"Vương quốc hồ tiêu" Gia Lai: 9/10 người mắc nợ, tán gia bại sản

23/09/2019 13:01 GMT+7
Gần 6.500 ha trên tổng số 16.000 ha hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai đã bị chết do bệnh khiến hàng ngàn hộ nông dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, không còn khả năng trả nợ. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã chung tay góp sức, nhằm gỡ khó cho người trồng hồ tiêu.

NGẬP TRONG NỢ NẦN

Ở thời điểm giá hồ tiêu cao nhất, gia đình ông Phạm Hồng Sơn (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) có khoảng 6.000 trụ, mỗi năm thu về bạc tỷ. Thế rồi vườn hồ tiêu bị bệnh, chết sạch. Ông Sơn đánh liều vét hết tiền nhà và vay thêm 1,5 tỷ đồng gầy dựng lại vườn hồ tiêu hơn 5.000 trụ. Nhưng khi chưa kịp thu thì cả vườn hồ tiêu này lại chết sạch vì bệnh chết nhanh chết chậm.

“Hồ tiêu chết, nhà tôi ôm nợ 1,5 tỷ đồng, cứ 3 tháng lại phải đóng lãi 40 triệu đồng. Không biết làm gì để trả cho hết nợ”-ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, 90% dân số ở đây đang là con nợ của ngân hàng, người ít thì 200 triệu đồng, nhiều cỡ 2 tỷ đồng.

"Vương quốc hồ tiêu": 10 người 9 người mắc nợ, tán gia bại sản - Ảnh 1.

Nhiều nông dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Đức Thụy

Năm 2008, để trồng 600 trụ hồ tiêu, gia đình bà Nguyễn Thị Lĩnh (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) phải vay ngân hàng 440 triệu đồng. Khi vườn hồ tiêu chết sạch, gia đình bà vẫn chưa trả nợ được đồng nào. Giờ mỗi quý, bà phải trả lãi hơn 12 triệu đồng cho ngân hàng. Toàn bộ thu nhập của gia đình hiện chỉ trông vào 1,2 ha cà phê nhưng năm được năm mất. Vì vậy, bà phải đi làm thuê để lấy tiền trả nợ ngân hàng. “Cuộc sống gia đình giờ khốn khó lắm”-bà Lĩnh than vãn.

Gia đình bà Trần Thị Nhẫn (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cũng huy động toàn bộ vốn liếng dành dụm, vay thêm ngân hàng và người thân trồng mấy đợt được 2.500 trụ hồ tiêu. Thu hoạch chưa được bao nhiêu thì vườn cây đổ bệnh rồi chết mà không thể cứu vãn. Nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Bà Nhẫn nói: “Mong muốn lớn nhất của bà con là được Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ để cuộc sống dễ thở hơn”.

TÌM CÁCH XOAY XỞ

Hồ tiêu chết, nợ nần chất chồng, nhiều gia đình phải bỏ xứ đi làm ăn xa để kiếm tiền trả nợ. Không ít em nhỏ mới hôm qua còn cắp sách đến trường, giờ đã phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp cha mẹ. Thậm chí có những gia đình giàu có nhờ hồ tiêu, gửi con học phổ thông ở các trường quốc tế trong TP. Hồ Chí Minh, giờ vỡ nợ phải gọi con về vì không có tiền đóng học phí và các khoản khác cho nhà trường...

Những khoản nợ quá lớn, không thể ngày một ngày hai giải quyết được. Vậy nên, không ít gia đình phải tìm mọi cách để kiếm tiền duy trì cuộc sống, còn khoản nợ thì vẫn... treo lơ lửng trên đầu. Gia đình bà Trần Thị Nhẫn cũng như rất nhiều hộ khác ở huyện Chư Sê, Chư Pưh đã phải nhổ trụ hồ tiêu đem bán nhằm vớt vát chút tiền trả nợ.

Theo bà Nhẫn thì trước kia, mua 1 trụ gỗ (loại gỗ căm xe, cà chít) phải mất từ 80 ngàn đồng đến hơn 200 ngàn đồng, tùy từng thời điểm. Giờ bán đổ bán tháo chỉ được 50-60 ngàn đồng/trụ, mà phải tự mình nhổ, đem ra chất đống ngoài đường may ra mới có người đến mua. Gia đình bà đã bán được hơn 1 ngàn trụ, còn lại vẫn chất đống phơi nắng phơi mưa trước cổng nhà. “Đi làm về là cứ ra ngồi trước nhà, mong có người đến hỏi mua trụ là tôi bán ngay”- bà Nhẫn nói.

"Vương quốc hồ tiêu": 10 người 9 người mắc nợ, tán gia bại sản - Ảnh 2.

Ông Đỗ Văn Kền (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) xen canh mít Thái trong vườn hồ tiêu. Ảnh: L.G

Cũng có vườn hồ tiêu chết sạch nhưng gia đình ông Đỗ Văn Kền (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) không đến nỗi bi đát nhờ đã sớm tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Cách đây 4 năm, khi phát hiện vườn hồ tiêu có dấu hiệu vàng lá, ông Kền lo lắng lắm. Ngay khi đó, ông đã nghĩ đến một ngày phải phá bỏ toàn bộ vườn hồ tiêu hơn 1.000 trụ của gia đình. Vậy là vừa tìm cách cứu vãn vườn hồ tiêu, ông vừa trồng xen 60 cây bơ ở những nơi hồ tiêu đã chết hẳn.

Giờ cây bơ đã cao vượt đầu người lớn, xanh tốt và đã cho thu hoạch. Khoản tiền bán bơ xen canh trong vườn hồ tiêu chết vô cùng quý giá, giúp gia đình ông giải quyết phần nào nợ nần. Cách đây 2 tháng, ông trồng thêm được 100 cây bưởi trong vườn hồ tiêu chết. “Hy vọng sau này, vườn cây ăn quả thay thế sẽ là nguồn thu nhập ổn định của gia đình”-ông Kền hy vọng.

Ở nơi từng được mệnh danh là “Vương quốc hồ tiêu” như Chư Sê, Chư Pưh, những người nhanh nhạy chuyển đổi cây trồng trên đất hồ tiêu chết như ông Kền là không nhiều. Phần lớn khi vườn hồ tiêu đổ bệnh chết, các chủ vườn đều phải bán tống bán tháo trụ, bán cả xe hơi, nhà lầu để trả nợ. Trả không hết nợ, họ đành bỏ xứ đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi thân, cũng là một cách để... trốn nợ.

DOANH NGHIỆP CHUNG TAY THÁO GỠ

Trước khó khăn trên, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp uy tín trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh đã định hướng ổn định 10.000 ha cây ăn quả gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Nafood Group… Đây là điều kiện thuận lợi để người trồng hồ tiêu mạnh dạn chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế mới, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao-cho biết: “Với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Trung tâm chế biến rau quả của Công ty tại Gia Lai sẽ xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, diện tích từ 10.000 ha đến 15.000 ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục ngàn lao động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ …”.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã có động thái cụ thể nhằm hỗ trợ người trồng hồ tiêu thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh và cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Ông Võ Bình Độ (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) là một trong số khách hàng được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh hỗ trợ bằng biện pháp giãn nợ 5 năm để giảm áp lực trả lãi và tạo cơ hội tái sản xuất.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai vào ngày 16-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ghi nhận ý kiến đề nghị hỗ trợ người trồng hồ tiêu bị thiệt hại do mưa lũ và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tham mưu giúp Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời. 

D.L

Ông Độ cho biết: “Năm 2012, tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh 2 tỷ đồng để đầu tư mở rộng 7 ha hồ tiêu. Đến năm 2017, toàn bộ diện tích hồ tiêu này đều chết sạch. Không còn nguồn thu nên gia đình không thể trả gốc và lãi vay. Được ngân hàng giãn nợ khoản vay lên 5 năm, mỗi năm trả một ít nên cũng đỡ áp lực. Những diện tích hồ tiêu chết, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cà phê và cây ăn quả, hy vọng thời gian tới sẽ có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và trả nợ”.

Ông Lê Thanh Quang-Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: Đơn vị hiện có tổng dư nợ do thiệt hại hồ tiêu lên đến gần 700 tỷ đồng của hơn 4.100 khách hàng, chiếm hơn 97% dư nợ cho vay trồng và chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn.

“Nhằm giúp người dân có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại ổn định cuộc sống, an tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập để trả nợ, Chi nhánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho những khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ tiếp tục được vay vốn tái đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích những khách hàng trả nợ trong năm 2019 sẽ được áp dụng cơ chế miễn giảm lãi. Ngoài ra, Chi nhánh còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các hộ vay bị thiệt hại theo hướng phù hợp với nguồn thu nhập, điều chỉnh miễn, giảm lãi suất, thu gốc trước, thu lãi sau đối với các hộ dân có thiện chí trả nợ”-ông Quang cho biết.

Sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phần nào giảm áp lực cho người trồng hồ tiêu, giúp họ vượt qua khó khăn. Đồng thời mở ra cơ hội để người dân tái đầu tư, chuyển đổi hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, tạo nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống và trả nợ.

Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay trồng hồ tiêu ở Gia Lai đến thời điểm này là trên 3.700 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ thiệt hại hơn 2.600 tỷ đồng của trên 11.000 khách hàng; nợ xấu hơn 450 tỷ đồng... Riêng huyện Chư Pưh có trên 2.000 ha hồ tiêu bị chết, nợ xấu 260 tỷ đồng.
(Dân Việt)
Cùng chuyên mục