WHO tuyên bố 64 bệnh viện đã bị phá hủy kể từ đầu chiến sự Ukraine

Lê Phương (Aljazeera) Thứ năm, ngày 24/03/2022 14:35 PM (GMT+7)
Liên Hợp Quốc lên án các cuộc xung đột và lưu ý việc tấn công các cơ sở y tế là vi phạm luật pháp quốc tế.
Bình luận 0
WHO tuyên bố 64 bệnh viện đã bị phá hủy kể từ đầu chiến sự Ukraine - Ảnh 1.

Một bệnh viện bị hư hại do pháo kích, ở Sievierodonetsk thuộc vùng Luhansk phía đông Ukraine. Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã xác minh được khoảng 64 vụ nổ súng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt một tháng trước.

WHO cho biết các cuộc xung đột đã xảy ra từ ngày 24/2 đến ngày 21/3 với khoảng 2 đến 3 cuộc mỗi ngày, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng.

Tiến sĩ Jarno Habicht, đại diện WHO tại Ukraine cho biết: "Các cuộc tấn công vào những cơ sở chăm sóc sức khỏe là vi phạm luật nhân đạo quốc tế, tuy nhiên đây lại là một chiến thuật phổ biến. Mục tiêu có thể là nhằm tiêu diệt các cơ sở hạ tầng quan trọng, nhưng tệ hơn, chúng phá hủy hy vọng".

Tiến sĩ nhấn mạnh: "Y tế và sức khỏe của con người không bao giờ nên là mục tiêu".

Ukraine cáo buộc Nga đánh bom các bệnh viện và cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện trẻ em và phụ sản ở thành phố Mariupol.

Chiến sự kéo dài 4 tuần cũng buộc Ukraine phải sử dụng hệ thống bệnh viện để chăm sóc người bị thương, làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho những người dân khác.

Tuy vậy, Nga bác bỏ thông tin cho rằng họ cố tình nhắm vào dân thường. Nga nhiều lần khẳng định phía Ukraine cố tình biến các cơ sở y tế và dân sự thành địa điểm cất giấu vũ khí khí tài và tấn công.

Theo Liên Hợp Quốc, gần 4 triệu người đã buộc phải rời khỏi Ukraine. Các thành phố, bao gồm Kharkov, Kiev và Mariupol, đã phải hứng chịu những đợt không kích dữ dội, nhiều người dân buộc phải vào hầm ngầm trú ẩn để đảm bảo an toàn.

Gần 1.000 cơ sở y tế nằm ở khu vực gần nơi xảy ra xung đột, WHO lưu ý.

Theo WHO, khoảng một nửa số hiệu thuốc của đất nước được cho là đã đóng cửa, với nhiều nhân viên y tế phải di dời do chiến sự hoặc không thể làm việc. Việc tiêm chủng Covid-19 và các bệnh khác cũng dừng lại.

Trước khi chiến sự xảy ra, ít nhất 50.000 người được tiêm vaccine Covid-19 mỗi ngày. WHO cho biết từ ngày 24/2 đến ngày 15/3, chỉ có 175.000 người được chủng ngừa Covid-19.

Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Ukraine để giải quyết các vấn đề do chiến sự gây ra, đồng thời gửi hơn 100 tấn thiết bị y tế qua biên giới cho các cơ sở y tế trên khắp đất nước.

Khoảng 36 tấn vật tư bao gồm bộ dụng cụ điều trị y tế, thuốc điều trị các bệnh mãn tính và thuốc nhi khoa hiện đang được chuyển đến thành phố phía tây Lviv, trong khi đó 108 tấn nữa đang chờ được gửi đi.

WHO cũng đã triển khai hơn 20 đội y tế khẩn cấp đến Ukraine, và hỗ trợ những người di tản ở Ba Lan và Cộng hòa Moldova.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem