WHO chỉ ra 'chìa khóa' để đánh bại biến thể Omicron

Lê Phương (Reuters) Thứ bảy, ngày 04/12/2021 09:00 AM (GMT+7)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia tăng cường tiêm chủng cho người dân để chống lại biến thể Omicron. Ngoài ra, WHO cũng cho biết việc hạn chế đi lại có thể câu thêm thời gian nhưng không thể là một phương án lâu dài.
Bình luận 0
WHO chỉ ra 'chìa khóa' để đánh bại biến thể Omicron - Ảnh 1.

Mọi người xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/12/2021. Ảnh: REUTERS/Kim Hong-Ji

Mặc dù đã đóng cửa biên giới đối với nhiều nước Nam Phi, tuy nhiên Úc vẫn trở thành một trong những quốc gia mới nhất ghi nhận sự xuất hiện biến thể này.

Ngoài Nam Phi, Omicron cũng đã đến châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và châu Âu. Nhiều chính phủ đã thắt chặt các quy tắc đi lại để hạn chế sự lây lan của biến thể.

"Kiểm soát biên giới có thể câu giờ nhưng tất cả các cộng đồng, quốc gia đều phải chuẩn bị cho những khó khăn trong thời gian tới", Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, nói trong một cuộc họp báo. Ông nhấn mạnh: "Mọi người không nên chỉ dựa vào các biện pháp hạn chế đi lại. Điều quan trọng nhất là chuẩn bị phương án ứng phó với những biến thể có khả năng lây truyền cao".

Kasai kêu gọi các quốc gia tiêm phòng đầy đủ cho những nhóm người dễ bị tổn thương, đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Omicron đã được WHO liệt vào danh sách "biến thể đáng quan tâm", các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để xác định mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan của bệnh.

Michelle Groome, một nhà khoa học thuộc Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi, cho biết nước này đang đối mặt với sự gia tăng chưa từng thấy về số ca nhiễm biến thể Omicron.

Gần 264 triệu người đã được ghi nhận mắc Covid-19 kể từ khi căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Đại dịch đã khiến 5,48 triệu người thiệt mạng, theo một thống kê của Reuters.

Khoa học và tốc độ

WHO chỉ ra 'chìa khóa' để đánh bại biến thể Omicron - Ảnh 2.

Xét nghiệm bên ngoài nhà ga quốc tế tại sân bay Sydney ở Sydney, Úc, ngày 29/11/2021. Ảnh: REUTERS/Loren Elliott

Tỷ lệ tiêm chủng vốn khác nhau giữa các quốc gia, mặc dù vậy khoảng cách này trở nên đáng lo ngại ở những nước nghèo. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và từng là tâm chấn Covid-19 của châu Á, mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 35% dân số.

Giám đốc y tế của Úc, Paul Kelly, cho biết Omicron có khả năng trở thành biến thể thống trị toàn cầu trong vòng vài tháng tới, tuy nhiên có nhiều luồng ý kiến khác cho rằng chưa có đủ bằng chứng để kết luận nó nguy hiểm hơn Delta.

Tại Mỹ, chính quyền Biden đã công bố các biện pháp đề phòng virus lây lan. Từ đầu tuần vừa qua, những khách du lịch quốc tế sẽ phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng một ngày trước khi khởi hành chuyến bay. "Chúng tôi sẽ chiến đấu với biến thể này bằng khoa học và tốc độ, không phải bằng sự hỗn loạn và sai lầm", Tổng thống Joe Biden nói.

Chưa đến 60% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, một trong những tỷ lệ thấp nhất tại các quốc gia giàu có.

Bên cạnh việc tàn phá các ngành du lịch, biến thể mới cũng làm suy yếu thị trường tài chính và những nền kinh tế lớn ngay khi chúng vừa bắt đầu phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Delta.

Đức cho biết họ sẽ soạn thảo luật bắt buộc tiêm vaccine vào đầu năm tới. Trong khi đó, một số quốc gia, bao gồm cả Anh và Mỹ, đã lên kế hoạch cung cấp các mũi tiêm tăng cường, tuy nhiên giống như lệnh cấm đi lại, các kế hoạch này cũng gây tranh cãi.

Nhiều nhà khoa học cho biết cách để ngăn chặn sự lây lan của virus là đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận với vaccine, chứ không phải tiêm vaccine tăng cường cho người dân ở các nước giàu hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem