Xây công trình phụ trên đất nông nghiệp: UBND TP.HCM thống nhất cho thí điểm

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 01/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau nhiều lần bàn thảo, TP.HCM đã thống nhất kế hoạch thí điểm xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp. Đại diện Sở TNMT TP.HCM cho hay, Sở đã có tờ trình tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp, và thành phố đã thống nhất.
Bình luận 0

Bức bí…

Lâu nay, ngành nông nghiệp TP.HCM khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập thể, nhưng nông dân không thể xây dựng các công trình phụ trợ như nhà lưới, nhà màng, kho bãi… trên đất nông nghiệp. 

Ông Trầm Quốc Thắng - Giám đốc HTX chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi) cho biết, thành phố có chủ trương tái cơ cấu đàn lợn trên địa bàn thành phố sau thời gian dịch tả lợn châu Phi, trong đó yêu cầu hàng đầu để tái chăn nuôi phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học. 

HTX đã triển khai đến các xã viên xây dựng phương án cải thiện chuồng trại để tái đàn chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thú y. Tuy nhiên, việc xây dựng, mở rộng chuồng trại đang bị vướng mắc. Hầu hết các công trình xây dựng chuồng trại đều nằm trên đất lúa, vườn, đất thổ cư hoặc đang xây dựng các công trình trên đất đã quy hoạch là đất ở, công viên cây xanh. Vì thế, địa phương không đồng ý để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. 

"Tôi mong muốn thành phố có hướng dẫn và cho phép người chăn nuôi được phép xây dựng, cải tạo chuồng trại để đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn" - ông Thắng kiến nghị.

Xây công trình phụ trên đất nông nghiệp: UBND TP.HCM thống nhất cho thí điểm  - Ảnh 1.

Nông dân Cần Giờ làm nhà lưới nuôi ốc hương ngay trên đất nông nghiệp. Ảnh: T.C.L

Về giải pháp xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp được phân theo 2 nhóm: Nhóm 1 là công trình được tự thực hiện trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp nhưng phải thông báo đến UBND xã. Gồm hạng mục: Chòi canh, nhà giữ vườn với diện tích không quá 15m², không nhằm để ở.

Nhóm 2: Công trình phải được UBND huyện thỏa thuận quy mô phù hợp phương án sản xuất nông nghiệp. Gồm các công trình có quy mô cấp IV, mật độ xây dựng không quá 5%; diện tích xây dựng <1.000m², chiều cao công trình <6m.

Tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), ông Nguyễn Hữu Nhơn đang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao với diện tích 4,2ha. Vừa qua ông có mở rộng diện tích sản xuất và xây dựng 60m² chòi canh, mái che ao ương bằng khung sắt, mái tôn với diện tích 517m² phục vụ sản xuất. 

"Thanh tra xây dựng đã đến làm việc, lập biên bản, đồng thời yêu cầu tháo dỡ. Nếu chờ đợi văn bản hướng dẫn cho xây công trình tạm trên đất nông nghiệp không kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất" - ông bộc bạch.

Thống nhất thí điểm

Theo UBND huyện Cần Giờ, các hộ sản xuất trên địa bàn đang rất mong chờ hướng dẫn xây dựng các công trình phụ trợ, đặc biệt là công trình phục vụ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Các hộ nuôi cá cảnh, trồng lan, bonsai cũng tha thiết được xây dựng nhà lồng, nhà kính, nhà lưới, nhà kho, nhà giữ vườn, sơ chế sản phẩm...

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đến nay huyện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để triển khai cũng như quản lý và cho phép việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp. Đó là vì quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định nào cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nói chung. Cần Giờ có quỹ đất nông nghiệp khoảng 9.000ha.

Tại chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố với chủ đề "Xây dựng các công trình phụ trợ để phát triển nông nghiệp đô thị" mới đây, ông Dư Huy Quang - Trưởng phòng Quản lý đất (Sở TNMT TP.HCM) cho biết, đến năm 2020, thành phố còn 88.000ha đất nông nghiệp, tập trung tại các huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. 

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp TP.HCM đang gặp phải một số khó khăn, trong đó có việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, nhà kho, chuồng trại...) trên đất sản xuất nông nghiệp.

Về giải pháp xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, ông Quang cho hay, Sở đã có tờ trình tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp (đối với huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi). 

UBND TP.HCM đã thống nhất phạm vi áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu xây dựng các công trình nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (không phân biệt đất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác; không phân biệt chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem