Vườn cây cảnh đang hot với 1.200 gốc của một tỷ phú nông dân Tiền Giang, cây giá cao nhất là hơn 1 tỷ

Phương Mai Thứ ba, ngày 12/03/2024 05:28 AM (GMT+7)
Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đến thăm vườn mai vàng của chú Bùi Văn Công, nơi có hàng ngàn cây mai vàng có giá trị từ vài triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Chú Công là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Tiền Giang được Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận danh hiệu “Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu năm 2020”...
Bình luận 0

Là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Tiền Giang được Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận danh hiệu “Nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu năm 2020”, đó là chú Bùi Văn Công ở xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè.

Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đến thăm vườn mai vàng của chú Bùi Văn Công, nơi có hàng ngàn cây mai vàng có giá trị từ vài triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.

Giữ trọn tình yêu với mai vàng-loại cây cảnh đang hot

Trong cái nắng gay gắt và những cơn mưa bất chợt của những ngày tháng 7, người đàn ông dáng vẻ hiền từ, có chút thư sinh, không giống như lão nông dầm mưa dãi nắng đang say mê cắt tỉa, tạo hình cho những cây mai vàng.

chú Công nói: "Đây là những cây mai vàng được tôi mua về trồng cũng được vài năm; phải chăm sóc, cắt, tỉa, tạo hình rồi mới đưa lên chậu".

Chú Công chia sẻ thêm: "Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông này. Gia đình tôi mấy đời cũng chủ yếu làm vườn trồng cây ăn trái. 

Ngay từ nhỏ, vì thấy con dáng người không được to cao, lại không muốn con làm nông vất vả, ba mẹ tôi cho ăn học, rồi lớn lên cũng đi làm cán bộ trong xã. Những năm gần đây, do sức khỏe không tốt nên tôi xin nghỉ hưu sớm. 

Vườn cây cảnh đang hot với 1.200 gốc của một tỷ phú nông dân Tiền Giang, cây giá cao nhất là hơn 1 tỷ- Ảnh 2.

Chú Bùi Văn Công, một tỷ phú nông dân trồng mai vàng ở xã xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đang chăm sóc vườn mai bạc tỷ của gia đình.

Tôi thấy vào dịp Tết những cây mai vàng trổ bông rất đẹp, làm cho không khí ngày Tết thêm rộn ràng, vui vẻ; may mắn sẽ đến mọi nhà; tâm trạng của con người khi nhìn ngắm hoa cũng sẽ cảm thấy thoải mái và yêu đời hơn. 

Chính vì thế mà cách đây hơn 30 năm, tôi đã tận dụng đất trồng cam, quýt của gia đình để trồng xen vào những cây mai vàng. Cứ thế, mỗi năm số lượng cây mai trong vườn ngày càng nhiều lên".

Những gốc mai chú Công mua về chủ yếu là những cây mai thô, không hình dáng gì đặc biệt, giá trị không cao. Những gốc mai sau đó được chú chăm sóc, tạo hình thì giá trị nâng lên hàng chục lần. 

Chú Công cho biết: "Trồng mai, chơi mai kiểng phải có niềm đam mê. Một cây mai từ khi mua về hoặc cây mai phôi từ khi chỉ mới cỡ cây đũa. Sau thời gian chăm sóc hàng chục năm, có khi vài chục năm mới có một cây mai đẹp. Chỉ có "tình yêu" với cây mai vàng mới có thể bỏ công và chờ đợi ngần ấy thời gian".

Trong khu vườn rộng trên 1,2 ha với đủ loại mai vàng, từ cây nhỏ đến cây lớn, thấy tôi trầm trồ, tròn mắt khi lần đầu tiên chứng kiến vườn mai rộng đến thế. 

Chú Công cho biết: “Hiện tại trong vườn có khoảng 1.500 cây mai vàng lớn nhỏ. Ngoài niềm đam mê trồng mai, để gắn bó lâu dài với cây mai, để cây mai phát triển tốt, có giá trị tinh thần và vật chất thì người trồng mai phải hiểu “cái nết” của cây mai”. 

Mặc dù mai là loại cây dễ trồng, nhưng để có được hình dáng đẹp, thân khỏe mạnh và ra hoa đúng dịp Tết, đòi hỏi người chăm sóc phải có “bí quyết” riêng.

Đam mê cây mai vàng làm nên cơ nghiệp tỷ phú nông dân

Dẫn chúng tôi ra tham quan vườn mai, chú Công bộc bạch: "Những ngày đầu khi trồng cây mai rất ngẫu nhiên như là cách để giải trí và có cây mai để chưng trong mấy ngày Tết. Sau đó, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây mai, tôi quyết định gắn cuộc đời mình với loài cây hoa này. 

Làm vườn bây giờ nếu mình không dám đầu tư, tận dụng chất xám trên mảnh vườn, ứng dụng công nghệ cao thì rất khó thành công. 

Cứ làm việc say mê và đi đúng hướng rồi thành công sẽ đến với mình". Từ suy nghĩ lạc quan và hành động cụ thể, cộng với năng khiếu và tình yêu với cây mai đã giúp chú Công thành ông chủ một vườn mai vàng chuyên trồng, mua bán mai vàng có tiếng. 

Chú Công cởi mở chia sẻ với chúng tôi: "Mỗi năm, tôi bán từ 200 đến 300 cây mai lớn nhỏ; thu về từ 1,2 đến 2 tỷ đồng. Hiện tại, trong vườn có vài chục cây mai có giá trị mỗi cây trên 01 tỷ đồng; hàng trăm gốc mai cổ thụ có giá vài trăm triệu đồng. 

Cũng nhờ kinh tế từ cây mai vàng mà tôi đã lo cho con cái ăn học thành tài; gia đình có cuộc sống sung túc".

Theo chú Công, mấy năm trước chú vừa mua thêm mấy công đất để mở rộng diện tích trồng mai vàng và trồng thêm cây tùng. Hiện tại, vườn mai của chú Công còn giải quyết việc làm cho 6 lao động.

Lao động phổ thông như làm cỏ, cắt cành thì thu nhập 300.000 đồng/ngày; còn nghệ nhân sửa kiểng, tạo hình cho mai có thu nhập 500.000 đồng/ngày. 

Nghệ nhân Lê Văn Y, người gắn bó với vườn mai vàng của chú Công nhiều năm qua cho biết: "Tôi gắn bó với vườn mai của anh Công cũng hơn 10 năm rồi, chủ yếu là tạo hình cho cây mai, ghép cành để cây mai cho nhiều hoa và hoa nhiều cánh. 

Cây mai thì giai đoạn cần phải tập trung chăm sóc là sau Tết Nguyên đán và sau tháng 6 âm lịch để chuẩn bị cho đợt mai Tết".

Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi B (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) Trần Nhật Khoa cho biết: "Ông Bùi Văn Công là một trong những nông dân đi đầu trong các phong trào, luôn nhiệt tình đóng góp cho các phong trào, công trình xã hội tại địa phương. 

Ngoài ra, ông còn tích cực, tận tình hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc mai cho những hộ trong xã, tạo điều kiện cho nhiều nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 3% và xã Mỹ Lợi B phấn đấu đến cuối năm ra mắt xã nông thôn mới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem