Vùng đất này của Hà Nam, ai cũng biết thêu thùa may vá, ông tổ nghề thêu còn là một người đàn ông

Hồng Nhân Thứ tư, ngày 26/07/2023 06:01 AM (GMT+7)
Nhờ sự lao động cần cù sáng tạo, tỉ mỉ qua từng đường kim mũi chỉ của người dân, cùng với những chính sách phù hợp của địa phương, nghề thêu ren Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, Hà Nam ngày càng phát triển.
Bình luận 0

Làng nghề thêu ren Thanh Hà có tuổi đời cả 100 năm

Là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, trên vùng đất Hà Nam từ lâu đã xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử với nhiều sản phẩm nổi tiếng, đội ngũ nghệ nhân giỏi tay nghề.

Một trong số đó, làng nghề thêu ren truyền thống ở xã Thanh Hà (huyện Thanh Liêm) đã có tuổi đời hơn 100 năm với nhiều dấu ấn đặc biệt.

Nghề thêu ren truyền thống ở đây đã xuất hiện từ lâu. Theo tư liệu địa phương, năm 1893, cụ Nguyễn Đình Thản, người thôn An Hòa đã đi học hỏi và đưa nghề thêu về truyền dạy cho con cháu và nhân dân trong làng, từ đó nghề thêu ren ngày càng phát triển. Nhân dân trong làng đã suy tôn cụ là cụ tổ nghề thêu làng An Hòa.

Giai đoạn thịnh vượng, từ năm 1975 đến năm 1999 làng nghề cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu và các nước trên thế giới.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên (65 tuổi, xã Thanh Hà) cho biết, khắp xã thời ấy buôn bán nhộn nhịp, hàng nghìn khung thêu.

Về làng nghề thêu ren 100 tuổi tại Hà Nam - Ảnh 2.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên (65 tuổi, xã Thanh Hà) cho biết, khắp Thanh Hà thời ấy buôn bán nhộn nhịp, hàng nghìn khung thêu.

"Chúng tôi từ nhỏ, mỗi khi đi học về đều lao vào ngay khung thêu. Trẻ con đứa nào cũng biết kĩ thuật thêu. Nói thế để thấy lúc bấy giờ làng nghề chúng tôi phát triển thế nào.

Thêu ren Thanh Hà đặc trưng với các kĩ thuật độn, lướt vặn, bỏ bạt, đâm xô, nối đầu… nhiều kĩ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng cũng được nghệ nhân nơi đây sử dụng thành thục. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu, có những bức tranh thêu trị giá lên tới cả trăm triệu đồng", ông Tuyên cho biết.

Về làng nghề thêu ren 100 tuổi tại Hà Nam - Ảnh 3.

Ảnh chụp đình làng tại thôn An Hòa, Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, Hà Nam

Làng nghề thêu ren Thanh Hà tự thay đổi mình để phát triển

Từ năm 2000 đến nay là thời kỳ chuyển đổi cơ chế, làng thêu ren Thanh Hà đã trải qua bao trăn trở tìm cho mình hướng đi để tồn tại và phát triển trong điều kiện thị trường truyền thống bị thu hẹp và thị trường nước ngoài lại đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và thời gian.

"Giai đoạn sau này khi đơn hàng nhiều, đòi hỏi thời gian gấp rút, giá thành rẻ, cạnh tranh thế nên nghề thêu chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn.

Cũng may có những người trẻ, rồi Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thêu ren Thanh Hà ra đời đã vực dậy làng nghề truyền thống, chuyển biến mạnh mẽ về cả chất và lượng nên người làm nghề hiện nay cũng ở tâm thế khác nhau. Hiệp hội có 33 thành viên là các hộ, cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm thêu của xã Thanh Hà, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm thêu ren", ông Tuyên tâm sự.

Về làng nghề thêu ren 100 tuổi tại Hà Nam - Ảnh 4.

Thêu ren Thanh Hà đặc trưng với các kĩ thuật độn, lướt vặn, bỏ bạt, đâm xô, nối đầu… nhiều kĩ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng cũng được nghệ nhân nơi đấy sử dụng thành thục.

Ông Nguyễn Mạnh Thường - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề thuê ren xuất khẩu Thanh Hà cho rằng, để bắt kịp với xu thế xã hội, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và ngành chức năng, các hộ làm nghề đã không ngừng học hỏi, cải tiến phương tiện kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và yêu cầu của thị trường.

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thêu ren Thanh Hà là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh mặt hàng thêu ren thuộc các thành phần kinh tế tình nguyện thành lập trên tinh thần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thêu ren Thanh Hà mang nhãn hiệu tập thể “Thêu ren Thanh Hà".

Đổi mới trên làng nghề thêu ren hơn 100 tuổi ở Hà Nam - Ảnh 5.

Nhiều công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc.

"Các công ty, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư máy móc. Những sản phẩm nào cần thêu tay, khách yêu cầu cao thì đáp ứng ngay nhưng những sản phẩm thêu máy, yêu cầu thời gian nhanh chóng, giá thành rẻ làng nghề hoàn toàn chủ động.

Thế nên thị trường xuất khẩu thêu ren Thanh Hà ở hầu khắp các châu lục trên thế giới như Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ. Trong đó tập trung ở một số thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Thụy sỹ...

Các sản phẩm được đặt hàng nhiều như như ga trải giường, gối, túi thơm, ví, khăn trải bàn, quần áo, tranh treo tường...", ông Thường nói.

Đổi mới trên làng nghề thêu ren hơn 100 tuổi ở Hà Nam - Ảnh 6.

Theo số liệu năm 2022 toàn xã Thanh Hà có 5.000 khung thêu, 30 hộ có thiết bị giặt là, in.

Theo số liệu năm 2022 toàn xã Thanh Hà có 5000 khung thêu, 30 hộ có thiết bị giặt là, in. Có 5 nghệ nhân và 76 thợ giỏi được Hội đồng thẩm định, xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của UBND tỉnh Hà Nam công nhận.

Sản lượng thêu ren tiêu thụ mỗi năm khoảng trên 25.000 sản phẩm các loại. Trong đó, đa số xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ngày 21 tháng 4 năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định chấp nhận hợp lệ đối với nhãn hiệu tập thể thêu ren Thanh Hà. Đặc biệt vào tháng 5 năm 2021 sản phẩm thêu ren Thanh Hà đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chị Hà Thị Hiệp - công nhân xưởng thêu An Phương cho biết, hiện nay các đơn hàng nhiều, đòi hỏi nhanh nên việc thêu tay không đáp ứng kịp.

"Những đơn hàng yêu cầu khó, phải thêu tay, chúng tôi luôn đặt hàng các nghệ nhân để họ thực hiện nhằm phục vụ khách hàng. Tất nhiên những sản phẩm thêu tay có giá trị cao hơn.

Những thợ thêu chuyên nghiệp thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các xưởng thêu cũng tạo việc làm thường xuyên cho trên 50% lao động và sử dụng được phần lớn lao động nông nhàn.

Đổi mới trên làng nghề thêu ren hơn 100 tuổi ở Hà Nam - Ảnh 8.

Nghề thêu phát triển mạnh tạo ra việc làm cho nhiều người, đặc biệt là người già, người có thời gian nhàn rỗi.

Những người phụ nữ lớn tuổi phụ cắt chỉ, trau chuốt họa tiết cũng được trả lương với mức 4 -5 triệu đồng. Các nhân công nhận gia công hàng về nhà hoàn thiện theo công đoạn thì rất nhiều. Chủ yếu là trẻ em và người già, lao động nông nhàn", chị Hiệp nói.

Anh Phạm Sĩ Minh (người dân Thanh Hà) lại có đi hướng đi khác. Anh bảo: "Chúng tôi chọn hướng xuất khẩu vì khách hàng nước ngoài yêu cầu độ tinh xảo, công phu và họ không quan tâm nhiều về giá thành, vì thế đây là định hướng khả quan để giữ gìn làng nghề".

Sản phẩm thêu ren Thanh Hà ngày càng được cải tiến cả về chất lượng và mẫu mã. Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu tay đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian.

Đổi mới trên làng nghề thêu ren hơn 100 tuổi ở Hà Nam - Ảnh 9.

Hình ảnh công nhân cắt chỉ tại một xưởng thêu ren Thanh Hà.

Đồng thời mỗi bức tranh mang vẻ đẹp mộc mạc và giản dị của  người  dân Thanh Hà. Các tác phẩm nổi bật của ngành thêu là tranh thêu phong cảnh như cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, hay những bức tranh mang đậm truyền thống dân tộc như vinh quy bái tổ, hứng dừa, đám cưới chuột.

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết, là làng nghề truyền thống lâu đời, thời gian qua địa phương đã được các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư về phương tiện sản xuất, khoa học kỹ thuật và các thủ tục thành lập Hiệp hội thêu ren Thanh Hà liên kết các hộ sản xuất với nhau.

"Chúng tôi quy tụ những nghệ nhân thợ giỏi để nâng tầm chất lượng, số lượng. Đến nay, một số sản phẩm thêu ren của làng nghề đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra,  xã cũng được huyện xây dựng dự án điểm du lịch làng nghề.

Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm từ khâu sản xuất đến trưng bày sản phẩm. Hy vọng rằng khi dự án đưa vào hoạt động sẽ tạo hướng mở cho nhiều người biết đến sản phẩm thêu ren Thanh Hà, đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời quảng bá tiềm năng thế mạnh của Thanh Hà cũng như huyện Thanh Liêm với du khách thập phương", bà Tuyến nói.

Đổi mới trên làng nghề thêu ren hơn 100 tuổi ở Hà Nam - Ảnh 10.

Nhờ những chính sách, định hướng đúng đắn của UBND tỉnh Hà Nam và làng nghề thêu ren Thanh Hà cũng như nhiều làng nghề khác có nguy cơ bị mai một được vực dậy, phát triển mạnh mẽ.

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 04/11/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030.

Đây là tiền đề, điều kiện quan trọng giúp bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển bền vững gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử; tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân nông thôn, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ những chính sách, định hướng đúng đắn của UBND tỉnh Hà Nam và làng nghề thêu ren Thanh Hà cũng như nhiều làng nghề khác có nguy cơ bị mai một được vực dậy, phát triển mạnh mẽ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem