“Vua cá tra” Hùng Vương “nhắm” đến mua bán DN nông nghiệp

Quốc Hải Thứ ba, ngày 02/08/2016 14:46 PM (GMT+7)
Cổ phiếu HVG được chú ý rất nhiều trên sàn chứng khoán bởi ông “vua cá tra” Dương Ngọc Minh trong thời gian gần đây liên tục “nhắm đến” các thương vụ M&A trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bình luận 0

Theo BCTC hợp nhất quý 3.2016 (niên độ tài chính 01.10 đến 30.09), HVG có khoản lãi ròng tăng mạnh gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 3 đạt 6.612 tỷ đồng (tăng trưởng 45%); giá vốn cũng tăng mạnh 45% nên lãi gộp đạt 472,6 tỷ đồng, tăng trưởng 39%. Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí HVG ghi nhận lãi ròng hợp nhất đạt 226,4 tỷ đồng, tăng cao gấp 17.4 lần so với cùng kỳ năm trước.

img

Đáng chú ý, lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, HVG đạt 14.936 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng trưởng 26,5%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 244 tỷ đồng, tăng trưởng 311,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, theo BCTC đã công bố, trong 9 tháng đầu năm, cả doanh thu xuất khẩu và nội địa của HVG đều tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu tăng từ 3.315,6 tỷ lên 4.696 tỷ đồng và doanh thu nội địa tăng từ 8.631 tỷ đồng lên 10.353,6 tỷ đồng (tăng 20%).

Tuy nhiên, theo phân tích của giới chứng khoán thì sở dĩ  doanh thu của HVG tăng trưởng mạnh như vậy là nhờ kết quả hợp nhất với Công ty CP Sao Ta (FMC). Theo đó, việc hợp nhất được thực hiện từ cuối tháng 5.2015, tức là kết quả kinh doanh 9 tháng của HVG (niên độ tài chính 01.10 đến 30.09) có phần đóng góp của FMC vào tăng trưởng.

Dù vậy, HVG cũng là đơn vị được chú ý rất nhiều trên sàn chứng khoán bởi ông “vua cá tra” Dương Ngọc Minh trong thời gian gần đây liên tục “nhắm đến” các thương vụ M&A trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2015, ngoài việc mua thêm cổ phiếu VTF (CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng) với tỉ lệ 90,28%; FMC (CTCP Sao Ta) với tỉ lệ 54,28% và CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Tắc Vân với tỉ lệ sở hữu 62%;  HVG còn đầu tư thành lập thêm 2 công ty con mới là Công ty Cổ phần Hùng Vương Sông Đốc và Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre; đồng thời cũng đăng ký góp vốn vào Công ty Cổ phần Hùng Vương Ba Tri (hoạt động chính là sản xuất cá giống) với tỷ lệ góp vốn 80%.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại HVG có 12 công ty con và hơn chục công ty liên kết hoạt động chính trong các lĩnh vực: sản xuất con giống - nuôi trồng - sản xuất thức ăn - chế biến thủy sản - chế biến phụ phẩm - xuất khẩu. Chưa kể, mới đây nhất HVG còn nhắm đến thị trường heo giống, heo thịt với việc nhập khẩu 750 con giống từ Đan Mạch. Theo HVG, từ tháng 3.2017 sẽ cung cấp heo thịt, heo giống ra thị trường và kế hoạch đến đầu năm 2019 sẽ có 100.000-120.000 con bố mẹ.

Dù HVG liên tục “bành trướng” nhưng cổ phiếu của đơn vị này lại “không như mong đợi” của nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, sau khi công bố kết quả kinh doanh đột biến 9 tháng đầu năm, cổ phiếu của HVG có 3 phiên tăng mạnh (2 phiên kịch trần) nhưng sau đó bắt đầu giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1.8, cổ phiếu của HVG giảm 200 đồng  (từ 11.100 đồng xuống 10.900 đồng). Đến chiều 2.8, cổ phiếu tiếp tục giảm còn 10.400 đồng.

Trước đó, HĐQT của HVG đã quyết định mua 5 triệu cổ phiếu quỹ để cứu giá cổ phiếu, nhờ vậy, trong khoảng thời gian giữa tháng 2 đến cuối tháng 3.2016, cổ phiếu HVG đã đạt được mức tăng trưởng hơn 25% về giá. Tuy nhiên, từ ngày 24.03, giá cổ phiếu HVG đã nhanh chóng lao dốc từ mức giá đỉnh 12.600 đồng khi 38 triệu cổ phiếu phát hành để trả cổ tức chuẩn bị đổ vào tài khoản của nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem