", phát hành vào năm 1999, rằng Tổng thống Torrijos và cả ông đều là mục tiêu cần phải thanh toán của Mỹ.

Tuy nhiên, những chứng cứ mà Norriega thu thập được đều bị Mỹ tịch thu trong vụ bắt giữ ông rồi sau đó cho phi tang. Đến năm 2004, sau khi được bầu làm Tổng thống Panama, Martin Torrijos Espino, con trai của Tổng thống Torrijos, đã quyết định tái điều tra vụ tử nạn bí ẩn của cha mình để tìm nguyên nhân đích thực. Kết quả điều tra cho biết đã xảy ra một âm mưu giết hại Tổng thống Torrijos bằng cách cho cài bom làm nổ tung chiếc chuyên cơ DHC-6 chở ông vào ngày 1/8/1981.

Thế nhưng thủ phạm không phải là tình báo Mỹ mà là một số nhà tư bản và chính trị gia Mỹ đã câu kết để tổ chức thanh toán Tổng thống Torrijos do ông này quyết định sẽ nhờ nhiều tập đoàn kinh tế của Nhật thực hiện dự án cải tạo và mở rộng kênh đào Panama một khi được chuyển giao về lại cho Panama mà không đếm xỉa gì đến các các ông chủ tư bản Mỹ vốn đã gắn chặt quyền lợi của mình với kênh đào này trong một thời gian dài. Trong cuốn sách "Tù nhân của Mỹ", tướng Norriega cũng khẳng định đó chính là nguyên nhân khiến Tổng thống Torrijos bị sát hại.

Nhiều người còn cho rằng vụ mưu hại Tổng thống Omar Torrijos nằm trong một kế hoạch của chính phủ mới ở Mỹ do Tổng thống Ronald Reagan đứng đầu nhằm loại bỏ bất cứ lãnh đạo quốc gia Mỹ Latinh nào có chủ trương đường lối làm phương hại đến quyền lợi của Mỹ. Chỉ ba tháng sau khi xảy ra vụ tử nạn bí ẩn của Tổng thống Omar Torrijos, đến lượt Tổng thống Ecuador Jaime Roldos Aguilera, một người có tư tưởng muốn tách khỏi ảnh hưởng của Mỹ, cũng tử nạn trong một tai nạn máy bay khó hiểu tương tự.

Văn Hòa (Theo An Ninh Thế Giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem